pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghẹn lòng mùa covid: Mẹ già rồi không dùng đến tiền, con cứ cầm lấy mà chi tiêu
Mẹ già rồi không dùng đến tiền
Vừa đi làm trở lại được 2 ngày nay, cô giáo Lã Thị Kim ở trường tiểu học huyện Ba Vì, Hà Nội cười tươi chia sẻ: "Vợ chồng tôi qua được mùa dịch cũng vô cùng khó khăn. Chồng chạy xe ôm phải nghỉ việc, tôi cũng nghỉ làm ở nhà suốt cho đến lúc có yêu cầu dạy học online cho các con. Chúng tôi coi đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của nghề trong mùa dịch với học sinh, nên cứ làm việc, soạn giáo án, liên hệ trao đổi liên tục với phụ huynh để hỗ trợ các con theo được kiến thức và chương trình dạy học. Còn về thu nhập, cũng chẳng ai dám hỏi, vì trường nghỉ làm, học sinh nghỉ học cũng không có khoản thu nào, thì lấy đâu mà chi trả lương cho chúng tôi?. May là tôi được trường hỗ trợ 1,2 triệu đồng/tháng. Vậy là 4 miệng ăn trong nhà đều trông cả vào đây".
Cô Kim cho biết, để cả vợ chồng, con cái vượt qua được mùa dịch, rất may là bố mẹ chồng cô trước cũng làm giáo viên về hưu, nên có vài triệu đồng tiền lương hưu. "Hôm ấy bố mẹ chồng sang nhà thăm con cháu, thấy chồng tôi thở ngắn than dài vì không đi làm được, nghỉ ở nhà sắp rơi vào thiếu đói. Tối hôm sau, mẹ chồng tôi cầm sang 5 triệu đồng giúi vào tay tôi: Bố mẹ chẳng giúp các con được nhiều, có ít lương hưu bố mẹ già rồi không tiêu hết, con cầm lấy mà chi tiêu thêm cho con cái đỡ khổ".
Nhận tiền của mẹ chồng là điều chị Kim chưa từng nghĩ đến. Bởi trước nay, dù chẳng phải dư giả tiền nong, nhưng tháng nào vợ chồng chị cũng biếu bố mẹ chồng được 1 triệu đồng, coi như hỗ trợ thêm tiền thuốc thang tuổi già cho ông bà nội. "Bố chồng tôi bị bệnh huyết áp cao, tiểu đường mấy năm nay, nên vẫn phải đi viện thuốc thang đều, mẹ tôi thì bị u vú, đã cắt 1 bên rồi, sức khoẻ cũng yếu đau. Giờ nhận tiền của bố mẹ già mà tôi vừa bất ngờ, nghẹn ngào quá. Ông bà ngoại tôi ở xa, quê tận Thanh Hoá, nên vợ chồng tôi ở gần nhà bố mẹ chồng, gần 10 năm làm dâu còn chưa báo hiếu được ông bà nội, nhiều lúc vợ chồng tôi vẫn cậy nhờ ông bà ở gần đón con giúp, cơm nước vào những ngày cả tôi và chồng về muộn".
"Thực sự lúc ấy tôi ngại quá, vậy mà chồng tôi còn tếu táo: Bố mẹ chồng cho con dâu tiền lương hưu là sự kiện động trời đấy, vợ cứ cầm đi đã, chồng con đang chết đói đến nơi còn làm bộ" - chị Kim cười vui nhớ lại.
Cũng được cha mẹ già cưu mang giữa mùa dịch, chị Bùi Thị Hạnh, ở Q. Thanh Xuân (Hà Nội) là mẹ đơn thân nuôi 2 con. Chị làm nghề bán hàng ăn ở chợ. Trong lúc dịch bệnh cam go, chợ đóng cửa, cửa hàng ăn của chị cũng phải nghỉ theo.
"Đóng cửa ngày nào, mẹ con tôi không có tiền ăn ngày đó. Trải qua thời khắc thất nghiệp vừa rồi đúng là tôi lo lắng, bao đêm bất an, mất ngủ. Nhiều lúc nghĩ không biết có trụ nổi nuôi con nếu dịch bệnh cứ kéo dài. Có ít tiền tiết kiệm để phòng thân tôi lôi ra mua đồ dùng, lương thực cho 3 mẹ con ăn qua ngày rồi cũng cạn dần. May là mẹ tôi ở quê cũng sốt ruột, đòi cậu đưa lên Hà Nội thăm 3 mẹ con ngay trước ngày giãn cách xã hội. Điều bất ngờ là tôi thấy mẹ mang cả gạo, rau sạch, trứng gà, trứng vịt, gà mổ sẵn, cá đã cắt khúc sẵn gói ghém cẩn thận ở quê lên. Trước lúc về quê, mẹ còn đưa cho tôi sấp tiền cả triệu đồng và bảo: "Bà cho mẹ con mày ít tiền tiêu để qua mùa dịch. Đây là tiền đợt trước các con cháu nhà mình về thi thoảng cho mẹ dịp lễ Tết, mấy năm rồi mẹ chưa tiêu đến. Giờ con nghỉ làm lâu quá, cứ cầm lấy mà chi tiêu mua thức ăn cho các cháu. Mẹ già rồi, ở quê cũng không tiêu gì đến tiền…".
Chị Hạnh khẽ rơm rớm nước mắt xúc động kể: "Tôi ly hôn chồng 5 năm nay, nuôi 2 con cũng vất vả, không mấy khi về thăm mẹ được. Không ngờ mẹ tôi cất giữ tiền kỹ thế, dịch thế này còn mang ra cưu mang mẹ con tôi. Tôi càng nghĩ, càng thương mẹ quá, hôn nhân đứt gánh đã khiến mẹ buồn phiền, đến lúc này vẫn phải nhờ cậy mẹ. Mẹ về rồi, tôi cứ cầm nắm tiền cuộn tròn buộc bằng dây chun chắc chắn của mẹ, mà bần thần lúc lâu". Chị Hạnh cười trong nước mắt: "May mà mẹ tôi cho tiền, hỗ trợ lương thực quà quê cũng đỡ bao nhiêu, không có bà ngoại, chắc mẹ con tôi cũng đói dài răng thật". "Tôi mở hàng lại được 2 tuần nay, sau đợt giãn cách xã hội, nhưng khách hàng vẫn chưa trở lại ăn bình thường như trước. Dù vậy, cứ có việc làm, cứ có ít khách cũng đủ cho mẹ con tôi thấy ánh sáng rồi" – chị Hạnh cho biết.
Xưa nay, giàu hay nghèo, dù ở hoàn cảnh nào, các bậc cha mẹ vẫn luôn dành cho con cháu tình cảm yêu thương vô bờ bến. Không chỉ có ơn sinh thành, nuôi dưỡng, biết bao cha mẹ già vẫn luôn sẵn sàng cưu mang khi con cái gặp khó khăn. Và chắc chắn các bậc sinh thành cũng không trông đợi các con báo đáp bằng thức ăn ngon hay trang phục đẹp, mà họ chỉ cần thấy con cháu mạnh khỏe, hạnh phúc, sống tử tế và làm việc có ích cho xã hội.
Trong mùa covid, biết bao gia đình rơi vào hoàn cảnh khốn khó vì thiếu việc làm, thất nghiệp, nhưng ngoài vòng tay ấm của xã hội, chúng ta cũng dễ bắt gặp hình ảnh những bậc cha mẹ già nước mắt chảy xuôi, luôn ấm áp, chan chứa tình thương yêu giúp con cháu họ vượt qua mùa dịch bình an./.