pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kiếm được 3,6 tỉ đồng/năm nhờ tư vấn hôn nhân
Số vụ ly hôn vượt số trường hợp đăng ký kết hôn
Theo thống kê của chính phủ, số vụ ly hôn ở Trung Quốc đã đạt kỷ lục 8,6 triệu người vào năm 2020, gần gấp đôi so với năm 2019. Con số trên đã lần đầu tiên vượt qua số lượng đăng ký kết hôn tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Sau nhiều thập niên thực hiện chính sách một con, Trung Quốc đối diện với tình trạng mất cân bằng giới tính rõ rệt với số nam giới nhiều hơn nữ giới đến 30 triệu người.
Áp lực phải kết hôn sớm từ phía gia đình, môi trường cạnh tranh ở đô thị, giá nhà tăng vọt, sự thiếu hỗ trợ cho các bà mẹ trong chăm sóc trẻ được cho là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định kết hôn của người trẻ Trung Quốc. Khi những cuộc hôn nhân đứng trước bờ vực của sự tan vỡ thì các trung tâm tư vấn hôn nhân và gia đình lại nở rộ.
Ông Zhu, 44 tuổi, luôn đội mũ lưỡi trai trong các buổi tư vấn trực tuyến của mình. Ông làm việc tới 12 tiếng mỗi ngày trong thời gian qua và nhu cầu của khách hàng hiện nay vẫn rất lớn. "Tôi luôn nói rằng, tư vấn hôn nhân ở Trung Quốc giống như điều trị ung thư giai đoạn cuối. Họ muốn được tư vấn xem ly hôn có phải là điều đúng đắn nên làm hay không", ông cho hay.
Thu nhập 3,6 tỉ đồng/năm
Ông Zhu luôn đề cao tính nhân văn trong công việc tư vấn hôn nhân của mình. Ông cho rằng, những lời tư vấn của ông đã giúp cho nhiều gia đình tránh khỏi kết cục đổ vỡ. Nhưng ông Zhu cũng không giấu mức thu nhập "khủng" từ việc tư vấn hôn nhân của mình.
Đầu năm nay, ông Zhu trở nên nổi tiếng sau khi tuyên bố, ông kiếm được hơn 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,6 tỷ đồng)/năm. Hiện tại, cứ mỗi lần ông livestream, ít nhất 500 khách hàng đặt câu hỏi nhờ ông tư vấn. Ông Zhu chia sẻ, mục đích chính của ông không phải là kiếm tiền mà là "tránh những cuộc ly hôn không cần thiết".
Tuy nhiên, ông Zhu thừa nhận mình là một người theo chủ nghĩa hiện thực. Nếu không giúp được các cặp vợ chồng hàn gắn mối quan hệ, ông cũng sẽ tư vấn họ chia tay theo cách nhẹ nhàng nhất, giảm tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực đến con cái. "Ở góc độ tích cực, ly hôn là biểu hiện của một xã hội văn minh với sự thức tỉnh của phụ nữ", ông Zhu nhận định và cho rằng, ngoại tình và chuyện tiền bạc là các yếu tố chính dẫn đến ly hôn.
Nỗ lực từ chính quyền địa phương
Ngoài những dịch vụ tư nhân như của ông Zhu, nhiều địa phương ở Trung Quốc cũng đã tổ chức dịch vụ tư vấn cho hàng chục ngàn cặp đôi, kể cả những cặp mới cưới và những gia đình đang phải đối mặt với nguy cơ tan vỡ. Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc cũng nỗ lực duy trì các cuộc hôn nhân khi đưa ra chính sách buộc các cặp đôi muốn ly hôn phải trải qua 30 ngày hòa giải bắt buộc. Chính sách áp dụng từ năm 2020 thay cho thời hạn trước đó là 1 ngày.
Tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), chính quyền thành phố cho biết, trong tháng 1/2021, chính sách hòa giải đã cứu vãn cuộc hôn nhân của 3.096 cặp đôi đã nộp đơn ly hôn. Mục đích của chính sách trên nhằm ngăn chặn các vụ ly hôn do bốc đồng. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng, người vợ có thể bị kẹt trong các cuộc hôn nhân không hạnh phúc do thời hạn này có thể trở nên vô thời hạn nếu một bên không đồng ý ly hôn. Ông Wang Youbai, một luật sư tại thành phố Quảng Châu, cho rằng: "Thật vô cùng bất công với những người bị bạo lực gia đình, những người đang mong muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc của họ nhưng lại phải chờ đợi trong một thời gian dài".
Còn theo bà Yi Yi, một luật sư ở thủ đô Bắc Kinh, việc các cặp đôi phải mất từ 1 đến 2 năm theo đuổi các thủ tục pháp lý về ly hôn cũng như phải trả án phí cao là bất công và cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế cuộc sống.