Nghệ nhân đưa thổ cẩm Chăm vươn ra thế giới

04/09/2019 - 09:00
Năm 2000, Công ty thổ cẩm Inrahani ra đời do Nghệ nhân Thuận Thị Trụ làm giám đốc. Đây là công ty thổ cẩm đầu tiên của Việt Nam và Nghệ nhân Thuận Thị Trụ là người tiên phong trong phong trào phục hồi nghề dệt thổ cẩm trong cả nước.

Nghệ nhân Thuận Thị Trụ sinh ra và lớn lên ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Dệt thổ cẩm ở đây được xem là nghề “mẹ truyền con nối”. Bà Trụ cũng như bao cô gái dân tộc Chăm khác, ngay khi còn nhỏ đã được tiếp xúc với khung dệt và học cách dệt từ bà, mẹ của mình. Lúc 14-15 tuổi, nghệ nhân Thuận Thị Trụ đã có thể tự dệt cho mình những tấm vải để may quần áo và đồ dùng cá nhân và bà mê dệt vải từ ngày ấy đến mức có thể suốt ngày ngồi bên khung dệt.

ban-tay-vang-cua-mot-phu-nu-cham-3.JPG
Nghệ nhân Thuận Thị Trụ được xác lập Kỷ lục Việt Nam năm 2014.

 

Nghệ nhân Thuận Thị Trụ kể, ngày trước dệt thổ cẩm của người Chăm làm ra chủ yếu phục vụ cho cuộc sống hằng ngày và trong lễ hội ở địa phương. Cách dệt rất đơn điệu. “Vốn mê khung dệt từ nhỏ nên với tôi, giữ được nghề truyền thống của cha ông là cần thiết rồi, nhưng phải làm sao đa dạng được mẫu mã và giới thiệu rộng rãi để mọi người biết đến, điều đó khiến tôi luôn nhiều trăn trở, Nghệ nhân Thuận Thị Trụ cho biết.

Lối rẽ đến bất ngờ khi bà được gặp những người khách du lịch nước ngoài. Qua trò chuyện, bà mới biết họ rất thích thổ cẩm Việt Nam. Năm 1992 được xem là mốc hồi sinh của nghề dệt thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp khi cơ sở dệt thổ cẩm Chăm của nghệ nhân Thuận Thị Trụ thành lập. Vạn sự khởi đầu nan khi cơ sở liên tục gặp thất bại vì hàng làm ra không đáp ứng tiêu chí thẩm mỹ, không bán được. Dần dần, bà tự nghiên cứu nắm bắt nhu cầu đa dạng từ thị trường cũng như khách du lịch và nghĩ ra mẫu mã mới.

Nghệ nhân Thuận Thị Trụ là người đã có công sưu tầm hơn 30 hoa văn nền của thổ cẩm Chăm đang có nguy cơ thất truyền và đã cách điệu ra thêm khoảng 50 hoa văn khác. Công ty dệt may thổ cẩm Inrahani do bà thành lập là công ty thổ cẩm đầu tiên ở Việt Nam chuyên chế tác hàng thô thành các sản phẩm phục vụ cuộc sống như váy áo, túi xách, ví, thắt lưng, khăn trải bàn… góp phần đưa thổ cẩm Chăm đến với cộng đồng và các nước trên thế giới.

ban-tay-vang-cua-mot-phu-nu-cham-1.JPG
Nghệ nhân Thuận Thị Trụ đang múa Chăm tại Làng Lụa Hội An vào tháng 8/2019.

 

Năm 2000, Công ty thổ cẩm Inrahani ra đời, do Nghệ nhân Thuận Thị Trụ làm giám đốc. Đây là một trong những công ty thổ cẩm đầu tiên của Việt Nam và Nghệ nhân Thuận Thị Trụ là người tiên phong trong phong trào phục hồi nghề dệt thổ cẩm trong cả nước. Đến nay, Công ty đã sở hữu hơn 300 mặt hàng thổ cẩm như ví, túi, balô, quần áo, drap… phù hợp với thị hiếu khách hàng đủ tầng lớp, mọi lứa tuổi.

Bằng những nỗ lực của bản thân, Nghệ nhân Thuận Thị Trụ đã tạo công ăn việc làm cho 200 phụ nữ nghèo có thu nhập ổn định. Thổ cẩm mang thương hiệu Inrahani không chỉ khẳng định được vị trí ở thị trường trong nước mà còn được người dân quốc tế biết đến tại các Hội chợ triển lãm lớn tại Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Nhật, Singapore, Malaisia… Sản phẩm của Công ty đoạt 4 Huy chương vàng Hội chợ triển lãm trong nước, và nhất là Huy hiệu Bàn tay vàng do Hội đồng Trung ương Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cấp ngày 3/9/1996 tại Hà Nội, là bằng chứng cho tài năng và nỗ lực không biết mệt mỏi của người phụ nữ Chăm này.

ban-tay-vang-cua-mot-phu-nu-cham-4.JPG
Nghệ nhân Thuận Thị Trụ bên khung cửu dệt thổ cẩm Chăm

 

Không những có tài trong hoạt động kinh doanh, nghệ nhân “cao tuổi” Thuận Thị Trụ còn có giọng hát hay và còn là một nghệ nhân múa dẻo nức tiếng cả vùng, được hầu hết bà con Chăm và Kinh biết đến và yêu mến. Càng yêu mến hơn nữa, bởi nghệ nhân này còn có tấm lòng nhận hậu, thương người, hoạt động xã hội giúp ích cho làng, cho đồng bào. Cụ thể như: Tặng sách cho thư viện làng, tặng phần thưởng cho học sinh làng, học sinh mẫu giáo huyện Ninh Phước; giúp tiền người tàn tật, hỗ trợ mổ đục thủy tinh thể cho bà con thuộc huyện Ninh Phước, và quý hơn cả là chị đã dùng uy tín của mình xin Quỹ của Sứ quán Canada làm hệ thống nước sạch và nhà mẫu giáo cho làng Mỹ Nghiệp, là những việc làm có ý nghĩa, góp phần xây dựng quê hương Ninh Phước ngày càng giàu đẹp hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm