Nâng cao "sức đề kháng" của nhà báo trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thu Thủy
20/10/2022 - 19:30
Nâng cao "sức đề kháng" của nhà báo trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tọa đàm Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch - Thực tiễn và giải pháp. Ảnh: PV

Trong những năm qua, đội ngũ nhà báo trên cả nước luôn đóng một vai trò quan trọng trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, trong dòng chảy chung đó, cũng có không ít trăn trở về sức chiến đấu, đạo đức làm nghề của những "chiến sĩ cầm bút", từ biểu hiện dao động về lập trường tư tưởng đến hiện tượng "nhà báo hai mặt" gần đây. Làm sao để nâng cao năng lực chiến đấu, tăng "sức đề kháng" cho nhà báo trong bối cảnh cuộc đấu tranh địch-ta ngày càng khốc liệt trên cả mặt trận truyền thống lẫn không gian mạng thực sự là một vấn đề cấp bách.

Trong những năm qua, các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Với các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, tuyến bài sâu sắc, phong phú, báo chí đã kịp thời đấu tranh, vạch rõ và làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; và đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhiều cây bút - nhà báo chuyên sâu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với những bài viết có tính chiến đấu, thuyết phục cao đã góp phần phản bác quan điểm sai trái, ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân với chế độ, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân ta đã chọn.

Bên cạnh các kết quả đạt được, sự đóng góp của báo chí vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong bài viết với tiêu đề "Phát huy vai trò báo chí cách mạng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã chỉ rõ, "trong một số thời điểm, một số vụ việc chưa được như mong muốn; tính dự báo, phân tích, xử lý thông tin đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số cơ quan báo chí còn chưa quan tâm đúng mức, xao nhãng trong thông tin, tuyên truyền, nội dung đấu tranh nghèo nàn hoặc không có; cá biệt có cơ quan báo chí còn thiếu nhạy cảm chính trị, đăng thông tin không phù hợp để bị lợi dụng, kích động, chống phá...".

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này có nhiều nhưng trong giới hạn bài viết này, xin tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề trăn trở đến từ phía "người cầm bút".

Thứ nhất, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, thông tin số, mạng xã hội một mặt giúp cho nhà báo có thêm những công cụ để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Song mặt khác, nó cũng khiến việc phát tán các quan điểm sai trái, thù địch trở nên dễ dàng hơn. Lợi dụng internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch đã lập hàng nghìn trang web, blog, các loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc, nói xấu chế độ, xúi giục, kích động, gây nghi ngờ, chia rẽ, khiến các nhà báo mất phương hướng chính trị, mất tính chiến đấu trong hoạt động báo chí của mình.

Sự bùng nổ thông tin mạng với tràn ngập các loại thông tin gây nhiễu loạn, khó kiểm chứng, trong đó có không ít luồng thông tin xấu, độc. Nếu không tỉnh táo, chắt lọc, kiểm chứng thông tin, thì bản thân nhà báo có thể rơi vào bẫy của tin giả, bị lợi dụng, đăng những thông tin không phù hợp, thậm chí sai trái. Nếu không bản lĩnh, bản thân nhà báo có thể bị dẫn dắt, dần mất niềm tin, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Mạng xã hội đem đến cho nhà báo một kênh để khai thác, truyền tải thông tin, huy động được đông đảo lực lượng tham gia vào cuộc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trước đây, độc giả chỉ biết đến nhà báo qua tác phẩm, qua bút danh của họ. Ngày nay, nhờ có nền tảng mạng xã hội mà nhà báo được xuất hiện rõ hơn với chân dung con người, suy nghĩ, tình cảm và thái độ sống của họ. Điều này vừa là lợi thế cho nhà báo khi tương tác với công chúng nhưng cũng đặt ra không ít áp lực, thách thức và cả rủi ro. Đó là áp lực cạnh tranh thông tin, là trách nhiệm xã hội khi tham gia mạng xã hội và cả rủi ro bị thế lực xấu khủng bố tinh thần, bị đe doạ sự an toàn của bản thân và gia đình.

Việc nhìn nhận rõ ranh giới trách nhiệm của người làm báo với trách nhiệm công dân, cân bằng được cảm xúc cá nhân với trách nhiệm xã hội là trăn trở cần thiết với người làm báo chân chính khi tham gia mạng xã hội. Vì nhà báo là một công dân nhưng là một "công dân đặc biệt". Khi tham gia mạng xã hội, nhà báo dù là đăng tải, chia sẻ thông tin, bình luận, bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân của mình hay của người khác thì tác động của họ đến cộng đồng là rất lớn vì họ là những người có uy tín.

Trước những thách thức từ mạng xã hội đối với đạo đức báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp của Hội Nhà báo Việt Nam xử lý các hành vi sai phạm của người làm báo trên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Thực tế, thời gian qua, đã có một số người làm báo đưa ra những phát ngôn gây sốc, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, có những thông tin hướng dư luận xã hội theo chiều tiêu cực. Điều đáng lo ngại là tình trạng "nhà báo hai mặt" đang bất chấp quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng mạng xã hội để chuyển tải thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí bịa đặt, sai trái nhằm thực hiện mục đích không trong sáng, vụ lợi mưu cầu sự nổi tiếng, lợi ích cá nhân. Ở những mức độ khác nhau, một vài người trong số họ còn tuyên truyền sai sự thật, bóp méo sự thật, vu khống nhằm kích động, chống phá Ðảng, Nhà nước và Nhân dân. Những nhà báo có biểu hiện "hai mặt" đã được đưa ra kiểm điểm, xử lý. Nhưng có lẽ đó mới chỉ là giải pháp xử lý "phần ngọn" của vấn đề.

Nguyên nhân của tình trạng "nhà báo hai mặt" thì có nhiều. Trong những bài viết đã được đăng tải phân tích về tình trạng này mà người viết được tiếp cận, nguyên nhân không thể bỏ qua đến từ vai trò, trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản, của người đứng đầu cơ quan báo chí. "Đáng chú ý là tình trạng thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quan tâm đúng mức đến việc trang bị nền tảng lý luận chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên... vẫn xảy ra ở một số cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí, dẫn đến người làm báo, nhất là phóng viên ở các văn phòng đại diện, thường trú... vi phạm pháp luật và các quy định liên quan đến phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chưa được các cơ quan báo chí tiến hành chặt chẽ, một số sai phạm xử lý chưa kịp thời và thiếu nghiêm minh nên tác dụng giáo dục, răn đe hạn chế"1. Song, nguyên nhân căn bản khiến nhà báo biến chất trở thành "nhà báo hai mặt" được nhận định là do "thiếu tự giác, rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu thường xuyên, không chú ý giữ gìn đạo đức, nhân cách, danh dự của người làm báo"2.

Dù chưa có một báo cáo nhận diện, phân tích đầy đủ, chính thức về những "nhà báo hai mặt" nhưng từ quan sát cho thấy, nhiều trường hợp đã lộ diện không phải là những "cây viết non nghề" mà đều là những người đã có một quá trình hoạt động trong nghề lâu năm hoặc có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng. Rõ ràng, sự biến chất của những "nhà báo hai mặt" là một vấn đề cần có phân tích sâu sắc hơn để những người cùng nghề nhận diện rõ hơn, biết để mà tự nâng cao "sức đề kháng" của mình, không "sẩy chân" vấp ngã, không tự biến mình thành "nhà báo hai mặt" để các thế lực thù địch lợi dụng.

Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ ý đồ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong nhiều vấn đề cơ bản mà thế lực thù địch tập trung chống phá, chiêu bài "tự do ngôn luận", "tự do báo chí", vu cáo Đảng và Nhà nước vi phạm quyền tự do ngôn luận là vô cùng nguy hiểm nhằm hòng làm cho báo chí tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Ngoài ra, chúng còn triệt để lợi dụng thiếu sót, khuyết điểm của ta trong thực hiện đường lối, nghị quyết, chính sách, pháp luật để chống phá.

Trước những thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi của chúng, nhà báo cách mạng cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ năng lực, trình độ để đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Niềm tin vào lẽ phải, vào chính nghĩa, vào tiền đồ, tương lai tốt đẹp của dân tộc, vào sức mạnh của đất nước; vào đường lối, quan điểm của Đảng; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định vào sự nghiệp đổi mới đất nước, tinh thần phấn đấu một lòng một dạ vì nước, vì dân... là phẩm chất chính trị cơ bản cần có của nhà báo trong đấu tranh. Nắm rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch thể hiện ở những quan điểm thù địch, sai trái, hiểu thực chất những quan điểm ấy, vững vàng về chính trị, đủ trình độ đấu tranh… là những yêu cầu cơ bản về năng lực của nhà báo.

Nâng cao "sức đề kháng" của nhà báo trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Ảnh 1.

Nhà báo tham quan trưng bày chuyên đề “Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang” của Bảo tàng Báo chí Việt Nam chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam

Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để nâng cao phẩm chất, năng lực chiến đấu, tăng "sức đề kháng" của nhà báo trong đấu tranh, phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?

Cần phải khẳng định rằng, bản lĩnh của nhà báo không phải tự nhiên mà có mà nó được sinh ra từ sự học tập, rèn luyện không ngừng, nghiêm túc, khoa học của mỗi người cầm bút. Bản lĩnh chính trị của nhà báo phải bắt đầu ngay từ lúc học làm nghề báo, Do đó, trong hệ thống nhà trường, nhất là các trường làm nhiệm vụ đào tạo ra những nhà báo tương lai, cần phải làm thật tốt việc giáo dục nhận thức về hệ giá trị chuẩn chung quốc gia và nhân loại, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội cho các sinh viên, nền tảng để hình thành bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp báo chí. Bản thân người cầm bút phải không ngừng rèn luyện, trau dồi trong suốt hành trình làm nghề của mình để có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng. Thiếu bản lĩnh và "sức đề kháng" yếu thì nhà báo khó có thể thoát khỏi "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Nhà báo muốn phê phán, phản bác, làm thất bại âm mưu của những kẻ tung ra các quan điểm thù địch, sai trái, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng thì trước hết phải nhận diện cho đúng các loại quan điểm ấy. Muốn nhận diện đúng thì trước hết, bản thân người cầm bút "phải nắm chắc những nguyên lý lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nếu hiểu không tường tận, nắm không chắc, không đến nơi, đến chốn những nguyên lý lý luận thì không những không thể bảo vệ được mà còn có thể trở thành người tuyên truyền không công cho các quan điểm thù địch, sai trái của các thế lực thù địch mà không biết. Có năng lực triển khai, khai thác những nội dung lý luận, những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo yêu cầu bài viết"3. Có đủ trình độ, năng lực đấu tranh, phê phán đến nơi, đến chốn, làm rõ tính chất phản động, chống đối của các quan điểm sai trái, thù địch. Lấy bảo vệ là chính, kết hợp với đấu tranh trực diện những âm mưu và thủ đoạn trên báo chí về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Muốn vậy, bản thân nhà báo phải tích cực tham gia các hoạt động, lớp đào tạo lý luận chính trị, thường xuyên cập nhật và nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ, có khả năng chọn lọc, tổng hợp, phân tích và xử lý trước những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay.

Về phía các cơ quan báo chí, cần tăng cường công tác quản lý, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, coi trọng hơn việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục bản lĩnh chính trị vững vàng và bản lĩnh nghề nghiệp cao cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Ban biên tập báo và Chi hội/Liên chi hội Nhà báo cần tăng cường phát hiện, có chính sách đào tạo thường xuyên, có chế độ đãi ngộ, trọng dụng những cây bút chuyên sâu về đấu tranh các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Một giải pháp căn bản để nâng cao "sức đề kháng" của nhà báo trong cuộc chiến này là việc được cung cấp thông tin chính thống kịp thời. Điều này đòi hỏi cơ quan báo chí phải thường xuyên cập nhật và nắm vững quan điểm thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, bám sát sự chỉ đạo và định hướng thông tin của cấp trên. Các báo cần linh hoạt, chủ động định hướng thông tin trong nội bộ để phản bác hoặc đề xuất xin ý kiến với cấp có thẩm quyền, kịp thời đưa thông tin phản hồi, chỉnh hướng hoặc bác bỏ thông tin sai lệch.

Nguồn tham khảo:

1, 2: Phùng Kim Lân, "Tỉnh táo trước chiêu trò lợi dụng "nhà báo hai mặt", Tạp chí Tuyên giáo online, ngày 17/6/2021.

3: PGS, TS. Nguyễn Mạnh Hưởng, "Nâng cao năng lực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho đội ngũ làm báo", dangcongsan.vn, ngày 19/10/2021.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm