Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Bán hàng trên mạng phải xác định danh tính

PVH
02/02/2023 - 17:42
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Bán hàng trên mạng phải xác định danh tính

Cần tăng cường biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường mạng. Ảnh minh hoạ: GT

Dự kiến tại Phiên họp sẽ diễn ra tháng 2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó có 9 vấn đề lớn được tiếp thu, chỉnh lý và 2 vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiếp tục xin ý kiến.

Văn phòng Quốc hội vừa cho biết: Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023 tới.

Trong Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 02/2023, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự kiến báo cáo 9 vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)  trong đó có 02 vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết: Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 09 vấn đề; cụ thể:

Về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 7), có ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, đưa ra các tiêu chí để làm căn cứ xác định người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Cụ thể như tiêu chí về nhận thức và hiểu biết, sức khỏe, kinh tế và điều kiện kinh tế xã hội nơi sinh sống; bổ sung nhóm người nghèo vào dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiếp thu các ý kiến trên và chỉnh sửa Dự thảo Luật.

Đối với ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của UBND cấp xã về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Điều 77 dự thảo Luật đã có quy định về trách nhiệm của UBND các cấp trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên xin không bổ sung nội dung này trong dự thảo.

Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 15, Điều 16), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nghiên cứu tiếp thu ý kiến trên và thể hiện như tại khoản 3 Điều 5 của dự thảo Luật.

Đối với ý kiến đề nghị cần xem lại quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng cần kiểm tra về hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật này là chưa phù hợp. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giải trình rõ trong Báo cáo để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Bán hàng trên mạng buộc phải xác định danh tính - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù (Chương III), một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn nội dung và giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên tham gia, giữa người bán và người mua. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được bổ sung Điều 42 về "Trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng" vào dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định khi đã tham gia bán hàng trên mạng thì cần phải xác định danh tính. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung điểm m khoản 3 Điều 39 về tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian có trách nhiệm xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng của mình.

Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự kiến xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau: Về "khái niệm người tiêu dùng" và "thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Tòa án".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm