Người tiêu dùng Việt đang dần mất niềm tin với mua bán trực tuyến

Anh Quân
06/05/2022 - 16:48
Người tiêu dùng Việt đang dần mất niềm tin với mua bán trực tuyến

Xu hướng mua sắm trực tuyến phát triển nhanh tại Việt Nam.

Với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng ngày càng tăng trên các nền tảng trực tuyến, khiến người tiêu dùng lại đang dần mất niềm tin khi mua sắm.

Theo Sách trắng của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến chính là sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo. Có đến trên 70% người tham gia khảo sát lo lắng về vấn đề này.

Người tiêu dùng đang dần mất niềm tin với hoạt động mua bán trực tuyến trên cả các sàn Thương mại điện tử uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo do tình trạng bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng ngày càng tăng.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.

Việc đấu tranh với hàng gian, hàng giả không phải là câu chuyện đơn giản, nhất là khi vấn nạn này có nhiều yếu tố trở nên nghiêm trọng hơn do kinh doanh online bùng nổ và những khó khăn trong phát hiện, cũng như chế tài xử lý hàng giả trên Thương mại điện tử.

Chia sẻ tại Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử" được tổ chức ngày 4/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) đánh giá: Tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt. Thời gian gần đây, các đối tượng có nhiều thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng, khiến việc phát hiện các vi phạm gặp không ít khó khăn.

Người tiêu dùng Việt đang dần mất niềm tin với mua bán trực tuyến  - Ảnh 2.

Các khách mời chia sẻ tại Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử"

Nhiều chiêu thức tinh vi

Đại diện Cục Quản lý thị trường đưa ra một số trường hợp cụ thể về các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên các nền tảng mua sắm trực tuyến:

Nếu như trước đây thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…

Chiêu thức phổ biến là đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi và xử lý. Ví dụ, các đối tượng thường sử dụng nhà riêng là nơi tập kết hàng. Muốn khám nhà ở là nơi cất giấu, theo luật phải có quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp quận huyện, nhưng để ra một quyết định này mất nhiều thời gian, lúc đó hàng hóa có thể đã bị tẩu tán.

Một thủ đoạn nữa là các đối tượng sử dụng nhiều hội nhóm trên mạng xã hội để đánh lừa người tiêu dùng. Khi một cá nhân không bán được hàng sẽ mua các lượng theo dõi hoặc có những hội nhóm tông bốc lẫn nhau, thậm chí thuê người nhận xét, thậm chí chốt đơn hàng để người mua tin tưởng. Với những chiêu lừa này, cơ quan chức năng rất khó xác định ai là người chủ mưu.

Người tiêu dùng Việt đang dần mất niềm tin với mua bán trực tuyến  - Ảnh 3.

Vài năm trở lại đây, xu hướng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam phát triển rất nhanh. Ảnh minh họa

Cần những giải pháp đồng bộ

Để giải quyết vấn đề chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng trong không gian mạng, theo ông Nguyễn Đức Lê, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, các viện nghiên cứu.

Giải pháp đầu tiên là phải xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Đồng thời, phải xây dựng khung pháp lý bắt kịp hơi thở của thời đại trong thời 4.0. Từ xây dựng cơ sở pháp lý đó, các bộ ngành liên quan mới có căn cứ để vào cuộc.

Tiếp theo cần tuyên truyền để không những cơ quan chức năng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp cần biết được vai trò của mình ở đâu, cần phải làm gì, nếu không không ai biết vai trò của mình, giống như con thuyền mỗi người chèo một hướng thì không chạy đi đâu cả, muốn tốt đẹp phải cùng chèo một hướng, từ đó mới ngăn chặn đẩy lùi, dần dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng. 


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm