pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người bị bệnh hiểm nghèo là nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, phát biểu tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung như phạm vi, đối tượng điều chỉnh, khái niệm "người tiêu dùng", tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức xã hội, việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.
Thảo luận một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Tại Điều 31 dự thảo quy định là tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ trừ cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh, "đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng".
Theo đại biểu Thủy, cần cân nhắc quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp, tất cả các tổ chức kinh tế, các cá nhân hoạt động thương mại có đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng. Quy định này chỉ nên áp dụng đối với những cái doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, những ngành hàng lớn, có tác động đối với diện rộng người tiêu dùng.
Về các trường hợp bán hàng phải thông báo với UBND cấp xã, tại Điều 47 dự thảo quy định trong trường hợp bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, có ít nhất 1 sản phẩm, hàng hóa có giá từ 100.000 đồng trở lên hoặc là tổng giá trị hàng hóa từ 10.000.000 đồng trở lên phải thông báo với UBND dân cấp xã và UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra. Đại biểu kiến nghị đối với mức tiền cụ thể Điều 47 này nên giao cho Chính phủ hướng dẫn để phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn.
Còn tại Điều 5 về nghĩa vụ người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, cho rằng, dự án Luật cần thống nhất cách hiểu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là gì, giải thích thêm quy định này để rõ nghĩa vụ cần tuân thủ của người tiêu dùng.
Về Điều 8 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, trong nhiều trường hợp, rất khó nhận diện được người tiêu dùng nào đang thực hiện giao dịch là thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Để đảm bảo tốt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Dũng đề nghị quy định vào khoản 2 Điều này việc người tiêu dùng phải đưa ra tài liệu, giấy tờ xác định mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương để tổ chức, cá nhân kinh doanh biết trước khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm văn hóa, dịch vụ.
Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 8), có ý kiến đề nghị xem xét các đối tượng như người bị bệnh hiểm nghèo, người mất năng lực hành vi dân sự và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nhóm người bị bệnh hiểm nghèo, điểm e khoản 1 Điều 8 đã quy định "Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật" là nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Còn nhóm người mất năng lực hành vi dân sự và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự được xác định theo quy định của pháp luật dân sự; họ tham gia các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan (giao dịch dân sự của họ do người đại diện xác lập, thực hiện). Họ không thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Theo dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), "Người tiêu dùng dễ bị tổn thương" là người tiêu dùng tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp, bao gồm:
a) Người cao tuổi theo quy định của pháp luật người cao tuổi;
b) Người khuyết tật theo quy định của pháp luật người khuyết tật;
c) Trẻ em theo quy định của pháp luật trẻ em;
d) Người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
đ) Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
e) Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật;
g) Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.