pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ Tày "đưa bản về phố"
Chị Lý Thị Chiên người dân tộc Tày (Thái Nguyên) đã góp phần bảo vệ và phát huy văn hóa, di sản bản địa
Là một tỉnh trung du miền núi, Thái Nguyên, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có dân tộc Tày. Người dân tộc Tày có truyền thống, bản sắc văn hóa đặc trưng cần được bảo tồn và phát huy như lễ hội, ẩm thực, nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ...
Tốt nghiệp chuyên ngành Di sản văn hóa trường Đại học Văn hóa Hà Nội, đã từ lâu, chị Lý Thị Chiên đã nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Tày và các dân tộc khác tại Thái Nguyên. Chị mày mò, tự đi đến các bản làng, gặp các nghệ nhân, tìm hiểu về các nghi lễ truyền thống, các món ăn đặc trưng, trang phục dân tộc,…
Càng hiểu rõ, chị càng mong mỏi, khát khao được đưa những di sản, văn hóa này đến với cộng đồng, như chị nói, là "đưa bản về phố". Chính vì vậy, chị đã tìm được những người bạn cùng chí hướng gây dựng các mô hình bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Những "Noọng Tour", "Noọng Homestay", "Noọng Food", "Noọng Market" mà chị Chiên nghiên cứu và phát triển đã trở thành những sản phẩm sáng tạo thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
"Chúng tôi phối hợp với các tuyến, điểm, khu du lịch tổ chức các hoạt động dân ca dân vũ, sắc màu chợ phiên, ẩm thực, chia sẻ về văn hóa với cái tên "Noọng", nghĩa là "Em" để gần gũi hơn với đồng bào, cũng như thể hiện được nét đặc sắc dân tộc với cộng đồng, du khách.
Ví dụ "Noọng Tour sẽ kết nối các tuyến, điểm, du lịch cộng đồng, họp lớp, hội khóa, trải nghiệm cho du khách gần xa, học sinh sinh viên về văn hóa dân tộc Thái Nguyên và Việt Bắc. "Noọng Food" sẽ giới thiệu các món ăn tiêu biểu của dân tộc thiểu số của Thái Nguyên, những món ăn được chọn là tinh hoa ẩm thực, các nông sản, sản vật, để du khách có thể cùng tham gia vào bếp. Còn "Noọng Market" sẽ giới thiệu những nét đẹp văn hóa chợ phiên, trang phục dân tộc truyền thống, các sự kiện văn hóa vùng cao. "Noọng Homestay" là nơi giao lưu, chia sẻ văn hóa truyền thống tới du khách với gia đình người Tày, Nùng, Mông, Dao…", chị Lý Thị Chiên lý giải.
Với những hoạt động nhằm bảo tồn văn hóa, di sản tích cực, chị Lý Thị Chiên được các trường đại học, cao đẳng Thái Nguyên, các dự án nông thôn mới, các điểm du lịch, các mô hình du lịch cộng đồng tại tỉnh bạn mời giảng dạy cho các hộ kinh doanh, các câu lạc bộ, học sinh, sinh viên về văn hóa di sản. Những bài giảng kèm theo chia sẻ kinh nghiệm thực tế của chị đã góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức của cộng đồng về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và ý thức bảo tồn di sản quý giá.
Bên cạnh những hoạt động cộng đồng, chị Chiên vẫn còn nhiều trăn trở bởi hiện nay không chỉ riêng Thái Nguyên mà còn có nhiều nơi, nhiều đơn vị, tổ chức tự đã và đang lợi dụng bảo tồn văn hóa di sản để biến tướng.
Chia sẻ về điều này, chị nói: "Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa cần có chế tài để ngăn chặn, đồng thời cần đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu để cùng đồng hành với các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động. Làm di sản văn hóa cần hiểu biết, lắng nghe ý kiến của cộng đồng, có nghiên cứu và học hỏi ở nhiều phương diện, tuân thủ di sản của cha ông để lại. Văn hóa là sáng tạo còn di sản thì nên tuân thủ.
Ở một số nghi lễ truyền thống phải tuân thủ theo quy trình và có kiểm chứng. Mai một, thất truyền đã rất đáng tiếc rồi, còn làm biến tướng văn hóa để phục vụ lợi ích trước mắt còn nguy hiểm hơn, rất dễ dẫn đến bị kẻ xấu lợi dụng để tuyên truyền sai về hồn cốt của di sản văn hóa".
Theo chị Chiên, kinh doanh trên nền tảng văn hóa, di sản không sai nhưng đừng biến tướng để trục lợi. Tại các bảo tàng trên địa bàn tỉnh và khu vực có rất nhiều các cứ liệu cho các tổ chức, cá nhân tham khảo sử dụng để phát huy vận dụng vào mô hình kinh doanh của mình. Đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của bảo tàng và các đơn vị sự nghiệp cần chủ động đưa di sản đến công chúng.
Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các nghệ nhân, giáo dục di sản ở các mô hình điển hình như trường học, khu du lịch, các sự kiện nổi bật trên địa bàn tỉnh, khu vực và quốc tế.
Đồng thời, chị Lý Thị Chiên cũng mong muốn nhà nước có chính sách quan tâm đến các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa dân tộc có nguy cơ mai một thất truyền. Hỗ trợ các nguồn vốn cho phụ nữ yếu thế là dân tộc thiểu số để làm kinh tế du lịch. Và cần có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa để học hỏi kinh nghiệm, tạo ra sản phẩm đem lại nguồn thu cho bà con dân tộc thiểu số.