Nghe nhạc có thể chữa trầm cảm, tim, tiêu hóa và mất ngủ

29/07/2019 - 15:23
Âm nhạc là một trong những món ăn tinh thần của đời sống. Nó không chỉ giúp con người cảm thấy thư thái, yêu đời mà các nhà khoa học còn dùng âm nhạc để điều trị một số bệnh lý, đặc biệt là những bệnh liên quan đến yếu tố tinh thần.
Nhiều nghiên cứu khoa học được tiến hành
 
Từ những năm 1940, các nhà trị liệu bằng âm nhạc tại Hoa Kỳ đã dùng âm nhạc để cải thiện các kỹ năng giao tiếp của bệnh nhân và giảm thiểu đau đớn cho họ. Các bệnh nhân tham gia vào những chương trình phục hồi chức năng bằng liệu pháp âm nhạc cho thấy, các biểu hiện cảm xúc và giao tiếp xã hội tích cực hơn so với những bệnh nhân chỉ nhận được phương pháp chữa bệnh thông thường. Dựa trên điều này, một số nhà nghiên cứu đã bắt đầu đề xuất việc đưa âm nhạc vào điều trị những người bị bệnh nhồi máu cơ tim.
 
chua-benh-bang-am-nhac.jpg
Tác dụng chữa bệnh kỳ diệu của âm nhạc

 

Một thí nghiệm được tiến hành tại Thủ đô Vacsava (Ba Lan) năm 1979. Theo đó, người ta cho 100 người nằm nghe những bài hát bài ru dân gian. Sau 15 phút chỉ còn một người thức nghe nhạc còn tất cả đã ngủ ngon lành. Thí nghiệm cho thấy, âm nhạc có tác dụng tương đương thuốc an thần.
 
Tiếp đó, một nhà tâm lý học ở ĐH California (Mỹ) đã thực nghiệm chữa bệnh cho 30 người có chứng bệnh thiên đầu thống. Tất cả chia thành 3 nhóm: nhóm A vừa uống thuốc vừa được nghe loại âm nhạc mình thích; nhóm B vừa uống thuốc vừa kết hợp vật lý trị liệu; nhóm C chỉ uống thuốc. Sau 5 tuần lễ điều trị, bênh nhân nhóm A đạt kết quả tốt nhất.
 
Nguyên tắc trị liệu bằng âm nhạc cần được thực hiện theo sự hướng dẫn của các nhà liệu pháp. Đầu tiên, nhà liệu pháp sẽ lập ra một bảng theo dõi tổng thể về tình trạng tâm lý và thể chất của người bệnh để tìm hiểu rõ những hoạt động của bệnh nhân trong xã hội, các kỹ năng nhận thức và khả năng giao tiếp của bệnh nhân với cộng đồng… Sau đó, sẽ quyết định chọn loại nhạc lý nào cũng như thời gian điều trị cho từng bệnh nhân. Việc chọn loại nhạc nào trong thời gian điều trị cần tuỳ thuộc vào sở thích của từng bệnh nhân, tình trạng bệnh lý và mục đích điều trị của họ.
 
Quy trình điều trị có thể bao gồm nhiều liệu pháp âm nhạc khác nhau. Trong số đó, bệnh nhân có thể được nghe nhạc, sáng tác nhạc phẩm, biểu diễn ca khúc, thảo luận về ca từ và cuối cùng sẽ học cách thưởng thức âm nhạc.
 
Viện sĩ y khoa V. Kixelep (Liên xô cũ) từng chia sẻ: “Khi mắc bệnh, người ta nhận thấy điện trường của các tế bào trong người bệnh thay đổi. Vì vậy, cần tác động lên tế bào bằng tác nhân vật lý, điện học. Âm nhạc là loại âm thanh có tần số rung động tùy theo nhịp điệu, tiết tấu, cường độ của bản nhạc kết hợp lời ca, làm cho não bộ nhận được những xung năng lượng thông tin hướng tâm khác nhau, từ đó điều chỉnh cân bằng năng lượng của toàn cơ thể”.
 
Với nhiều nghiên cứu khoa học được tiến hành, ngày nay, khoa học hiện đại đã chỉ ra rằng, âm nhạc có tác dụng tới cơ thể con người ở hai lĩnh vực: Một là tác dụng vật lý, từ đó có thể chữa được bệnh tật. Hai là hiệu quả tâm lý, giúp giảm đau, giảm căng thẳng, giúp trấn tĩnh an thần, chống lão hóa và hỗ trợ trị liệu ung thư, làm giảm nhịp tim, điều chỉnh huyết áp và nhịp thở của những bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật.
 
chua-benh-bang-am-nhac2.jpg
Âm nhạc có tác dụng tới cơ thể con người ở hai lĩnh vực: Một là tác dụng vật lý, hai là hiệu quả tâm lý
 
Công dụng của liệu pháp âm nhạc
 
Dưới đây là một số lợi ích nổi bật của liệu pháp âm nhạc đối với sức khỏe:
 
Giãn cơ: Những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống hằng ngày ảnh hưởng tới sự cân đối của cơ thể chúng ta. Ví dụ, chúng ta dành nhiều thời gian làm việc trên máy tính, nó sẽ ảnh hưởng đặc biệt tới cơ ở lưng, cổ và vai. Âm nhạc có tác dụng làm thư giãn, giúp cơ thể hướng tới những tư thế thoải mái hơn, thả lỏng các cơ.
 
Giảm trầm cảm: Âm nhạc giúp cân bằng sóng não và có tác dụng làm trấn tĩnh. Tuy chỉ riêng âm nhạc sẽ không thể chữa được bệnh nhưng nó hoạt động như một cơ chế hỗ trợ tuyệt vời trong việc điều trị bệnh trầm cảm.
 
Giảm chứng mất ngủ: Một trong số những lí do gây mất ngủ là không thể tách tâm trí khỏi những ý nghĩ căng thẳng. Nhạc nhẹ nhàng giúp thư giãn tâm trí và thả lỏng cơ thể để chìm vào giấc ngủ. Nhạc sử dụng ít nhạc cụ với các điệp khúc là thể loại giúp bạn ngủ tốt nhất.
 
Có lợi cho tim: Nhịp điệu âm nhạc có thể góp phần ổn định nhịp tim. Nếu bạn đang phải làm công việc căng thẳng với cường độ áp lực cao, tim bạn sẽ chịu nhiều căng thẳng. Hãy giải tỏa căng thẳng bằng những giai điệu đều đặn.
 
Hỗ trợ tiêu hóa: Âm nhạc có tác động gián tiếp tới hệ tiêu hóa. Nhờ tác dụng giải tỏa căng thẳng và trấn tĩnh, âm nhạc giúp giảm tiết axit tạo adrenalin trong cơ thể. Khi bạn trấn tĩnh, việc sản sinh axit trong đường tiêu hóa được cân bằng.
 
Có lợi cho bệnh nhi: Nghe nhạc có lợi cho các bé đang mọc răng hoặc bị đau bụng. Tính chất du dương của âm nhạc cũng giúp trấn tĩnh những trẻ bị mắc hội chứng tăng động giảm chú ý.
 
Hiện nay, một số BV ở châu Âu, Pháp, Mỹ, các trung tâm chăm sóc trẻ em, các nhà điều dưỡng đã ứng dụng âm nhạc trong điều trị, trong chăm sóc. Bất kỳ nơi nào có nỗi đau và nỗi lo là người ta tìm đến âm nhạc vì nó truyền cho con người sức khỏe, niềm vui, lòng thanh thản và tình yêu thương.
 
Tại BV Kremkenhems (Đức), các phòng phẫu thuật gây mê, các phòng nằm chờ mổ đều có hệ thống phát thanh âm nhạc hàng ngày có thể phát nhiều chương trình âm nhạc khác nhau theo sự lựa chọn của bệnh nhân. Khoảng 40% bệnh nhân phẫu thuật chọn thể loại nhạc dân ca còn các bệnh nhân bị các chứng đau nhức chọn các loại nhạc hiện đại. Qua 15.000 câu hỏi trắc nghiệm của BV thì 95% bệnh nhân phẫu thuật trả lời, âm nhạc đã làm dịu nỗi lo âu của họ.
 
Tại BV Churchill (Anh), người ta dùng âm nhạc như một loại thuốc dài hạn để chữa các bệnh tâm thần và bại liệt. Ở các phòng sản khoa, hệ thống âm thanh nghe nhạc giúp các bà mẹ sinh nở được êm ái dễ dàng giảm đau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm