pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngồi nhà trải nghiệm du lịch ảo trong mùa dịch Covid-19
Du lịch là một trong những ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Hầu hết các hoạt động du lịch đều bị đóng băng trong giai đoạn này. Giữa những khó khăn chung của toàn ngành, nhiều doanh nghiệp, đơn vị du lịch đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ- phát triển hình thức du lịch trực tuyến để vượt qua cơn bão Covid-19.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng thu quý I năm 2020 đạt 15.687 tỷ đồng, giảm 38,8% (giảm 9.938 tỷ đồng).
Nhiều hoạt động du lịch như lữ hành, điểm đến, lưu trú, vận chuyển trong trạng thái "ngủ đông", chờ cơ hội để tái cơ cấu lại ngành, phục hồi thị trường.
Đa dạng hình thức du lịch ảo trong mùa dịch
Du lịch ảo, du lịch online đang trở thành xu hướng của nhiều quốc gia, để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19. Trong thời gian qua, nhiều sự kiện du lịch lớn trên thế giới đã được tổ chức thông qua các hình thức online, giúp du khách tham quan, trải nghiệm những điểm đến thông qua thiết bị thông minh.
Tiêu biểu là lễ hội hoa anh đào tại Nhật Bản, Hàn Quốc; tour tham quan hơn 2.500 bảo tàng và nhà hát opera nổi tiếng qua ứng dụng công nghệ số; hay tour du lịch thực tế ảo khám phá các hang động trên thế giới…
Không tốn thời gian, chi phí, công sức như đi du lich trực tiếp, mà vẫn có thể trải nghiệm những hình ảnh chân thực, những âm thanh gần gũi, sống động, hình thức du lịch ảo này đã được nhiều du khách đón nhận.
Bắt kịp xu hướng đó, ngành du lịch Việt Nam đã mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch ảo theo nhiều cách khác nhau.
Ngày 20/4/2020, Tổng cục Du lịch phối hợp với Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã ra mắt bộ sản phẩm "Ở nhà cùng Việt Nam" (Stay at home with Viet Nam), dành cho những du khách đã phải hoãn hoặc hủy các chuyến đi đến Việt Nam có thể khám phá những điểm đến nổi tiếng, thưởng thức ẩm thực và văn hóa hấp dẫn của Việt Nam.
Thông qua hình thức tham quan và tương tác 360 độ, du khách quốc tế như đang được tận hưởng một chuyến du lịch trực tiếp tại Việt Nam như: tham quan các di sản nổi tiếng được UNESCO công nhận tại Việt Nam; tìm hiểu những công thức nấu món ăn nổi tiếng của Việt Nam và thử nấu tại nhà một cách dễ dàng. Bên cạnh đó là các hoạt động khám phá văn hóa như: tô màu tranh du lịch Việt Nam theo phong cách cổ điển; khám phá du lịch Việt Nam qua chuỗi video clip; thưởng thức văn hóa Việt Nam thông qua nghệ thuật truyền thống…
Thực hiện số hóa các điểm du lịch cũng được Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu thông qua các hình thức như: giao diện ảnh 360 độ, 3D, flycam, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch.
Cụ thể một số đơn vị đang thực hiện du lịch ảo là: Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hình thức "Tham quan 360 độ" trên website, cho phép du khách có thể tìm hiểu về di tích dù đang ở bất cứ đâu. Vậy nên dù trong mùa dịch Covid-19, di tích tạm đóng cửa, nhưng các hoạt động quảng bá vẫn được thực hiện trên YouTube.
Nhiều ứng dụng khác như "Hoàn Kiếm 360 độ", "Myhanoi", webiste của làng gốm sứ Bát Tràng… cũng thu hút đông du khách trong thời gian này, để có thể trải nghiệm các điểm đến ngay trên điện thoại thông minh, trong những ngày ở nhà tránh dịch.
Cơ hội cho ngành du lịch
Ngồi nhà, chỉ với chiếc điện thoại, có thể tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng tại thủ đô, thậm chí có thể mua sắm ngay các sản vật của địa phương. Dù hình thức du lịch ảo này vẫn còn nhiều hạn chế so với du lịch trực tiếp, nhưng đây cũng là một trải nghiệm khá thú vị trong mùa dịch, chị Nguyễn Minh Huệ, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam chia sẻ.
Du lịch online là sự chuyển đổi tích cực, được nhiều doanh nghiệp vận dụng trong thời gian du lịch trực tiếp bị đóng băng. Theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, đây là thời điểm các đơn vị cần chủ động đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý công việc, đồng thời giúp người dân và du khách có thêm kênh thông tin du lịch hữu ích. Phát triển du lịch online sẽ giúp các đơn vị khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh một cách hiệu quả, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.