Ngân hàng diện kiểm soát đặc biệt, làm sao để người dân yên tâm gửi tiền?

Hải Yến
06/11/2023 - 15:41
Ngân hàng diện kiểm soát đặc biệt, làm sao để người dân yên tâm gửi tiền?

Đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là cực kỳ khó

Chiều 6/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Đồng đã tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu, kém...

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đặt câu hỏi về tình hình 4-5 ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước đang trong diện kiểm soát đặc biệt, đề nghị Thống đốc cho biết với các ngân hàng này thời gian tới có xảy ra tình trạng như SCB hay không để khách hàng gửi tiền yên tâm.

Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là cực kỳ khó, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vừa qua việc thực hiện tái cơ cấu càng khó khăn hơn.

Liệu có tình trạng như ngân hàng SCB hay không, để người dân yên tâm gửi tiền? - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn

"Việc xây dựng đề án là vấn đề khó, phức tạp và chưa có tiền lệ. Kinh nghiệm cán bộ tham gia xây dựng là chưa có kinh nghiệm. Việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia tự nguyện cũng khó khăn. Cơ chế chính sách nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu phải xin ý kiến các cơ quan liên quan. Các ngân hàng này xin các cấp có thẩm quyền về chủ trương và đang trong quá trình thực hiện các bước theo kế hoạch để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt", Thống đốc cho hay.

Chưa thể bỏ hạn mức tín dụng

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, nêu: Tại Nghị quyết 62 năm 2022, Quốc hội yêu cầu NHNN nghiên cứu hạn chế tiến tới xóa bỏ việc điều hành hạn mức tín dụng (room tín dụng) một cách hành chính như hiện nay. Xin Thống đốc cho biết lộ trình thực tế của việc bỏ room tín dụng như thế nào?

Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành hạn mức tín dụng là một trong các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Bà Hồng cho biết, thực tế, chỉ tiêu này được Ngân hàng Nhà nước điều hành bám sát theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.

"Hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng đầu năm, nhưng phân bổ nó thì dựa trên cơ sở căn bản nhất là xếp hạng các tổ chức tín dụng theo Thông tư 52 của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư này cũng chỉ rõ tiêu chí định lượng, định tính phản ánh tổ chức tín dụng lành mạnh, có khả năng mở rộng tín dụng", Thống đốc NHNN phân tích.

Với yêu cầu tại Nghị quyết 62 của Quốc hội về việc nghiên cứu xóa bỏ việc điều hành hạn mức tín dụng, Thống đốc NHNN cho biết đã tổ chức tọa đàm.

Liệu có tình trạng như ngân hàng SCB hay không, để người dân yên tâm gửi tiền? - Ảnh 2.

"Trong tọa đàm thống nhất được là tại thời điểm này chưa thể bỏ điều hành tăng trưởng này. Vì nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng. Nếu chúng ta bỏ chỉ tiêu này có thể nó cũng sẽ làm cho tăng trưởng tín dụng hiện nay trên GDP đang ở mức cao, mức cảnh báo của WB (World Bank)", bà Hồng nhấn mạnh.

Từ đó, Thống đốc NHNN khẳng định, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện điều hành hạn mức tín dụng cho tới thời điểm thuận lợi. Đặc biệt là khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp thì "khả năng bỏ chỉ tiêu tín dụng này sẽ khả thi hơn".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm