Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

PV
16/08/2022 - 09:10
Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ: KT

Cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung nhiều nội dung quan trọng liên quan việc bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; về các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, chiều 15/8,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Qua gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành đã góp phần thay đổi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Để thực hiện mục đích trên, Dự án Luật xác định các nguyên tắc xây dựng cơ bản, gồm: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội, có sự kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên cơ sở tăng cường nhận thức và năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tại Phiên họp, về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng. Đồng thời phải thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

Về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ 3 thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.

Đóng góp ý kiến về các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Có ý kiến đề nghị quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (khoản 2 và khoản 3 của Điều 76) thành 1 điều riêng để thể hiện vai trò của các tổ chức này trong việc tham gia bảo vệ người tiêu dùng.

Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ bảo vệ người tiêu dùng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Trong thực tế, nhóm người tiêu dùng này thường là đối tượng yếu thế trong xã hội và thường bị thiệt thòi khi giải quyết tranh chấp do: Địa bàn sinh sống ở xa, đi lại khó khăn;  Bất đồng ngôn ngữ (nếu là người dân tộc thiểu số không thông thạo tiếng Việt);  Bị hạn chế do khả năng nhận thức, vận động (do tuổi tác, bệnh tật...).

Cần phân định rõ nhiệm vụ các tổ chức, đoàn thể tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người tiêu dùng. Theo đó, dự án Luật cần được nêu rõ là người tiêu dùng cần phải hiểu về các quyền được bảo vệ khi mua sắm hàng hóa như quyền được đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ và các chi phí; các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm có đúng hay không. Mặt khác, trong dự án Luật, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích cho người tiêu dùng chưa được đề cập nên cần được phân tích thấu đáo hơn.

Đối với giao dịch đặc thù, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong dự án Luật cần được nêu rõ hơn về chính sách thực hiện giao dịch này. Trong quá trình chuyển đổi số thì cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần xem xét điều khoản nào thực hiện chính sách trong giao dịch đặc thù như đối với giao dịch mua bán thông qua quá trình chuyển đổi số...

Nhằm bảo về quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các bên cung cấp sản phẩm hàng hóa...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm