pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người cao tuổi - lực lượng tiêu dùng đáng kể ở Trung Quốc
Các thành viên của nhóm "Bà nội thời thượng" trong buổi diễn tập cho một chương trình truyền hình ở Bắc Kinh, Trung Quốc
Các sản phẩm họ giới thiệu, từ trang sức, quần áo đến thực phẩm bổ sung, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của nhóm nhân khẩu học lớn tuổi. Thường diễn ra trước 10 giờ tối, các buổi phát trực tiếp ưu tiên giờ đi ngủ sớm của khán giả lớn tuổi.
Wu Shuhua, 62 tuổi, chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành thành viên của "Bà nội thời thượng" sau khi nghỉ hưu. Phải một mình gồng gánh gia đình khi chồng qua đời ở tuổi 49, bà Wu cuối cùng đã tìm ra "quyền tự do sống thực với bản thân mình" khi tham gia nhóm, đồng thời chia sẻ nét đẹp và sự tích cực của mình với hàng triệu người trên mạng.
"Tất cả chúng tôi đều đã hy sinh rất nhiều khi làm vợ, làm mẹ vì vậy ở nửa sau cuộc đời, điều quan trọng là phải dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, làm những việc mình yêu thích, tìm thấy niềm vui và làm cho quãng đời còn lại của mình tỏa sáng. Tôi hy vọng rằng, với sức sống ở tuổi 60 này, tôi có thể tác động đến nhiều người xung quanh hơn thông qua lối sống tích cực của mình", Wu nói.
Giá trị kinh tế chiếm gần 6% GDP
Theo số liệu do Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố, đến cuối năm 2022, số người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc chiếm 19,8% tổng dân số, trong đó người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14,9%. Ủy ban Y tế Quốc gia ước tính đến khoảng năm 2035, dân số từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc sẽ vượt 400 triệu người, chiếm hơn 30% tổng dân số. Lúc đó Trung Quốc có thể bước vào giai đoạn già hóa nghiêm trọng.
Khi dân số già ngày càng tăng, người cao tuổi đang nổi lên như một lực lượng tiêu dùng đáng kể. Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, "nền kinh tế bạc" ở Trung Quốc hiện trị giá khoảng 7 nghìn tỷ nhân dân tệ, chiếm xấp xỉ 6% tổng GDP và có thể trị giá tới 30 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2035.
Hồi tháng 1/2024, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy ngành chăm sóc người già. Đây cũng là chính sách cấp quốc gia đầu tiên hướng tới việc giải quyết các nhu cầu trong tương lai cho vấn đề già hoá dân số. Các biện pháp bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau liên quan đến văn hóa, thể thao và sức khỏe người cao tuổi, theo Tân Hoa Xã.
Chỉ 4 năm trước, cộng đồng mạng ở Trung Quốc còn chưa quan tâm nhiều đến người cao tuổi, chỉ có một số ít người có tầm ảnh hưởng lớn tuổi. Tuy nhiên, He Daling, 30 tuổi, người lập nhóm "Bà nội thời thượng", đã thấy được tiềm năng của nhóm nhân khẩu học này. Tháng 6/2019, cô thành lập "Bà nội thời thượng" và đăng video đầu tiên trên Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok). Video đã thu hút hơn 40 triệu lượt xem trong vòng một ngày, nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ phổ biến. Cô He đã nhận ra rằng, tài sản trí tuệ (IP) đại diện cho nhóm nhân khẩu học này sẽ đáp ứng những mong muốn về tính đại diện của nhóm trong không gian số.
Hình ảnh mới của phụ nữ cao tuổi
Ý định ban đầu của He khi lập nhóm "Bà nội thời thượng" là để phá bỏ định kiến về người cao tuổi và hướng họ đến một lối sống tinh tế hơn. Đồng thời, nhóm cũng nỗ lực quảng bá văn hóa truyền thống Trung Quốc trên toàn thế giới. "Tôi hy vọng rằng "Bà nội thời thượng" có thể truyền cảm hứng cho tất cả phụ nữ trung niên và người lớn tuổi thoát khỏi những ràng buộc liên quan đến tuổi tác, khuyến khích họ thể hiện mình, trân trọng bản thân", He nói.
Không chỉ "Bà nội thời thượng" gây được tiếng vang, năm 2022, nhóm "Vlogger tri thức tóc bạc" đã nhận giải thưởng "Những nhân vật thường niên truyền cảm hứng của Trung Quốc". Bà Wu Yuren, 1 trong 13 thành viên của nhóm, trở nên nổi tiếng nhờ chia sẻ nội dung giáo dục khoa học trên các nền tảng mạng xã hội. Ở tuổi 73, vị giáo sư đại học đã nghỉ hưu này có hơn 1,72 triệu người đăng ký trên Bilibili (ứng dụng giải trí xem phim và video) và 5,2 triệu người theo dõi trên Douyin.
Các thành viên sử dụng ngôn ngữ thịnh hành, video ngắn và phát sóng trực tiếp để chia sẻ kiến thức khoa học và nhân văn mà giới trẻ quan tâm. Không giống như khuôn mẫu truyền thống về người già trong xã hội Trung Quốc, những vlogger này đại diện cho một hình ảnh mới. Đó là bức chân dung đầy sức sống của những người phụ nữ ở "tuổi xế chiều", tận hưởng cuộc sống theo cách riêng chứ không chỉ quan tâm đến cuộc sống bộn bề của con cháu.
Truyền cảm hứng cho mọi người
"Hầu hết các bà tham gia nhóm không phải vì tiền mà muốn có việc gì đó để làm và chứng minh giá trị của mình", He nói và lưu ý rằng, hầu hết người già đều cảm thấy cô đơn sau khi nghỉ hưu và một số còn bị trầm cảm nhẹ. Sau khi tham gia "Bà nội thời thượng", họ gặp gỡ nhiều bạn bè cùng chí hướng, dần dần tìm được tự tin và hạnh phúc, thậm chí còn khỏi bệnh. "Chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra một hình ảnh mới cho người cao tuổi ở Trung Quốc - dù họ bao nhiêu tuổi trong đời, họ cũng phải luôn tò mò về thế giới, duy trì thái độ tích cực với cuộc sống và đón nhận tình yêu", cô He nói.
Wu đã có ý tưởng làm những video ngắn từ năm 2018. Trong các video khoa học phổ biến của mình, bà thoát khỏi sự nghiêm túc của các lớp học vật lý truyền thống và giải thích các khái niệm lạ bằng những thuật ngữ đơn giản. Đối với Wu, việc khơi gợi trí tò mò ở giới trẻ là một trong những điều bà hằng mong ước và bà đang dùng nó để truyền cảm hứng cho ước mơ của nhiều người trẻ.
Trở thành một vlogger, Wu hy vọng có thể truyền sự nhiệt tình đến tất cả các bạn trẻ xem video, giúp họ thấy được giá trị bản thân, có được sự tự tin và tinh thần trách nhiệm, học cách tiến hành nghiên cứu, cộng tác hiệu quả và dám thử thách bản thân. Cuộc sống sôi động, đầy năng lượng của Wu đã trở thành niềm khao khát của nhiều bạn trẻ. Bà hy vọng rằng những năm sau này của mình sẽ "tươi tắn hơn, hạnh phúc hơn và vô tư hơn".