Người phụ nữ Việt ở Đức mang cả Tết về nhà, sắm đủ đào quất như tại Hà Nội

An Thanh
19/01/2023 - 20:20
"Từ khi về chung một nhà, mỗi dịp Tết đến dù có trùng ngày đi làm thì vợ chồng mình vẫn nghỉ phép để ăn Tết", chị Bích Ngọc chia sẻ.

Đối với những người Việt Nam xa quê hương, Tết có lẽ luôn là những ngày khiến cho họ có nhiều cảm xúc, hoài niệm. Chúng ta đã quen với những cái Tết đủ đào quất, hương trầm, bánh chưng bánh tét hay mai vàng, hoa tươi. Bởi vậy khi ở nước ngoài, đôi khi ngày Tết lại là dịp mà những người Việt xa quê chạnh lòng nhất.

Gia đình Việt tại Đức luôn nghỉ phép để ăn Tết

Bích Ngọc, 33 tuổi hiện tại đang sinh sống và làm việc tại Hamburg (Đức). Chồng cô cũng là người Việt Nam, làm việc trong lĩnh vực IT. Hai vợ chồng sang Đức du học từ cách đây 13 năm và chọn đất nước này làm nơi định cư. Vì tình hình xa xôi cùng điều kiện công việc nên cũng có khá nhiều năm Ngọc ăn Tết tại Đức.

"Hồi xưa khi còn đi học, cứ đến Tết là mình cùng bạn bè Việt Nam tụ tập gói bánh chưng, nấu các món truyền thống để liên hoan. Không khí lúc đó cũng vui lắm. Còn có những năm kỳ thi của mình không trùng vào dịp Tết thì lại về Việt Nam với gia đình", Ngọc chia sẻ.

Vợ chồng định cư tại Đức, người phụ nữ mang cả Tết Việt Nam về nhà, sắm đủ đào quất như ở Hà Nội - Ảnh 1.

Vợ chồng Ngọc đều là người Việt và định cư tại Đức.

Ở phương Tây, Tết Nguyên đán không được tính là ngày lễ. Bởi vậy, nếu như nó rơi vào ngày trong tuần thì mọi người vẫn đi làm như bình thường. Nhiều khi mùng 1 Tết cũng chỉ có thể nghỉ giải lao, gọi điện về cho gia đình một chút. Cảm nhận được không khí đông vui và rộn ràng ở nhà, Ngọc cũng có những khoảnh khắc chạnh lòng. Bởi vậy, khi đã có gia đình riêng, cô quyết định có cách ăn Tết rất khác dù ở Đức.

Cô chia sẻ: "Mình khá coi trọng ngày Tết, sau này có gia đình, có con, mình lại càng mong muốn được tổ chức Tết Nguyên đán đủ đầy và ấm áp ở châu Âu. Trước Tết cả tháng, mình đã lên kế hoạch các món sẽ nấu là gì, trang trí nhà cửa như thế nào và chuẩn bị mua sắm dần những khi rảnh rỗi. 

Từ khi về chung một nhà, mỗi dịp Tết đến dù có trùng ngày đi làm thì vợ chồng mình vẫn nghỉ phép để ăn Tết. Nhưng dù như thế thì ở Đức cũng không bao giờ có được không khí nhộn nhịp, háo hức như ở Việt Nam".

Các con Ngọc háo hức mỗi khi mặc áo dài chơi Tết.

Vợ chồng Ngọc có hai con, vì bố mẹ đều là người Việt nên cô và chồng đều muốn gìn giữ văn hóa quê hương cho con. Bởi vậy, các con cô đều thành thạo tiếng Việt và luôn mong chờ được đón Tết Nguyên đán.

Ngọc chia sẻ: "Mình nghĩ trẻ con ai cũng thích Tết cả vì nó rất vui. Mình luôn nhớ những điều thích nhất về Tết rồi cố gắng kể và tái hiện cho hai bé được trải nghiệm. Bé lớn nhà mình suốt ngày đòi tắm nước lá mùi già vì quá thơm. Bé cũng giúp mẹ mua cành đào, nhìn mâm cơm mẹ bày ra biết đó là mâm cơm Tết. Bé thứ hai còn bé chưa hiểu về Tết nhưng thích thú khi được mặc áo dài và nhận phong bao lì xì".

Vợ chồng định cư tại Đức, người phụ nữ mang cả Tết Việt Nam về nhà, sắm đủ đào quất như ở Hà Nội - Ảnh 3.

Tết châu Âu với đầy đủ bánh mứt đặc trưng phong cách Việt.

Mâm cỗ đủ đầy món Việt vào ngày Tết

Với những cái Tết ở Đức, dù bây giờ nguyên liệu hay đồ ăn Tết cũng đã dễ mua hơn nhưng Ngọc vẫn chuẩn bị từ sớm. Hơn nữa, giá cả ở bên đó cũng khá cao.

Ví dụ bánh chưng khoảng 12-13 euro/cái (hơn 300 nghìn đồng), một nải chuối 20-25 euro (trên dưới 600 nghìn). Bởi vậy Tết năm 2022 ở Đức, Ngọc đã mua hai nải chuối bé rồi dính keo để thành một nải to như ở Việt Nam rồi bày mâm ngũ quả.

Tết châu Âu nhưng nhà Ngọc vẫn đào, quất đủ đầy.

Ngay trong căn hộ của mình tại Hamburg, cô cũng mang cả Tết Việt về nhà với một góc trang trí đặc trưng với mâm cỗ, dây pháo, bánh chưng, hoa đào. Chỉ nhìn góc đó thôi cũng đủ khiến người ta xuýt xoa vì không khí năm mới lan tỏa quá.

"Ngày Tết mình luôn cố gắng để có quất, đào trưng nhà. Bên Đức không có đào Nhật Tân hay đào phai, quất mình cũng chọn mua cây be bé nhưng ở châu Âu, như thế rất có không khí rồi. Mình nhớ có năm nói với con trai đi mua đào, con lại tưởng mua gì ăn 'ngon lành cành đào' nên khi thấy hoa mặt hơi nghệt ra luôn", Ngọc chia sẻ.

Mâm cỗ Tết đầy đủ nơi xứ người.

Những năm ăn Tết ở Đức, gia đình Ngọc vẫn cúng Giao thừa đúng theo giờ Việt Nam dù khi đó ở Việt Nam 12 giờ đêm thì ở Đức mới 6 giờ tối. Sau đó thì vợ chồng cô cũng gọi điện về chúc Tết hai bên nội ngoại, xem các chương trình Tết trên tivi, ăn mứt dừa, cắn hạt bí… Tất cả đều được tiến hành giống như đang ăn Tết ở đất Việt.

Năm nay, vợ chồng Ngọc đã quyết định đưa hai con trở về quê hương đón Tết.

"Hai bé thích thú vì được đi chợ Tết, được chọn đồ trang trí nhà cửa, mua những món đồ chơi đặc trưng như tò he. Mình hy vọng rằng những ký ức về ngày Tết của hai anh em sẽ chỉ toàn niềm vui và hai bé sẽ luôn hào hứng mong chờ mỗi dịp Tết đến, Xuân về", Bích Ngọc cho biết thêm.

Bộ ảnh Tết 2023 chụp ở Hà Nội của các con Ngọc.

Đúng là dù có đi đâu xa, Tết vẫn là một miền ký ức đẹp đẽ và nhiều cảm xúc trong tim mỗi người Việt. Chúc cho gia đình Bích Ngọc sẽ có một năm mới đầy may mắn và có cái Tết với nhiều kỷ niệm đẹp nhé.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm