pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người tiêu dùng thích sản phẩm xanh nhưng muốn được dùng miễn phí
Người tiêu dùng chọn mua những bó rau được gói lá chuối tại siêu thị.
Không muốn bỏ thêm chi phí
Bà Phan Tuyết (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, thời gian trước, bà rất thích thú mỗi khi đi siêu thị mà thấy bó rau được dùng lá chuối gói lại, thay vì đựng trong túi nilon. Như nhiều người nội trợ khác, bà Phan Tuyết ủng hộ lối sống "xanh", an toàn cho bản thân và môi trường. "Vậy mà từ Tết đến giờ, mấy siêu thị tôi hay lui tới đã quay lại dùng túi nilon gói hàng. Chắc là vì tiện lợi hơn!", bà Phan Tuyết phân trần.
Chị Trần Anh Thư, 26 tuổi ở quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết, cô rất thích thú khi ghé quán cà phê mà ở đó sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thế nhưng, những quán cà phê này không nhiều trong danh sách những quán "ruột" của cô bởi đa số hàng quán hiện tại vẫn sử dụng ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần.
Còn nhớ, hệ thống siêu thị Lotte Mart, Co.opmart, Big C... từng được Thủ tướng Chính phủ khen vì dùng lá chuối gói hàng thay cho túi nilon nhằm bảo vệ môi trường. Thế nhưng, hiện nay, cách làm này không còn được duy trì nhiều. Theo đại diện các siêu thị, việc dùng lá chuối hay các sản phẩm tự nhiên làm tăng giá thành sản phẩm và tốn thêm nhân công, khiến các nhà cung cấp khó duy trì.
Đại diện Big C cho biết, hiện chỉ còn một số siêu thị trong hệ thống Big C ở miền Bắc dùng lá chuối gói rau. Để duy trì chính sách giảm thải túi nilon, hệ thống đang áp dụng hình thức bán túi thân thiện môi trường và túi này người tiêu dùng phải trả phí.
Còn theo đại diện Lotte Mart, lá chuối nhanh chuyển màu khiến sản phẩm không bắt mắt. Siêu thị cũng không có đủ nhân công để thay lá chuối mới và bó rau lại. Tuy nhiên, Lotte Mart vẫn tiếp tục triển khai chương trình giảm thiểu túi nilon. Hiện siêu thị có bán túi làm từ lá sen để thay thế túi nilon.
Anh Phạm Minh Long, một nhà phân phối thực phẩm tại Hà Nội, cho biết, người tiêu dùng thích xu hướng tiêu dùng "xanh" nhưng phải là không mất chi phí. Nếu nhà cung cấp sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và tính thêm chi phí mua hàng cho khách thì rất ít khách hàng lựa chọn phương thức này. Khách hàng quan tâm đến chất lượng của nguồn hàng và giá cả sản phẩm hơn là tính thân thiện với môi trường.
"Chúng tôi cũng đặt những túi đựng hàng được làm bằng sản phẩm thân thiện với môi trường ở các quầy thanh toán nhưng rất ít khách hàng mua, chỉ khi được tặng thì họ mới lấy", anh Minh Long chia sẻ.
Cần sự vào cuộc của cả xã hội
Chị Lê Phương Thảo, chủ một tiệm cà phê trên đường Thanh Niên (Hà Nội) cho biết, thời gian trước, chị đã dùng ống hút bằng tre, bằng giấy ở tiệm cà phê của mình. Điều này khiến khách hàng rất thích thú song một số khách hàng phải lấy đến 2-3 chiếc ống hút bằng giấy do ống hút giấy không bền, tan rất nhanh khi gặp nước.
"Sau một thời gian sử dụng ống hút thân thiện với môi trường, chi phí kinh doanh bị đội lên, tôi đành phải quay lại với ống hút nhựa dùng một lần", chị Phương Thảo cho biết.
Theo chị Phương Thảo, để lan tỏa xu hướng tiêu dùng "xanh", cần nhiều đơn vị đồng hành và xã hội cùng tham gia, nếu chỉ một số đơn vị nhỏ lẻ làm thì khó xuyên suốt, lâu dài.
Đồng quan điểm trên, anh Minh Long cho rằng, ý thức của người tiêu dùng về tiêu dùng "xanh" rất quan trọng. Khi ý thức bảo vệ môi trường tăng thì người tiêu dùng sẽ dễ chấp nhận mua sản phẩm thân thiện môi trường hơn. Vì thế, cần kết hợp giữa tuyên truyền và dùng luật pháp để quy định, thay vì chỉ khuyến khích như hiện nay.
Thêm vào đó, các công ty nên xem việc thay thế bao bì bằng sản phẩm thân thiện môi trường như một phần làm nên thương hiệu của công ty, doanh nghiệp. Hiện nay, một số nước như Thái Lan không cung cấp túi nilon, người tiêu dùng đem túi theo khi mua hàng hoặc có thể mua túi ở siêu thị với giá cao. Nghĩa là việc thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường còn cần có sự tham gia triển khai đồng loạt, trên diện rộng.