Theo ông Đặng Thế Giang, chuyên gia về Nông nghiệp hữu cơ, Giám đốc Kỹ thuật của trang trại hữu cơ Organica:”Sản phẩm hữu cơ đơn giản là những sản phẩm được trồng mà không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, bùn thải, sinh vật biến đổi gene, hoặc bức xạ ion. Động vật cho thịt, gia cầm, trứng và các sản phẩm sữa không dùng thuốc kháng sinh hoặc hormone tăng trưởng”.
Chị Nguyễn Bình An (Q.Phú Nhuận, TPHCM) đã chuyển sang dùng rau hữu cơ hơn nửa năm nay. Mặc dù phải mua với giá cao gấp 3 lần rau bình thường nhưng đổi lại chị cảm thấy an tâm về chất lượng rau. “Tôi mua rau ở chỗ có chứng nhận hữu cơ đầy đủ không như những nơi khác, mặc dù nhìn bên ngoài rau không đẹp mã bằng”.
Nắm bắt được nhu cầu sử dụng thực phẩm hữu cơ ngày càng cao của người tiêu dùng (NTD), các cửa hàng rau hữu cơ hoặc gắn nhãn thực phẩm hữu cơ ngày càng nhiều. Chỉ cần lên mạng search cụm từ “cửa hàng rau hữu cơ tại TPHCM”, người dùng sẽ có được hơn 5 triệu kết quả. Click vào các trang web cửa hàng hữu cơ online, khách hàng sẽ thấy rất nhiều sản phẩm kèm những lời quảng cáo cuốn hút như “Sản phẩm hữu cơ 100%” hoặc “siêu sạch”,…
Tìm đến một cửa hàng rau hữu cơ quảng cáo online, khi mua hàng và ngỏ ý muốn xem giấy chứng nhận, người bán lại tìm cách thoái thác rằng rau ở đây được trồng theo hướng hữu cơ nên chưa có giấy chứng nhận! Một thực tế nữa, cùng là rau hữu cơ nhưng giá bán giữa các trang mạng lại có sự chênh lệch đáng kể. Như đậu que có nơi bán 47.500đ/kg, nhưng có trang lại bán với giá 60.000đ/kg hoặc cải thìa có nơi bán 96.000đ/kg, chỗ lại chỉ 42.000đ/kg.
Chủ một cửa hàng thực phẩm hữu cơ cho hay: ”Đa số rau hữu cơ chính thống, có chứng nhận đầy đủ phải có giá gần 200.000đ/kg, các loại vài chục ngàn thường chỉ là trồng theo hướng hữu cơ hoặc tự phong.” Như vậy có thể thấy sự chênh lệch giá tại các cửa hàng rau hữu cơ là do nhiều nơi không chứng minh được sản phẩm mình bán đảm bảo 100% hữu cơ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA), đơn vị chứng nhận hữu cơ cho thực phẩm được thế giới công nhận thì tại Việt Nam, công ty có sản phẩm rau đạt chuẩn hữu cơ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như Cty Elephant Mountain Produce (Đức Trọng, Lâm Đồng); Florama VietNam (Lạc Dương, Lâm Đồng); International Fresh Vegetable & Fruits (Nghĩa Đàn, Nghệ An); Organik (Đà lạt); Organica (TPHCM)...
Đại diện Organica, một trong những hệ thống cửa hàng thực phẩm hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam cho biết :”Do điều kiện canh tác ở VN rất khó lấy chứng nhận Organic như diện tích nhỏ hẹp, giá cả bấp bênh, các khu vực lân cận bị ô nhiễm và đặc biệt là chi phí chứng nhận Organic rất mắc, không phải trang trại nào cũng có thể làm”.
Người tiêu dùng khi mua sản phẩm chỉ nhìn vào nhãn mác gắn trên đó mà quên đi nguồn gốc thật sự, hoặc nếu nghi ngờ thì cũng không có cơ sở để kiểm chứng. Một cách để NTD nhận biết được sản phẩm đạt chuẩn là vào trang web đã cấp giấy chứng nhận hữu cơ, nhập mã số của đơn vị được cấp sẽ thấy thông tin cụ thể.
Một số dấu hiệu phân biệt rau hữu cơ: - Dinh dưỡng: do không sử dụng phân bón hóa học như đạm, NPK,… mà chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ và phân sinh học (được cho phép bởi các tổ chức chứng nhận) nên cây rau hữu cơ phát triển chậm hơn, thân và lá nhỏ hơn, màu sắc tự nhiên chứ không xanh đậm như lá rau canh tác hóa học. - Phòng trừ sâu hại: canh tác hữu cơ chỉ dùng các loại phân bón sinh học hay thảo dược để xua đuổi và phòng trừ sâu bệnh nên hiệu quả không cao như sử dụng các loại thuốc trừ sâu hóa học độc hại. Do đó, cây rau hữu cơ vẫn bị các loại sâu bệnh, côn trùng tấn công làm giảm mỹ quan bên ngoài. |