Người tị nạn Syria biến áo phao thải thành túi xách, váy áo thời trang

24/05/2018 - 10:03
Thay vì tiêu hủy hàng ngàn chiếc áo phao cứu sinh bị người tị nạn bỏ lại trên các bãi biển, doanh nghiệp xã hội Makers Unite, Hà Lan, đã đưa ra sáng kiến tái chế chúng một cách cực kỳ hữu ích, đồng thời giúp hàng chục người tị nạn có việc làm.

Kể từ khi cuộc nội chiến Syria chính thức bắt đầu vào ngày 15/3/2011, hơn 5,6 triệu người Syria đã bỏ chạy khỏi nước này. Theo số liệu của World Vision, chỉ tính riêng tại Châu Âu đã có khoảng 1 triệu người Syria di tản tới đây.

Là “sản phẩm” cuối cùng của cuộc hành trình vượt biển mạo hiểm của những người tị nạn, một lượng lớn áo phao cứu sinh đã bị bỏ lại ven các bờ biển Châu Âu. Tính riêng trên đảo Lesbos nhỏ bé của Hy Lạp đã có hàng trăm ngàn chiếc phao cứu sinh màu da cam này.

Những chiếc áo phao này là "di sản" của cuộc hành trình vượt biển của người tị nạn Syria.

Trước tình hình trên, doanh nghiệp xã hội Makers Unite đã chọn cách tái chế chúng thành những vật dụng hữu ích. Khoảng 5000 chiếc áo phao đang được tái sử dụng bằng cách chuyển đổi thành những chiếc túi đựng máy tính xách tay hay túi thời trang, phụ kiện, thậm chí là cả quần áo tại Hà Lan.

Những chiếc áo phao thải được tái chế thành túi xách...
...túi đựng laptop...
... thậm chí là một chiếc váy.

Không chỉ tránh lãng phí, dự án của Makers Unite còn tạo việc làm cho 70 người tị nạn, trong đó 13 người đang làm việc như thợ may để tạo ra các sản phẩm sang tạo. Các sản phẩm cuối cùng được bán ra rộng rãi trên toàn thế giới.

Ngành nghề mới đã giúp tạo việc làm cho người tị nạn. 

Theo Makers Unite, công việc này “giúp những người mới đến nhận thức được khả năng cần thiết của họ. Chúng tôi tin rằng, sự tin tưởng giữa những người mới đến và người dân địa phương sẽ được nhen nhóm… Việc bán sản phẩm của chúng tôi cung cấp cơ hội việc làm cho những người tị nạn và tài trợ cho chương trình hòa nhập xã hội của chúng tôi”. Bên cạnh đó, việc tạo ra các vật phẩm đặc biệt này sẽ giúp người khác “biết đến những người mang danh là “người tị nạn”.

Những sản phẩm tái chế sẽ giúp nhiều người biết đến người tị nạn, họ là ai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm