Nâng cao năng lực và kỹ năng phát triển kênh phân phối hiện đại, đưa hàng Việt lên “sàn”

Vân Anh
15/10/2022 - 17:33
Nâng cao năng lực và kỹ năng phát triển kênh phân phối hiện đại, đưa hàng Việt lên “sàn”

Ảnh minh họa

Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các chủ thể OCOP phát triển thương mại điện tử và tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số.

Việc nâng cao kỹ năng, nhận thức cho các doanh nghiệp, chủ thể OCOP tại các địa phương; hoàn thiện các cơ chế chính sách, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động thương mại điện tử được xem là nhiệm vụ quan trọng và luôn song hành với nhau. bởi đây được xem là yếu tố không thể thiếu khi mua bán trực tuyến đang thực sự bùng nổ ở kỷ nguyên công nghệ 4.0 với đa dạng các loại mô hình kinh doanh số, tài chính số ...

Với những mục tiêu đó, Hội nghị với chủ đề "Tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại, phát triển kênh phân phối hiện đại trên nền tảng số" và "Tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thương mại điện tử" do Bộ Công thương phối hợp tổ chức, tập trung cung cấp nội dung về các quy định và chính sách, các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực kết nối thương mại thương mại điện tử, tiếp cận quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh một cách bài bản, đúng quy định, chính sách cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Nâng cao năng lực và kỹ năng phát triển kênh phân phối hiện đại, đưa hàng Việt lên “sàn” - Ảnh 1.

Hội nghị tổ chức nhằm nâng cao năng lực kết nối thương mại thương mại điện tử, tiếp cận quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số

Hỗ trợ đưa hàng Việt lên sàn

Bám sát những mục tiêu phát triển Thương mại điện tử quốc gia về ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương, thông qua Hội nghị, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki và Lazada đã tập trung vào các nội dung hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng tổ chức, phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam.

"Kỹ năng phân phối trên môi trường thương mại truyền thống khác nhiều so với kinh doanh trên mô trường trực tuyến, trên thương mại điện tử. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã OCOP cần có sự tìm hiểu và nghiên cứu sâu sắc đối với các mô hình bán hàng trên thương mại điện tử. Ngoài ra, chúng ta cũng nên gắn kết các kênh phân phối với nhau, có sự tương tác và hỗ trợ cho nhau từ các hoạt động bán hàng trực tiếp, trực tuyến, bán hàng đa kênh... Ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia về thương mại điện tử, Đại diện sàn TMĐT Lazada gợi ý.

Nâng cao năng lực và kỹ năng phát triển kênh phân phối hiện đại, đưa hàng Việt lên “sàn” - Ảnh 2.

Nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt, sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử

Ông Trần Văn Tiến, Chuyên gia cao cấp quản lý ngành hàng, Đại điện sàn TMĐT Tiki thông tin thêm: Sàn thương mại điện tử Tiki đang phát triển Tiki Ngon thành nền tảng bán hàng với các sản phẩm thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, hàng siêu thị trên sàn thương mại điện tử Tiki có thể nói là rất phù hợp với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương. Với những chính sách ưu đãi và các chương trình hỗ trợ bán hàng, Tiki Ngon là một trong những giải pháp phù hợp cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thực phẩm, nông sản có chất lượng cao cửa Hà Nội để tiêu thụ hàng hoá theo mô hình thương mại điện tử.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể OCOP đưa hàng Việt lên các kênh phân phối hiện đại, ông Trịnh Duy Phúc, đại diện Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: Giải pháp Truy xuất thông tin xác minh sản phẩm chính hãng là một trong những biện pháp giúp người tiêu dùng xác định nguồn gốc hàng hóa từ nhà sản xuất, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và sản phẩm của doanh nghiệp khi tham gia giao dịch thương mại điện tử là hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode. 

Hiện nay, hệ thống đang được Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương vận hành tại địa chỉ https://truyxuat.gov.vn/. Hệ thống xác thực hàng chính hãng sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp với hệ thống phần mềm QRCode tĩnh và QRCode động sẽ cung cấp: khả năng truy xuất thông tin về nguồn gốc sản phẩm cho người tiêu dùng; giúp người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp minh bạch thông tin sản phẩm; góp phần giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xác mình thông tin hàng chính hãng và bảo vệ uy tín sản phẩm của doanh nghiệp, tạo sự tin cậy từ phía người dùng khi biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà mình đã mua. Ngoài ra, qua hệ thống truy xuất này, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể dễ dàng kết nối với nhau về các thông tin về quy trình bảo hành, các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp…

Xây dựng môi trường thương mạnh điện tử minh bạch

Liên quan tới các chính sách phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay, với mục tiêu xây dựng một môi trường thương mại điện tử lành mạnh, minh bạch và phát triển hiệu quả, thời gian qua Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, một mặt quản lý chặt chẽ, minh bạch, mặt khác vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển.

Nâng cao năng lực và kỹ năng phát triển kênh phân phối hiện đại, đưa hàng Việt lên “sàn” - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ về chính sách phát triển thương mại điện tử

Về phía doanh nghiệp, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Doanh nghiệp khi bắt đầu triển khai ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh cần nắm chắc những quy định bổ sung trong Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử bổ sung như: Những thông tin hàng hóa phải công khai trên website thương mại điện tử bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; Tăng cường trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong việc quản lý các giao dịch trên nền tảng của mình và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần lưu ý hơn về Hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và Hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm