pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngư cụ ma - kẻ thù của hệ sinh thái biển
Khái niệm "Ngày Đại dương Thế giới" lần đầu tiên được đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro vào năm 1992. Sự kiện này nhằm tôn vinh các đại dương trên thế giới và nhắc nhở con người về tầm quan trọng của việc bảo tồn biển. Cùng chung tay, chúng ta có thể bảo vệ hành tinh xanh bằng cách tìm hiểu về biện pháp bảo vệ đại dương.
Vào ngày 5/12/2008, Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 63/111, chính thức thành lập ngày 8/6 là Ngày Đại dương Thế giới.
Ngày 8/6/2022 là Ngày Đại dương Thế giới lần thứ 14.
Đại dương của chúng ta
Từ lâu, đại dương đã mang đến cho con người kho báu và nguồn thực phẩm vô tận. Được biết, chất protein mà hơn một tỷ người trên thế giới tiêu thụ chủ yếu đến từ đại dương.
Đại dương đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các nguy cơ về khí hậu. Các loài thực vật phù du ở biển tạo ra hơn 50% lượng oxy cho trái đất; các loài sinh vật nhỏ như nhuyễn thể ăn thực vật phù du, carbon được thực vật phù du hấp thụ sẽ đi qua chuỗi thức ăn và được lưu trữ ở đầu chuỗi thức ăn, chẳng hạn như xác của một con cá voi chìm xuống đáy biển sâu tạo ra cả một hệ sinh thái. Đây chính là hiện tượng Kình lạc nổi tiếng sau khi cá voi chết đi.
Song, hiện tại, đại dương đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), 34,2% trữ lượng cá trên đại dương toàn cầu đã bị đánh bắt quá mức trong năm 2017; ở Bắc Cực, diện tích băng đã giảm gần một nửa chỉ trong hơn 40 năm ngắn ngủi; sự tuyệt chủng của sinh vật biển vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái...
Đồng thời, khoảng 12,7 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm, phân hủy thành các hạt nhựa nhỏ hơn, xâm nhập vào cơ thể động vật và thậm chí là thức ăn của con người.
Hiện tại, đại dương của chúng ta chứa đầy những thứ vốn dĩ không thuộc về nó. Túi ni lông, tàn thuốc lá, lưới đánh cá, xác tàu đắm, chai thủy tinh, ngư cụ bỏ đi… nặng tới gần 2.000 tấn. Danh sách vẫn chưa dừng lại ở đó.
Nhóm RE-THINK của Hiệp hội Bảo vệ Môi trường Đài Loan đã đưa ra "Hình minh họa về rác thải biển", bao gồm 101 loại, từ băng đĩa, điện thoại di động Motorola đến thuốc chống muỗi của Hàn Quốc và một số sản phẩm cao su nhất định được sản xuất ở Thẩm Dương (Trung Quốc).
Nhóm RE-THINK đang cố gắng giáo dục công chúng về rác thải biển chính xác là gì? Chúng từ đâu đến? Sẽ đi về đâu? Đây cũng là quan niệm mà người sáng lập Hiệp hội, Hoàng Chi Dương, luôn phấn đấu cho đến cùng: “Hiểu rõ vấn đề mới thực sự có thể giải quyết vấn đề!”.
Năm 2015, một bài báo trên tạp chí Science đã chỉ ra rằng nếu tính theo tỷ lệ rác thải ra đại dương như hiện nay thì đến năm 2025, cứ 3 tấn cá trong đại dương sẽ có 1 tấn nhựa; lượng rác thải nhựa trong đại dương vào năm 2050 sẽ vượt quá trọng lượng của tất cả các loài cá.
Trong số rác thải biển, chỉ 5% nổi trên mặt nước và 95% còn lại chìm dưới đáy đại dương. Về vấn đề này, dự án AWARE (kế hoạch bảo vệ môi trường biển) đã phát động chiến dịch "Dive Against Debris" vào năm 2011, khuyến khích các thợ lặn trên khắp thế giới tham gia vào các hoạt động khảo sát và làm sạch rác thải biển.
Kẻ thù của hệ sinh thái biển: Ngư cụ ma
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính rằng lưới đánh cá bị vứt bỏ chiếm 1/10 trong tổng số rác thải biển và thậm chí con số này còn lên đến 1/3 ở khu vực Châu Âu.
Nguyên nhân xuất phát từ việc tỷ lệ thay mới lưới đánh cá rất cao, 1-2 năm thay một lần. Sau quá trình đánh bắt, lưới đánh cá rất khó được làm sạch. Mặt khác, ngư dân thường chọn cách mua mới còn hơn vừa vất vả vừa tốn thời gian giặt giũ, làm sạch, gỡ rối lưới đánh cá. Điều này dẫn đến có tới 640.000 tấn lưới đánh bắt hải sản bị vứt trên biển mỗi năm.
Những ngư cụ bị vứt lại trong đại dương này được gọi là ngư cụ ma. Mặc dù không còn sự điều khiển của con người, những chiếc lưới này vẫn tiếp tục “đánh bắt”, giết chết cá, giáp xác, động vật biển có vú, rùa và các loài chim biển. Hình ảnh con rùa mắc vào tấm lưới đang trôi vô định trên biển rồi chết đi vì đói là chuyện thường xuyên xảy ra.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), những tấm lưới ma này tồn tại trong hệ sinh thái biển hàng trăm năm. Tùy thuộc vào loại vật liệu, kích thước, độ dày và điều kiện môi trường, phải mất 600-800 năm để chúng phân hủy tự nhiên trong đại dương, lâu hơn khoảng 200 năm so với túi nhựa.
Để giải quyết vấn đề ngư cụ ma, năm 2015, Global Ghost Gear Initiative (GGGI) được thành lập. Đây là tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên chuyên giải quyết vấn đề ngư cụ bị vứt bỏ trên biển ở phạm vi toàn cầu.
Hiện tại, GGGI có gần 150 thành viên tổ chức trên toàn thế giới bao gồm ngư nghiệp, khu vực tư nhân, học viện, chính phủ, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ. Mỗi nhóm tham gia đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của ngư cụ ma tại địa phương, khu vực và toàn cầu.
Liên minh những người bảo vệ đại dương (Ocean Defenders Alliance, gọi tắt ODA) đã có những đóng góp to lớn trong việc bảo vệ đại dương.
Người sáng lập của ODA, Kurt Lieber, là một thợ lặn và nhiếp ảnh gia dưới nước. Qua những năm sống chung với biển cả, Kurt là người cực kỳ nhạy cảm với những thay đổi của môi trường đại dương. Khi lặn vòng quanh thế giới, anh đã nhìn thấy rác thải và ngư cụ vướng vào các rạn san hô tuyệt đẹp, đánh bẫy và giết chết các sinh vật biển một cách tàn bạo.
Vì vậy, Kurt quyết định hành động ngay từ năm 2000, thành lập Liên minh những người bảo vệ đại dương (ODA). Trong 22 năm sau đó, tổ chức này liên tục thực hiện công việc dọn dẹp rác thải biển và dần dần mở rộng đội ngũ. Hàng trăm thợ lặn tình nguyện đã xử lý mảnh vỡ rác thải nguy hiểm chết người. Bài thuyết trình của nhóm đã giúp giáo dục hàng nghìn học sinh, công dân, doanh nghiệp và câu lạc bộ lặn... về ý thức bảo vệ hệ sinh thái biển.
Người thanh tẩy đại dương
Trung Quốc là nước lớn về nuôi trồng thủy hải sản. Hàng năm nước này sử dụng rất nhiều nguyên liệu làm lưới đánh cá và đối mặt với nhiều vấn đề nguy hại từ ngư cụ ma.
Theo thống kê liên quan của cục Ngư nghiệp thuộc bộ Nông nghiệp, hiện nay Trung Quốc sản xuất khoảng 350.000 tấn lưới đánh bắt mỗi năm, trừ số lượng xuất khẩu thì có đến hơn 200.000 tấn được tiêu thụ trong nước. Các loại lưới đánh cá này thường được làm bằng chất liệu nhựa, có độ bền và độ dai cao, được xếp thành từng cụm nên rất khó tái chế và tái sử dụng, đồng thời chính là nguồn ô nhiễm nhựa cực lớn.
InResST là một công ty chuyên sản xuất và quảng bá hàng dệt may được chuyển đổi từ nhựa đại dương, thân thiện với môi trường. Là một thương hiệu tái chế vật liệu ngư cụ đã bỏ đi, các sản phẩm từ sợi nylon tái chế của InResST chủ yếu có nguồn gốc từ lưới đánh cá ma và được sản xuất bởi các nhà máy không carbon.
Hồ Bằng Nham, một trong những người sáng lập của InResST, đã chia sẻ câu chuyện của họ với tư cách là khách mời sáng tạo trong chương trình phát sóng trực tuyến "Từ sản xuất đến tiêu dùng, thúc đẩy đổi mới và giảm phát thải" do Green Lens và Green Inclusive đồng tổ chức vào ngày 2/6 vừa qua.
Hệ thống tái chế của InResS bắt đầu bằng việc xây dựng lại hệ thống tái chế nhựa đại dương.
Đầu tiên, thu hồi các tấm lưới được sử dụng trong nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản được tái chế trước tiên, cùng với vật liệu làm dây thừng từ các hoạt động vận chuyển. Thông qua các công đoạn xử lý trong nhà máy, họ thu được những sợi nylon từ ngư cụ ma, từ đó tạo ra các sản phẩm mới, làm hàng dệt may quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi và hơn thế nữa.
Theo báo cáo của InResST cho thấy, so với quy trình sản xuất hạt nhựa từ dầu mỏ bằng công nghệ truyền thống, quy trình sản xuất hạt nhựa của InResST có thể giảm 95,5% lượng khí thải carbon, giảm 96,5% tiêu thụ năng lượng và tiết kiệm 52,5% tài nguyên nước.
Thẩm Nghị, một trong những người sáng lập, tin rằng thứ mà Trung Quốc thiếu nhất không phải là nhà máy sản xuất, mà là thương hiệu nguyên liệu thô.
Trong những ngày đầu mới thành lập, nhóm sáng lập của InResST đã đến Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam và những nơi khác để thu mua lưới đánh cá bị bỏ đi. Họ đến từng hộ dân trong làng chài để tìm hiểu tình hình và giáo dục ngư dân về sự nguy hiểm của ngư cụ mua tác động đến môi trường biển. Để khuyến khích ngư dân bán lưới đánh cá bỏ đi của họ, nhóm sáng lập đã thu mua với giá cao hơn thị trường và vận chuyển đến nơi sản xuất thông qua một đội vận chuyển chuyên dụng.
Nhóm InResST tự đặt mình là Người thanh tẩy đại dương (The Ocean Cleaner). Mục tiêu của họ không chỉ là tái chế lưới đánh cá bị vứt đi và thúc đẩy tính khả thi của việc tái chế nhựa đại dương, mà còn giúp ngư dân địa phương kiếm thêm thu nhập.
Hiện tại, InResST đã trở thành chủ nhiệm của Liên đoàn Bảo vệ Môi trường Trung Quốc.
Làm sạch rác thải biển là một vấn đề chung tất cả chúng ta. Nó ảnh hưởng đến mọi thứ, từ môi trường đến kinh tế, từ đánh bắt và tàu thuyền đến sức khỏe và sự an toàn của con người, từ những rạn san hô nhỏ nhất đến cá voi xanh khổng lồ.
Con người có thể làm những gì tùy thích với đại dương, nhưng khả năng tự phục hồi của hệ sinh thái biển là có hạn. Hãy cùng nhau hành động để bảo vệ đại dương xanh, hay đó cũng là bảo vệ lấy chính mình!
(Nguồn: Thepaper)