Cần phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

PV
25/10/2022 - 16:06
Cần phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Với Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành một điều riêng, thể hiện vai trò của các tổ chức tham gia bảo vệ người tiêu dùng.

Tại hiên họp chiều 25/10, thẩm tra về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng: Về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 7), đề nghị sửa đổi và thể hiện lại khoản 1, cụ thể: "Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp xảy ra (nếu có) trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...".

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng "người nghèo" vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Mặt khác, cần xem xét lại đối tượng "người cao tuổi" cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.

Cần phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp chiều 25/10

Còn tại Chương IV, về các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội tham gia; cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả hơn.

Đặc biệt, ý kiến đề nghị quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (khoản 2 và khoản 3 của Điều 76) thành 1 điều riêng để thể hiện vai trò của các tổ chức này trong việc tham gia bảo vệ người tiêu dùng.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung quy định một số giao dịch đặc thù như: Giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm các khái niệm về giao dịch đặc thù thật sự rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt là các hình thức bán hàng trực tiếp; nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp với nền kinh tế số, môi trường kinh doanh số để bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm