Người phụ nữ 9 năm hiếm muộn đối phó với những câu hỏi này trong ngày Tết

04/02/2019 - 11:48
“Mình ghét Tết bởi về quê thường nghe những lời như “có gì chưa?” hay “đang kế hoạch à?” thậm chí là mỉa mai, xỉa xói. Mình mà chán nản, bỏ bê bản thân, tự tạo áp lực cho mình nằm ru rú ở nhà khóc lóc đau thương thì chỉ có thiệt thân thôi”, chị H. chia sẻ.

Ngày Tết là dịp để con cháu trong nhà đoàn tụ, vui vầy sau cả năm vất vả. Thế nhưng, với những người chẳng may hiếm muộn, họ chẳng mong Tết, bởi đó là những tháng ngày “kinh khủng” khi đi đâu, gặp ai cũng “bị” hỏi “có tin vui chưa”. Thậm chí, nhiều người bị áp lực, trầm cảm rồi vợ chồng “đường ai nấy đi”.

 

Với Chị N.K.H. (Hà Nam), năm nay là lần thứ 9 vợ chồng chị được đón Tết cùng nhau. Thế nhưng, đến giờ vợ chồng chị vẫn chưa có con để cưng nựng, chơi đùa. Trong khi đó, chồng là con một, gia đình lại là trưởng nên ông bà càng khao khát có cháu đích tôn.

 

Chị bảo, từ khi ly chồng chị được tiếng là dâu trưởng. Trong những năm qua, vợ chồng chị đã đi khắp các BV, từ BV Phụ sản TƯ, BV Tâm Anh, BV TƯ Quân đội 108 và bây giờ là BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội để thăm khám, điều trị. Vợ chồng chị đã dùng tới biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với 3 lần kích trứng, 2 lần CP rồi đông tây y kết hợp thậm chí cả cúng bái nhưng con vẫn chưa về.

 

Ảnh minh họa

 

Những năm đầu mới về làm dâu, ngày Tết là những ngày đầy nước mắt khi đi đâu ai cũng hỏi “có gì chưa” hay “đang kế hoạch à?”, thậm chí là những lời xỉa xói. Những ngày Tết trôi qua như địa ngục và cũng nhiều lần sau Tết, vợ chồng chồng xác định “đường ai nấy đi”. Thế nhưng, vợ chồng yêu thương nhau rồi lại động viên cùng cố gắng.

 

Chị bảo Tết đâu có tội. Tết vẫn qua và xuân vẫn về, hoa vẫn nở... vì dù không muốn thì năm nào cũng có Tết. “Mình ghét Tết mà bỏ bê bản thân, tự tạo áp lực cho mình, nằm ru rú ở nhà khóc lóc đau thương thì có ai đau thay mình không. Chắc chắn là không, chỉ có mình thiệt thôi”, chị chia sẻ.

 

Sau nhiều năm, chị đã có những chiêu để đối phó với những câu hỏi liên quan đến con cái mà chẳng làm mất lòng ai.  

 

Ví như, khi đi chơi Tết, nếu ai hỏi “có gì chưa”. Chị bảo chúng cháu vẫn đang cố gắng ạ. Chắc chắn câu sau họ sẽ chúc mình năm mới cầu được ước thấy thì mình nhận lời và cảm ơn.

 

Nhiều người nhỡ có nói câu gì xúc phạm mình như “ăn tham thế, sao mãi không đẻ, tịt rồi à,…” thì mình trả lời lịch sự rằng “Chúng cháu nào dám ăn dám tiêu gì đâu. Bao nhiêu tiền dồn hết vào chữa chạy rồi đây. Tết mà bí quá, ra năm khéo có khi cháu phải đi vay mượn thêm. Cô/chú/ anh/chị có thì cứ để cho cháu nhé, nhỡ lúc nào cần thì cháu hỏi”. Chắc chắn những người đó sẽ chẳng dám hỏi lần thứ hai vì sợ mình vay thật.

 

Với khoản lì xì Tết, chị đổi tiền 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng thì có thể mừng tuổi được rất nhiều cháu mà không phải suy nghĩ. Nếu chị nào khoe đi lì xì toàn 50.000 đồng với 100.000 đồng thì chị cũng khéo ghẹo lại: “Chị có con nhỏ, nó thu lại còn gì? Em thấy có qua có lại cả. Em đây con chưa có, bao nhiêu năm đầu tư mà không thu hồi sản phẩm, có cấy mà không có gặt. Em mà là chị ấy, em lì xì gấp 5 thậm chí gấp 10 lần”.

 

"Xuân về là dịp để mình nghỉ ngơi, được làm điều mình mong muốn. Vì vậy, chị em hãy gạt bỏ lại những lo âu, không để ý tới những lời đàm tếu xung quanh. Thay vào đó hãy để ý tới bản thân mình hơn, yêu bản thân mình hơn,…có như vậy, con mới sớm về với mình", chị H. chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm