pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Đại biểu Khang Thị Mào, đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, thảo luận tại tổ. Ảnh HH
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4 sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung thêm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Trong đó nêu rõ, "người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ".
Theo đó, người tiêu dùng dễ bị tổn thương được xác định bao gồm: Người cao tuổi; Người khuyết tật; Trẻ em; Phụ nữ đang mang thai; Phụ nữ sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Khang Thị Mào, đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, đề nghị bổ sung thêm đối tượng "người nghèo" vào Điều 7 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Bởi theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, cho thấy người nghèo đã được liệt kê trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bên cạnh đối tượng trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo.
Theo đại biểu, việc đưa người nghèo vào nhóm người dễ bị tổn thương thể hiện tính nhân văn, tính đồng nhất của Luật. Trong thực tế, người nghèo còn được xem là dễ tổn thương hơn bất kỳ nhóm nào khác trước các vấn đề như thảm hoa thiên nhiên, dịch bệnh phát sinh.
Bày tỏ đồng tình với việc bổ sung đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH Hà Nội, cho rằng đây là quy định có tính nhân văn và rất cần thiết. Đồng thời đại biểu cũng lưu ý, với người tiêu dùng là phụ nữ trở thành đối tượng dễ tổn thương khi sử dụng các loại dịch vụ có chuyên môn đặc thù.
Cụ thể như dịch vụ tế bào gốc, làm đẹp bằng tế bào gốc nhiều khi không đúng như quảng cáo, hiệu quả không như mong muốn, còn gây tốn kém tới cả trăm triệu đồng. Theo đại biểu, "về tế bào gốc, có thể nói là thần dược khi dùng để ghép, điều trị các bệnh về máu, ung thư máu… rất hiệu quả". Tuy nhiên, làm đẹp, trẻ hóa da bằng tế bào gốc…thì còn mơ hồ, nhưng nhiều nơi đã đưa vào áp dụng.
Chính vì vậy, đại biểu đề xuất dự thảo Luật cần bảo vệ người tiêu dùng không chỉ theo đối tượng mà cần bảo vệ người tiêu dùng theo loại dịch vụ, nhất là những dịch vụ khó, đắt tiền, chuyên môn đặc thù; qua đó có biện pháp bảo vệ rõ ràng, phù hợp.
Quan tâm đối tượng người cao tuổi, đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn ĐBQH Hà Nội, cho rằng: Dự thảo luật đã nêu ra nhiều quy định về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, nhưng "quyền được tư vấn" thì hầu như không có, vì thế mà người tiêu dùng không hiểu biết sẽ khó bảo vệ được quyền lợi.
Theo đại biểu, người cao tuổi là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất với các sản phẩm chữa bệnh. Có tới 95% người cao tuổi có từ 2 bệnh nền trở lên. Các sản phẩm thuôc hiện nay không được tư vấn thì họ rất khó lựa chọn. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, theo đại biểu, việc xử lý các nhà sản xuất và phân phối vi phạm hiện còn rất nhẹ; cần phải có quy định cụ thể đối với người sản xuất và người phân phối thì mới bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.
Với quy định về "Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", đại biểu Đặng Bích Ngọc, đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình, cho biết: Hiện nay vẫn chưa có cơ chế phối hợp và huy động sự tham gia trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp…
Theo đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định và phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho MTTQ và các và tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội; đồng thời đề nghị Ngân sách đảm bảo hỗ trợ kinh phí cho MTTQ và các tổ chức xã hội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Khoản 3 (Điều 7) dự thảo luật quy định: Khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm:
a) Bảo đảm thực hiện các quyền ưu tiên của người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật;
b) Áp dụng cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật;
c) Không được từ chối giải quyết khiếu nại, đề nghị giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này với lý do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán;
d) Chống kỳ thị, phân biệt đối xử, lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
đ) Thực hiện các trách nhiệm theo quy định của Luật này và các pháp luật có liên quan khác.
e) Xây dựng, lồng ghép chính sách và cơ chế đảm bảo quyền ưu tiên cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong quá trình kinh doanh, trong đó có trình tự, thủ tục, phương thức cho phép từng nhóm người tiêu dùng khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với từng yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng.