Ngã vào cái kéo, bé 7 tuổi bị đâm xuyên cổ

Linh Trần
23/09/2020 - 15:32
Ngã vào cái kéo, bé 7 tuổi bị đâm xuyên cổ

Chiếc kéo được lấy ra khỏi cổ bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong lúc chạy chơi, bé H. ngã vào cái kéo và bị đâm xuyên cổ. Gia đình phát hiện đã nhanh chóng đưa bé đến BV cấp cứu.

Ngày 23/9, BV Nhi TƯ cho biết, các bác sĩ vừa cứu sống bé N.V.H. (7 tuổi, trú tại Ninh Bình) bị kéo đâm xuyên qua cổ. 

Trước đó, bệnh nhi được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng chấn thương cột sống, sốc, mất máu. Gia đình cho biết, bé đi chơi nhặt được chiếc kéo của bạn về để cắt giấy làm diều. Trong lúc chạy chơi, bé bị ngã vào chiếc kéo và bị đâm xuyên cổ. Gia đình phát hiện nhanh chóng đưa bé đến BV Sản Nhi Ninh Bình cấp cứu, rồi chuyển lên BV Nhi TƯ.

Tại BV Nhi TƯ, các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, tiêm phòng uốn ván, kháng sinh và tiến hành các xét nghiệm cấp cứu. Ngay sau đó, BV tiến hành hội chẩn liên khoa để tìm hướng điều trị thích hợp. Sau hội chẩn, BV chỉ định phẫu thuật gấp.

Bác sĩ Đặng Hoàng Thơm, Trưởng khoa Sọ mặt và Tạo hình thẩm mỹ (BV Nhi TƯ) cho biết, ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ. Kíp mổ đã lấy được dị vật ra khỏi cơ thể bệnh nhi, các mạch máu, cơ và thần kinh tổn thương được khôi phục. Vùng vạt da bị tổn thương được xử lý bằng kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ, để giúp bệnh nhi phục hồi tốt về chức năng và thẩm mỹ.

Sau mổ, bệnh nhân được chuyển về Hồi sức Ngoại tiếp tục theo dõi và điều trị. Sau 1 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã tỉnh trở lại và chuyển lên khoa Sọ mặt Tạo hình tiếp tục theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, những ngày sau mổ bệnh nhân sẽ còn đau vùng cổ khi vận động mạnh, các hoạt động đang trở lại bình thường, dần hồi phục và có thể ra viện trong mấy ngày tới.

Theo bác sĩ Thơm, tai nạn vật sắc nhọn đâm vào vùng đầu mặt cổ là tai nạn sinh hoạt thương tích hy hữu ở trẻ em. Vùng đầu mặt cổ là nơi có hệ thống mạch máu và thần kinh rất phức tạp, với vết thương do vật sắc nhọn đâm vào thì nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng với tỷ lệ tử vong rất cao.

Bác sĩ Thơm khuyến cáo, có rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn sinh hoạt và thương tích ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy, chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình. Ví dụ hướng dẫn trẻ cầm, sử dụng các vật sắc nhọn, các tai nạn thương tích có thể xảy ra,... từ đó, giúp trẻ luôn có ý thức và trách nhiệm tự bảo vệ mình trước mọi nguy hiểm rình rập trong sinh hoạt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm