Như cuộc gọi trước đó, tôi đến Bệnh viện E gặp Thi để tìm hiểu về hoàn cảnh của gia đình em. Ngồi trên ghế đá bên hông nhà B2, Khoa Hồi sức tích cực nội khoa, Thi cứ nấc lên từng hồi, tưởng em không nghe rõ tôi liền hỏi lại, "Với tình cảnh hiện giờ, em nghĩ thế nào về tương lai?", sau một lúc trấn tĩnh Thi mới trả lời, "Em chỉ ước nguyện cho chị Thơ sớm tỉnh lại, ngoài điều đó ra em không cần gì khác cả".
Tin chị ruột tai nạn như sét đánh ngang tai
Trước đó vào hồi 21h ngày 25/4, khi di chuyển tới khu vực cổng A của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) để làm việc (ca từ 22h-6h sáng hôm sau), chị Chu Thị Thơ (26 tuổi, chị gái của Thi) không may bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn nghiêm trọng khiến chị Thơ lâm vào trạng thái hôn mê, chấn thương sọ não, thủng bụng cùng với nhiều vết thương khác.
Khoảng nửa tiếng sau tại quê nhà – xóm 5 Nam Lâm (xã Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An), Thi đang làm đề tài tốt nghiệp thì nhận được tin báo từ một người hàng xóm gần nhà là chị gái bị tai nạn nặng, hiện đang được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện E.
"Tin chị gái bị tai nạn bất ngờ ập đến như sét đánh ngang tai khiến em không thể nào tin nổi chuyện đó đã xảy ra. Em liền nói với mẹ việc này, mẹ em cũng ú ớ lấy vội vài bộ quần áo, rồi hai mẹ con thuê xe taxi ra Quốc lộ 1A để bắt xe khách. Khi ấy trong túi chỉ xoay xở được 15 triệu đồng để lo chữa bệnh cho chị Thơ", Thi nhớ lại.
Vào lúc này, sức khỏe của chị Thơ trở nên nguy kịch, để cứu sống bệnh nhân, các bác sỹ nhanh chóng tiến hành cấp cứu, phẫu thuật cắt lách, mổ sọ não để lấy máu tụ ngoài màng cứng, diễn ra từ 0h-1h30 sáng hôm sau. Tuy nhiên, các vết thương quá nặng, đặc biệt là tình trạng xuất huyết ở trong sọ, dẫn đến nguy cơ tử vong cao nên các bác sỹ vẫn phải tiếp tục ca phẫu thuật thứ 2 (từ 3h-6h30).
Lúc này, Thi và mẹ đã lên đến bệnh viện, số tiền sau khi trừ tiền vé xe còn được 14,3 triệu đồng nhưng vẫn không đủ tiền đóng viện phí (20 triệu). Thông cảm cho hoàn cảnh của gia đình Thi, các bác sỹ ưu tiên việc cứu người trước, còn viện phí cho phép gia đình bổ sung sau.
Đến thời điểm hiện tại, chị Thơ vẫn hôn mê sau hơn một ngày tích cực điều trị. Các bác sỹ dự đoán có 2 tình huống có thể xảy ra, nếu tình hình tiến triển tốt thì sẽ tiếp tục điều trị và cho thở máy, trong trường hợp tình hình xấu đi thì phải tiếp tục phẫu thuật để can thiệp. Nhưng hiện tại, gia đình Thi đã không còn khả năng để tiếp tục lo chi phí điều trị.
"Tỉnh đi chị Thơ ơi, mẹ khóc kìa!"
Được biết, bố Thi là thương binh, đã mất vào năm 2005 vì xơ gan. Sau khi chồng mất, với vài sào ruộng trên đất núi cằn cỗi, mẹ Thi đã phải rất vất vả mới nuôi được 3 chị em Thi. Vì thương mẹ vất vả, nên ngay từ khi lên Hà Nội học đại học, chị Thơ đã tự mình bươn trải đi làm kiếm tiền đóng học, thuê nhà và ngoài ra còn gửi một khoản tiền về phụ mẹ nuôi Thi ăn học.
Năm 2016 sau khi tốt nghiệp đại học, do việc làm gắn với ngành học ở cách xa Hà Nội nhiều km nên chị Thơ quyết định làm công nhân ở Hà Nội, để có thời gian về quê chăm sóc mẹ già và động viên Thi việc học. Với mức lương công nhân 5 triệu/tháng, ngoài tiền ăn và tiền thuê trọ, mỗi tháng chị Thơ có tích cóp được 3 triệu đồng gửi về quê cho mẹ nuôi Thi ăn học, ngoài ra mẹ Thi cũng dùng một phần tiền này để chữa bệnh hen suyễn mắc phải đã nhiều năm nay.
Cho nên, khi sự việc này xảy ra, không chỉ riêng Thi mà bản thân mẹ cũng không làm chủ được cảm xúc của mình. Thấy con gái nằm yên bất động, xung quanh con dây dợ chằng chịt, mẹ Thi chỉ biết nuốt nước mắt, bà cũng không dám động vào người con gái vì sợ con đau, khi thoảng lo sợ bà chỉ dám bóp chân cho con đỡ lạnh.
Ở ngoài cầu thang, Thi ngồi dựa vào lan can nhưng không ngủ được, lòng đầy lo lắng và thương chị. Đôi mắt Thi đỏ hoe nhưng em không khóc, em nhớ mới mấy hôm trước đây chị Thơ vẫn gọi video call trên Facebook động viên Thi siêng học, sớm ra trường và trở thành bác sỹ để chữa bệnh hen cho mẹ. Đây cũng là ước mơ của Thi khi chọn học nghề này và em đã chia sẻ với chị Thơ, "Nhưng chị Thơ ơi, em đã sắp thành sở nguyện của em và chị rồi, sao chị vẫn chưa tỉnh. Tỉnh dậy đi chị Thơ ơi, mẹ khóc kìa!", Thi nói thầm trong miệng.
Ngoài trời, bệnh viện trở nên yên ắng lạ thường, những chiếc ghế đá trống trơn không có người ngồi, ở ngoài cổng ra vào có một số nhân viên y tế đang trực để phòng dịch Covid-19… Trong khung cảnh đó, Thi nghĩ rằng, nếu chị em không bị tai nạn giao thông thì theo lịch của nhà trường – 27/4 này em sẽ trở lại lớp tiếp tục việc học và tháng 6 tới đây em sẽ ra trường để trở thành bác sỹ, nhưng bức tranh của hiện thực đã kéo em lại theo tiếng nấc của mẹ.
Xác nhận hoàn cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Kiệm, ông Tạ Khánh Hảo, Chủ tịch UBND xã Diễn Lâm cho biết, bà Kiệm có chồng là thương binh nhưng đã mất từ lâu, gia đình trước kia thuộc diện hộ nghèo còn nay thì thuộc diện hộ cận nghèo, bản thân bà lại Kiệm đau ốm thường xuyên, kinh tế trong nhà phụ thuộc chủ yếu vào người con thứ hai là chị Chu Thị Thơ.
"Vừa rồi khi đang trên đường đi làm thuê để có tiền nuôi em trai ăn học – hiện đang là sinh viên năm cuối Đại học Y khoa Vinh, không may chị Thơ có bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, đến nay vẫn còn đang trong tình trạng nguy kịch ở Bệnh viện E. Nắm bắt được tình hình này, để giúp một phần nào đó cho gia đình bà Kiệm vượt qua khó khăn, chính quyền địa phương cũng đang phối hợp, vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quyên góp, ủng hộ.", ông Hảo thông tin.
Mẹ con bà Nguyễn Thị Kiệm mong nhận được sự hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm. Mọi sự ủng hộ dành cho nhân vật xin liên hệ tới số điện thoại của bà Kiệm: 0358.380.058, hoặc số điện thoại của anh Chu Minh Thi: 0941.554.996, số tài khoản: 0101001231864, Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh TP Vinh.