pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người bán vé số phấn chấn khi TP. Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội
Nhiều người bán vé số khác cũng cùng có chung niềm vui và suy nghĩ như chị Mai. Có người ở nhà lâu bị đau đầu liên miên nhưng được đi bán trở lại trong ngày đầu, tinh thần phấn chấn, hết đau lúc nào không hay.
Lực lượng bán vé số ngày đầu tiên chủ yếu vẫn là những người bám trụ ở Sài Gòn suốt thời gian cách ly, chỉ số ít người ở tỉnh vào lại kịp. Do một phần xe liên tỉnh vẫn còn giới hạn số người, bên cạnh đó một số cho biết để qua lễ vào bán luôn cho tiện, vì họ cho rằng mấy ngày lễ cũng bán chưa chạy.
Chị Phạm Thị Hộ, bán vé số ở khu vực quận 10 cho biết, suốt thời gian qua ở nhà cũng không làm được việc gì khác vì cách ly không ai thuê mướn gì. Nhờ có tiền hỗ trợ của địa phương mà ăn uống tằn tiện qua ngày. Mỗi ngày cứ đi chợ rồi về ở miết trong nhà nên cảm thấy căng thẳng. Giờ được đi bán dù có mệt, nắng nóng nhưng tinh thần thoải mái, thích hơn.
Có trường hợp như chị Lợi (ở Q5) dù mới chuyển qua bán bánh ướt cho người trong xóm ăn sáng được vài hôm, nghe tin vé số phát hành thì lập tức đi bán trở lại không bán bánh ướt nữa. Chị nói: "Buôn bán nhỏ cái nào cũng bấp bênh nhưng bán vé số thì dù sao lúc khó khăn đại lý họ cho mình mượn tiền trang trải cũng đỡ hơn"
Đa phần người bán vé số đều vui mừng khi được đi bán trở lại vì thời gian qua cũng không ai làm được gì ra tiền. Có về quê thì địa phương cũng yêu cầu cách ly tại nhà suốt 2 tuần, thậm chí bà con làng xóm cũng không dám tiếp xúc khi biết vừa ở Sài Gòn về nên cũng không có việc gì làm, chỉ ngồi nhà trông chờ.
Suốt một tháng qua, bên cạnh những người bán vé số được nhận khoảng tiền và thực phẩm hỗ trợ của TP HCM thì cũng có khá nhiều hoàn cảnh cùng đi bán với nhau nhưng không nhận được khoản hỗ trợ nào do nhiều lý do khác nhau, nhưng phần lớn là bản thân họ không có đăng ký tạm trú với địa phương. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hoa, thuê nhà ở Q8 bán vé số hơn 10 năm qua khi tổ dân phố đưa tên lên UBND phường thì được báo chỉ chấp nhận trường hợp nào có đăng ký tạm trú. Chị Hoa cho biết cũng không muốn lên ủy ban trình bày gì thêm vì ngại, để thời gian đi bán kiếm cơm trước cái đã.
Còn chị Nguyễn Thị Mai thì đăng ký tạm trú tại tại quận 5 nhưng suốt thời gian cách ly lại về ở trọ tại Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Cho đến khi địa phương ở quận 5 đến kiểm tra để trao tiền hỗ trợ từ danh sách của tổ dân phố thì không có mặt. Còn tại Thanh Đa cũng không được hỗ trợ vì không có đăng ký tạm trú. Có nhiều người ở trọ mỗi nơi một hai tháng rồi lại đi, địa phương cũng không biết làm gì, không bao giờ đăng ký tạm trú nên cũng chẳng nhận được sự hỗ trợ nào dù hết sức khó khăn.