pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghệ An: "Siêu dự án" biến 33 ha đất sản xuất thành bãi đất hoang
Dự án xây dựng chợ đầu mối và khu kinh doanh tổng hợp vẫn dang dở sau nhiều năm triển khai
Hy vọng rồi thất vọng
Tọa lạc bên con đường nhựa phẳng lỳ dẫn vào cửa khẩu Thanh Thủy (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, Nghệ An), khu đất rộng 33ha thuộc Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An (gọi tắt Công ty Nam Đàn Vạn An) từng là cánh đồng sản xuất lớn của xã biên giới Thanh Thủy.
Tháng 10/2013, sau khi được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư, cánh đồng sản xuất của người dân đã được chuyển giao cho Công ty Nam Đàn Vạn An triển khai dự án "Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao".
Đã 11 năm trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị Hiền, ở xã Thanh Thủy, vẫn nhớ ngày Công ty Nam Đàn Vạn An về địa phương khởi công xây dựng dự án. Với tổng mức đầu tư của dự án lên đến 217 tỷ đồng, người dân nơi đây kỳ vọng "siêu dự án" này sẽ tạo sinh kế, việc làm ổn định cho người dân địa phương.
"Dự án thu hồi đến 33 ha đất sản xuất của người dân, gia đình tôi bị thu hồi 2 sào và nhận được 140 triệu đồng tiền hỗ trợ. Ban đầu, người dân không muốn nhường đất cho dự án vì đây là tư liệu sản xuất, là kế sinh nhai. Thế nhưng, viễn cảnh về một dự án hoành tráng, mang lại nguồn thu nhập lớn đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Song, hơn 10 năm qua, dự án vẫn không triển khai, chúng tôi mất đất, cả cánh đồng rộng lớn giờ thành bãi hoang, rất xót xa", bà Hiền chia sẻ.
Dự án “treo” đã biến 33ha đất sản xuất của người dân thành bãi đất hoang
Đang chăn trâu trên cánh đồng hoang, nơi từng là "bờ xôi ruộng mật" của gia đình, ông Nguyễn Văn H. (thôn Thủy Chung, xã Thanh Thủy) cũng không giấu được nỗi buồn: "Họ đã thất hứa với chúng tôi. Gia đình tôi đã bị thu hồi đất sản xuất và chỉ được hỗ trợ 70 triệu đồng. Từ cánh đồng lớn nhất xã giờ thành bãi đất hoang, chỉ để trâu bò gặm cỏ… Nghĩ đến tôi lại uất nghẹn".
Theo người dân địa phương, ngày doanh nghiệp về địa phương để quảng cáo dự án, họ cho biết, dự án có công suất lên đến 250 ngàn tấn nguyên liệu lá/năm, tất cả nguyên liệu đầu vào sẽ do người dân trồng và bán lại cho nhà máy.
Phía nhà đầu tư cam kết thu mua sản phẩm với mức giá mang lại thu nhập cho người dân cao hơn 200% - 300% so với trồng lúa, hoa màu… Chủ đầu tư cũng cam kết, dự án sẽ được khởi công xây dựng trong quý III/2014 và đi vào hoạt động trong quý I/2015.
"Bên cạnh hàng trăm hộ dân nhường đất sản xuất, có 19 hộ khác còn di dời cả nhà đến nơi ở khác, tất cả vì "siêu dự án" kèm theo lời hứa sẽ hỗ trợ thêm cho những người trên 50 tuổi mức 3 triệu đồng/tháng và người trên 80 tuổi mức 5 triệu đồng/tháng đến hết đời nhưng được mấy tháng họ cắt hỗ trợ. Riêng dự án, hơn một thập kỷ trôi qua, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai. Người dân thiếu đất để sản xuất nhưng dự án lại bỏ hoang", một người dân nói.
Dự án xây dựng chợ đầu mối và khu kinh doanh tổng hợp vẫn dang dở sau nhiều năm triển khai
Người dân mong thu hồi dự án
Được biết, cách đây mấy năm, vì thấy cánh đồng bỏ hoang lãng phí nên một số hộ dân đã "mượn tạm" để trồng cỏ voi và cây ngắn ngày. Tuy nhiên, sau đó phía Công ty Nam Đàn Vạn An phát hiện và ngăn chặn. Đích thân Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, ông Hà Hồng Thái, đã đứng ra cam kết với chủ đầu tư là cho phép người dân trồng những cây có thời vụ ngắn ngày tại các khu đất trống, khi nào dự án cần sẽ trả mặt bằng lại cho công ty, thế nhưng công ty vẫn không đồng ý.
Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: "Sau khi được chấp thuận đầu tư, chính quyền sở tại phối hợp với chủ đầu tư tiến hành giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, sau đó, họ chỉ dựng được nhà điều hành và… bỏ hoang từ đó đến nay. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên cần có hướng xử lý bởi dự án không thể bỏ hoang mãi như thế".
Sau khi phía chủ đầu tư không thể thực hiện đúng theo cam kết, UBND huyện Thanh Chương đã "tuýt còi" đối với chủ đầu tư. Tháng 6/2015, Công ty Nam Đàn Vạn An đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An xin giãn tiến độ thực hiện dự án đến tháng 6/2017 và được tỉnh Nghệ An chấp thuận.
Tuy nhiên, sau lần gia hạn này, dự án vẫn không thể triển khai. Đến ngày 7/6/2021, doanh nghiệp xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án được chuyển mục đích sử dụng và đổi tên thành dự án "Tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xuất khẩu chất lượng cao" và được tỉnh Nghệ An chấp thuận.
Cây chè vốn là cây thế mạnh ở xã Thanh Thủy nói riêng và ở huyện Thanh Chương nói chung. Người dân tin tưởng việc Công ty Nam Đàn Vạn An chuyển hướng sang cây chè sẽ là hướng đi phù hợp. Tiếc rằng, đã bước sang năm thứ 3 sau khi chuyển đổi chủ trương đầu tư, dự án vẫn "án binh bất động".
Những ngày đầu tháng 5/2024, khi phóng viên Báo PNVN có mặt tại dự án "Tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xuất khẩu chất lượng cao" thì nơi đây vẫn chỉ là bãi đất trống. Rất nhiều người dân mong muốn chính quyền địa phương phải quyết liệt, nếu doanh nghiệp tiếp tục không triển khai dự án phải thu hồi hoặc trước mắt cho người dân sản xuất cây ngắn ngày, tránh lãng phí tài nguyên đất.
Trong khi đó, phía chính quyền xã Thanh Thủy cho biết: "Nếu doanh nghiệp không triển khai, sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp trên xin phương án xử lý".
Dự án xây dựng chợ đầu mối và khu kinh doanh tổng hợp vẫn dang dở sau nhiều năm triển khai
Xã có 3 dự án "treo"
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn xã biên giới Thanh Thủy đang tồn tại cùng lúc 3 dự án "treo". Ngoài dự án "Tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xuất khẩu chất lượng cao", dự án xây dựng khu tái định cư cho người dân vạn chài sông Lam tại Khe Mừ, khởi công năm 2010, với tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 80 tỷ đồng.
Sau 14 năm triển khai, dự án này vẫn dang dở. Hiện tại, trên diện tích khoảng 300ha đất rừng sản xuất bị thu hồi cho dự án, những hạng mục của dự án như hệ thống điện, nhà văn hóa, trường mầm non, đường nội bộ… đang xuống cấp theo thời gian. Một số hộ dân "tiếc đất" đã lấn chiếm để trồng keo, số khác làm nơi chăn thả gia súc. Trong khi đó, hàng chục hộ dân vạn chài ven sông Lam vẫn sống lênh đênh trên sông nước.
Cùng chung số phận bị "treo" là dự án xây dựng Chợ đầu mối và Khu kinh doanh tổng hợp, được quy hoạch tại khu đất sát đường Hồ Chí Minh, thuộc thôn Thuỷ Phong, cách cửa khẩu Thanh Thủy 25 km. Dự án được triển khai từ năm 2012 và hứa hẹn sẽ trở thành một khu kinh doanh tổng hợp "đánh thức" hoạt động thương mại vùng biên. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, dự án vẫn thi công dang dở, trở thành nơi chăn thả trâu bò, gây lãng phí.
Ông Hà Hồng Thái cho biết, dự án chợ đầu mối là "đi tắt đón đầu" của doanh nghiệp trước khi cửa khẩu Thanh Thủy trở thành điểm giao thương hàng hóa giữa 2 nước Việt Nam - Lào.
"Sau khi bồi thường đất cho người dân, chủ đầu tư đã được giao đất để san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, cửa hàng xăng dầu, khu giới thiệu trưng bày hàng hóa hết khoảng 70 tỷ đồng. Thế nhưng, các hạng mục đều đang dang dở và xuống cấp bởi phía bên Lào… chưa có đường ôtô. Họ chỉ có đường xe máy nên việc thông thương hàng hòa chắc còn lâu mới trở thành hiện thực", ông Thái chia sẻ.
Lãnh đạo xã Thanh Thủy cho biết thêm, khi các dự án được phê duyệt, chính quyền địa phương và người dân rất phấn khởi và kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả những người dân trong vùng, tạo ra bộ mặt mới cho xã biên giới.
Thế nhưng, hiện tại, cả 3 dự án lớn đều đang dang dở và chưa biết ngày "về đích". Bao nhiêu kỳ vọng giờ trở thành nỗi thất vọng.