Người phụ nữ bị xử tử hình vì tội… tự vẫn

07/08/2017 - 07:20
Sau khi nghe quyết định bồi thẩm đoàn, vị thẩm phán lấy một mảnh vải đen đặt lên bộ tóc giả... Chuyện thật như bịa này đã xảy ra cách đây gần 80 năm khi tòa án London đã xử tử hình một người phụ nữ sống lưu vong ở Anh vì tội đã cùng với người mẹ … tự vẫn!
Trốn chạy Đức quốc xã

Irene Coffee sinh năm 1911 trong một gia đình Do Thái ở Đức. Bố cô là chủ một nhà máy sản xuất ngũ cốc và thức ăn gia súc. Irene sống một cuộc sống vô tư cho đến khi Hitler lên nắm chính quyền và thi hành chính sách bài trừ, tàn sát người Do Thái.

Sau khi bố cô mất và người chị gái bỏ đi Palestin, Irene không còn con đường nào khác là tìm cách thoát khỏi nước Đức của bọn quốc xã.

Irene Coffee tại London (1938)


Tháng 9/1937 cô đến London và được nhập quốc tịch Anh nhờ cuộc hôn nhân giả với một người Anh cô chưa từng quen biết. Sau đó, Irene đón mẹ sang Anh. Cô vào làm trong một công ty xuất nhập khẩu. Tuy bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới nhưng không lúc nào cô cảm thấy yên tâm.

Hai mẹ con Irene bám vào nhau sống thu mình và bị hàng xóm lạnh nhạt vì là người Đức. Họ hầu như không có bạn bè và rất hiếm khi đi ra ngoài. Ngày 7/9/1940, khi quân Đức bắt đầu không kích London, cuộc sống của hai mẹ con Irene lại gập trong nỗi sợ hãi, hoảng loạn trước bọn quốc xã.

Sau đó, quân Đức tăng cường các trận không kích. Tháng 1/1941, máy bay Đức san bằng ga xe điện ngầm Bank gần chỗ Irene làm việc và giết hại 111 người. 4 tháng sau, trong một đêm, 550 máy bay Đức ném 700 tấn bom xuống London.

Hàng ngày, Irene sợ hãi theo dõi diễn biến cuộc chiến tranh. Ba Lan, Hà Lan, Pháp lần lượt rơi vào tay bọn quốc xã. Đầu tháng 10/1941, xe tăng Đức chỉ còn cách Matxcơva 130 cây số.

Chọn cái chết để tránh trại tâp trung

Có vẻ như một chiến thắng của bọn quốc xã chỉ còn là vấn đề thời gian. Do quá sợ hãi và quá bế tắc, sáng chủ nhật ngày 11/10/1941, hai người phụ nữ quyết định tự tử. Sau này, trong biên bản hỏi cung, Irene đã lý giải hành động tuyệt vọng của họ: "Chúng tôi rất suy sụp và sợ hãi, vì bọn quốc xã có thể xâm chiếm nước Anh".

Vua George VI (cùng hoàng hậu) đã ân xá cho Irene Coffee


Hai mẹ con uống khá nhiều thuốc ngủ. Sau đó, Irene lả đi 7 ngày bên bà mẹ đã chết. Ngày 18/10 cô tỉnh lại, lê ra phố và nhờ một người qua đường đến bưu điện gửi điện tín đến bác sĩ của cô là Green với nội dung: "Chúng tôi muốn kết thúc cuộc đời mình. Mẹ yêu của tôi đã làm được, còn tôi không may đã không làm được".

Ông bác sĩ đến ngay căn hộ của hai người phụ nữ. Bà mẹ của Irene nằm chết trên giường, còn Irene nửa tỉnh, nửa mê. Cảnh sát lập tức coi người phụ nữ tự tử là kẻ giết người.
 
Đạo luật kỳ quặc

Từ thế kỷ 17 ở Anh quốc, tự tử bị coi là tội giết người và bị xử tử hình. Ai tự tử cùng với một người khác nhưng sống sót, bị coi là phạm tội giết người kia. Đạo luật này của nước Anh còn tồn tại đến đầu những năm 60 của thế kỷ 20.

Thực tế, trong vụ án xử Irene, bản thân vị chánh án Travers Humphreys cũng cảm thấy áy náy. Trong phiên tòa xét xử Irene Coffee, ông đã nhiều lần tỏ thái độ đồng cảm với bị cáo nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh là không thể thay đổi được đạo luật quái đản từ thời Trung cổ đó.

Khi luật sư của Irena phê phán đạo luật thời Trung cổ đó không còn phù hợp với thời đại nữa thì thẩm phán Humphreys đã nói: "Cho dù thiện cảm của ông đối với bị cáo lớn thế nào đi nữa, ông và tôi vẫn phải nhớ rằng, chúng ta là đại diện của luật pháp và có trách nhiệm để luật pháp được thực thi trên đất nước này".

Irene và người chồng thứ hai, người chồng thực sự của mình ở Úc (1955)


Chỉ sau 11 phút họp bàn, bồi thẩm đoàn đã đưa ra phán quyết. Sau khi nghe quyết định của họ, thẩm phán Travers Humphreys lấy một mảnh vải đen đặt lên bộ tóc giả màu trắng làm từ lông ngựa của ông và quay sang người phụ nữ tóc nâu ngồi trên ghế bị cáo: "Irene Coffee, tôi có nghĩa vụ tuyên đọc bản án duy nhất luật pháp quy định đối với tội trạng của bị cáo đã bị tòa xét xử". 

Thực ra, viên thẩm phán không cần phải nói điều gì nữa, vì mảnh vải đen đã nói lên tất cả. Từ nhiều thế kỷ nay, mảnh vải đen được bộ máy tư pháp Anh dùng để chỉ mức án cao nhất.
Ngày 9/12/1941, tòa hình sự London tuyên xử Irene Coffee tử hình bằng hình thức treo cổ vì tội (âm mưu) giết chính mình và giết mẹ! Trong thời khắc ấy, Irene Coffee thảng thốt và sững sờ nghe lời tuyên án. "Tôi không giết mẹ tôi", cô nhắc đi, nhắc lại.
 
Ám ảnh khôn nguôi

Ngay sau phiên tòa thẩm phán ấn định tử hình đối với Irene Coffee, bản án sẽ được thi hành vào lúc 9 giờ sáng ngày 31/12/1941. Nỗi buồn về cái chết của người mẹ và cái tội khủng khiếp người ta gán cho cô phải chịu trách nhiệm về cái chết ấy làm Irene suy sụp. Irene đã không tự vẫn trong tù và được tha, trước hết là nhờ lương tâm bị cắn rứt của thẩm phán Richter Humphreys.

Ngay trong ngày tuyên án, thẩm phán Humphreys đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ và xin vua George VI ân xá. Bản án tử hình được giảm xuống thành án tù chung thân. Tuy nhiên, ngày 3/3/1942, Irene được tha nhờ phong trào vận động của các luật sư của cô và những người ủng hộ cô.

Tuy vậy, phiên tòa với lời buộc tội khủng khiếp đã đeo đẳng người phụ nữ này suốt đời. Cô chuyển lên miền Bắc nước Anh, đến Thụy Sĩ và cuối cùng sang tận Úc, lấy chồng nhưng những ám ảnh khiến cô không thể có được một cuộc sống hạnh phúc như những người phụ nữ bình thường khác.

Ngày 30/9/1968, 6 năm sau khi nước Anh bãi bỏ đạo luật coi tự vẫn là tội giết người, Irene Coffee một lần nữa uống một liều thuốc ngủ cực mạnh và lần này đã thành công khi ở tuổi 56!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm