Người mẹ nuôi gần 200 trăm trẻ khuyết tật bị ung thư giai đoạn cuối

11/05/2017 - 13:16
Đến nay, bà Trần Thị Thanh Hương đã chăm sóc, nuôi dưỡng 180 trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam, down, câm điếc bẩm sinh. Giờ đây, khi phải nằm trên giường bệnh điều trị ung thư vú giai đoạn cuối, bà không sợ chết mà chỉ lo cho các con.
Khi chúng tôi tới phòng bệnh, bà Hương vừa được các bác sĩ BV Bạch Mai tiêm kháng sinh liều cao. Bà đau đớn, không nói được câu nào, miệng chỉ mấp máy rồi thiếp đi. Chừng 30 phút sau, khi đã bớt đau, bà mới trò chuyện được với chúng tôi.

Chị Hoàng Thị Hương, con nuôi bà, là người bị teo hai chân. Muốn di chuyển, chị phải dùng đôi tay để đẩy thân đi. Dù vậy, chị được xem là khỏe mạnh, tỉnh táo nhất trong số 28 người "con" bị ảnh hưởng từ chất độc da cam, down, câm điếc bẩm sinh đang được bà Hương nuôi dưỡng.
18426009_1680365782025674_116351591_n.jpg
Vừa tiêm kháng sinh, bà Hương đau đớn không nói nên lời
Vì vậy, từ hôm mẹ nuôi phát bệnh, chị đi theo để chăm sóc cho đến nay. Tuy nhiên, do chị Hương bị khuyết tật, không tiện di chuyển nên mọi việc liên quan đến giấy tờ, điều trị của bà Hương do một nhóm từ thiện của Diễn đàn otofun đứng ra đảm nhiệm.

Bà Hương cho biết, bị ung thư phổi đã nhiều năm trước. Sau một vài đợt xạ trị, bà đã tự uống thuốc nam và nấm linh chi nên bệnh đỡ dần. Tuy nhiên, đến năm 2015, bà lại phát hiện bị ung thư vú. Bà tìm hiểu, được biết ung thư thì rất hiếm trường hợp chữa khỏi, trong khi chi phí điều trị lại cao nên xin về tự điều trị ở nhà. Bà tiếp tục uống thuốc nam và nước nấm linh chi.
x18447816_1680366815358904_1798729777_n.jpg.pagespeed.ic.WLdm0AYZ5A.jpg
Dây chuyền chẳng chịt
Năm 2016, khối u bị vỡ nhưng bà cũng tự đắp lá mà không đi viện. “Mỗi lần đi viện lại tốn tiền. Chúng tôi không có tiền nên phải tiết kiệm. Hơn nữa, nếu có tôi cũng dành số tiền đó để lo cho 28 đứa con của tôi”, bà chia sẻ.
 
Cách đây một tuần, bà bị chảy máu ở chỗ khối u vỡ không cầm được nên phải đưa đi cấp cứu ở BV Việt Tiệp (Hải Phòng), rồi chuyển lên BV Bạch Mai, Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn. Hiện bà chỉ uống thuốc và tiêm kháng sinh liều cao.

Ngoài ra, các bác sĩ cho biết, có thể bà sẽ phải trải qua 8 đợt điều trị kéo dài bằng cách dùng các phương pháp kết hợp, nhưng sợ rằng sức khỏe của bà không chịu được. Hơn nữa, các biện pháp trên cũng chỉ là kéo dài thời gian sống chứ không thể khỏi được.

Nuôi 180 trẻ khuyết tật

Bà Hương là người nổi tiếng ở Hải Phòng và cả nước không phải vì giàu có, mà bởi đến nay bà đã nuôi khoảng 180 trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ bị down là con của đồng đội. Hiện tại, nơi ở của bà và các con là Trung tâm Thiện Giao (tổ 8, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng).

Bà bảo, khi còn ở chiến trường, đã nhận nuôi giúp con cho đồng đội vì thương anh em. Do số lượng các cháu tật nguyền đông nên bà Hương đành phải chọn lựa các trường hợp có 1 trong 3 điều kiện: Con ruột hoặc cháu của các cựu chiến binh, gia đình thuộc diện hộ nghèo; bố, mẹ đã chết hoặc là người tàn tật. Khi ở Thiện Giao, tất cả không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền nào. Tiêu chuẩn, chế độ, trẻ đều được hưởng như nhau. Riêng chế độ của Nhà nước, bà Hương dành lại cho gia đình các cháu.
x18387389_1680365418692377_1802329093_n.jpg.pagespeed.ic.4D99p_5YpY.jpg
Chị Hoàng Thị Hương, bị teo hai chân, đang chăm sóc mẹ nuôi
Từ năm 2004, bà đã thành lập Trung tâm Thiện Giao. Bà tự tổ chức cho các con học nghề mỹ nghệ, rồi thuê người đào ao nuôi cá, trồng rau. Cứ thế, mẹ con bà ngày ăn cá ở ao, ăn rau ở vườn. Tiền bán đồ mỹ nghệ và nấm dùng mua gạo, mua đồ dùng...
Bà Hương bảo, do di chứng của chất độc da cam nên nhiều cháu bị thiểu năng trí tuệ, việc đi đứng, ăn ở, sinh hoạt cá nhân đều hết sức khó khăn. Để dạy các con học được một việc đơn giản như quét nhà, dọn dẹp, bà Hương cũng phải nhẫn nại mất tới hàng năm trời. Khi đã quen với những việc dễ dàng, bà tiếp tục dạy các con những việc khó hơn như trồng rau, nuôi lợn…

Đến nay, bà Hương đã nhận nuôi 180 đứa con trong đó có nhiều người đã tốt nghiệp trình độ đại học, cũng có nhiều người sau khi hòa nhập xã hội đã có công việc ổn định, gia đình khá giả.
x18386846_1680365028692416_1982940721_n.jpg.pagespeed.ic.p0eqSxMVk9.jpg
Bà Hương chia sẻ câu chuyện đời mình với mọi người
Biết được hoàn cảnh của Trung tâm, nhiều tấm lòng từ thiện đã tìm về tận nơi để tìm hiểu. Có người giúp vật chất, người giúp tiền, còn những em sinh viên tình nguyện lại giúp công như làm vườn, sửa lại nhà…

Từ khi bà phát bệnh phải đi viện, kinh phí điều trị cao, khiến bà rất lo lắng. Tính đến nay, đã hết gần 50 triệu đồng.

"Chúng tôi mới dành được vài chục triệu đồng để sửa lại nhà dùng làm nơi sản xuất nấm thì mình phải đi cấp cứu. Kế hoạch đã giang dở rồi. Giá mình không ốm thì các con có thêm công việc, kiếm được đồng ra, đồng vào", bà Hương trải lòng.

Nói về bệnh tật của mình, bà bảo đã xác định trước rồi, bởi ung thư giai đoạn cuối có ai khỏi đâu. Nhưng bà lo nhất là các con, 28 đứa bị trẻ khuyết tật đang điều trị ở nhà.

"Mấy hôm tôi phải đi viện cũng không dám nói, vì sợ chúng lo. Một số đứa gọi điện lên hỏi mẹ đâu, tôi phải dặn Hương nói mẹ đi công tác chưa về. Không biết khi mình mất đi, ai sẽ là người chăm lo cho các con”, bà nghẹn ngào.

Để giúp đỡ bà Hương và các trẻ khuyết tật, độc giả có thể gửi về địa chỉ: Trung tâm Thiện Giao, tổ 8. phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng. 0973.751.595 (chị Hương); 0936228778 (chị Phương) Hoặc Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối-Hà Nội. Số tài khoản: 102010000016663; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Hai Bà Trưng-Hà Nội (Ghi rõ người được giúp đỡ. Tòa soạn sẽ chuyển sự giúp đỡ của độc giả tới bà Hương).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm