Người trồng đào, quất thấp thỏm chờ Tết

Mai Vàng
11/01/2022 - 14:17
Người trồng đào, quất thấp thỏm chờ Tết

Những cây quất bonsai được tạo dáng, trồng trong chậu theo mô tuýp "hổ vàng ôm quất bonsai". Ảnh: Quang Hùng

Khác với trước đây, năm nay, vào những ngày này, người trồng đào, quất ở Nhật Tân, Tứ Liên không chỉ tất bật canh cho hoa nở đúng dịp mà còn thấp thỏm theo nhịp sống từng ngày của Hà Nội. Họ mong đợi một cái Tết đủ đầy khi đã đi qua một năm nhiều gian khó.

Nỗi lòng người nông dân

Dự đoán nhu cầu chơi quất, đào Tết của người dân sẽ giảm do ảnh hưởng của đại dịch nhưng các chủ vườn đào, quất ở Tứ Liên, Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn khá lạc quan. Bà Nguyễn Thị Năm, chủ một vườn đào ở Nhật Tân, cho biết: Đây là thời điểm rất quan trọng cho việc chăm sóc đào. Gia đình bà hầu như có mặt ở vườn cả ngày, khi thì tưới nước, lúc thì tuốt lá... "Đặc biệt là phải tập trung theo dõi thời tiết. Chỉ mong thời tiết từ giờ tới cuối năm không có gì thay đổi nhiều để ảnh hưởng tới quá trình ra hoa của đào. "Đã có những năm, thời tiết Hà Nội nóng lạnh thất thường những ngày giáp Tết khiến hoa nở không đúng dịp. Để đảm bảo những gốc đào quý nở hoa đúng Tết Nguyên đán, gia đình tôi đã phải dựng dãy nhà bằng tôn rồi lắp điều hòa hai chiều chỉnh nhiệt độ phù hợp, miễn sao cho hoa đào nở đúng dịp Tết" - bà Năm chia sẻ.

Người trồng đào, quất thấp thỏm chờ Tết - Ảnh 1.

Người trồng đào, quất ở các phường Nhật Tân, Tứ Liên (Hà Nội) đang tất bật chăm sóc cây, chuẩn bị cho những ngày Tết Nguyên đán sắp tới - Ảnh: Mai Vàng

Hiện vườn đào của gia đình bà Năm có gần 400 gốc đào, trong đó 1/3 gốc đào thế đã có các cơ quan, doanh nghiệp đặt mua hoặc thuê. Bà Năm cho hay, lượng khách đặt mua/thuê này so với mọi năm cũng có giảm chút ít nhưng lo nhất là lượng khách lẻ mua đào có thể sẽ giảm nhiều.

Gia đình bà Trần Thị Dung (phường Nhật Tân) có khoảng 50 gốc đào bích. Do qui mô vườn nhỏ nên chủ yếu khách mua là khách lẻ. "Người nông dân có đất mà không trồng cây thì không được, nhưng trồng thì cũng lo lắm. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến đời sống thế này, chẳng biết dân còn hứng thú thưởng hoa ngày Tết nữa hay không" - bà Dung bày tỏ lo lắng. Những ngày này, gia đình bà Dung cũng đang tất bật cho công đoạn quan trọng, đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ năng. Đó là cẩn thận ngắt, bấm từng lá một để giữ được các mầm nụ cho cây.

"Thương lái đặt cọc vài triệu, nếu giờ dịch bệnh bùng phát mạnh, họ không đến lấy hàng thì người nông dân chúng tôi cũng méo mặt".

Bà Phan Thị Lý (50 tuổi, phường Tứ Liên, Q.Tây Hồ, Hà Nội)

Tại "thủ phủ" quất Tứ Liên, người dân nơi đây cũng đang chuẩn bị vụ cây Tết. Bà Phan Thị Lý (50 tuổi), chủ vườn 200 gốc quất tại Tứ Liên, Hà Nội cho biết, hiện tại gia đình bà đã xong công đoạn uốn tỉa, bây giờ chỉ còn bước nhặt cỏ, tưới nước... và chờ giáp Tết là mang bán.

Tại thời điểm này, cũng có nhiều thương lái, người buôn lẻ đã vào vườn để săn hàng. Năm nay, dòng quất mini, quất bonsai đặt bàn vẫn đắt khách. Những cây quất bonsai được tạo dáng, trồng trong chậu theo mô tuýp "hổ vàng ôm quất bonsai" được các nghệ nhân nơi đây thổi hồn và có nhiều sáng tạo độc đáo. "Hiện tại, gần như toàn bộ dáng quất mini, quất bonsai của tôi đã bán hết cho khách mua sỉ. Chỉ còn số ít quất chum, quất chùm và quất thế (dòng to) là còn", bà Lý nói. Dù các thương lái đã đặt cọc xong bà Lý vẫn lo lắng khi mà thông tin về dịch bệnh của Hà Nội khá căng thẳng. Nếu dịch bùng phát mạnh, thấy không bán được hàng thì thương lái có thể sẽ bỏ cọc. Lúc đó người dân coi như trắng tay.

Chỉ còn 3 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thời điểm này, thời tiết khá thuận lợi cho hoa đào, cây quất sinh trưởng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên nhiều nhà vườn đang "nín thở" chờ tới Tết. Đa số những người trồng đào, quất đều dự đoán, lượng khách mua cây to, lớn đắt tiền sẽ không sụt giảm nhiều so với mọi năm song lượng khách mua lẻ (hộ gia đình) thì có thể sẽ giảm nhiều. "Dù khó khăn thì các cơ quan vẫn cố gắng có cây đào cho anh em vui xuân, chứ từng hộ gia đình lại phụ thuộc vào kinh tế mỗi nhà. Vì vậy, năm nay chúng tôi vừa chăm đào vừa… thấp thỏm lo vắng khách chơi đào" - bà Năm (phường Nhật Tân) bày tỏ.

Dự đoán giá đào, quất ít biến động

Cũng theo bà Năm (phường Nhật Tân) thì giá đào Tết năm nay không thay đổi nhiều so với mọi năm. Với những cành nhỏ sẽ giao động từ 100.000-300.000 đồng/cành, đối với cây nhỏ, vừa thì từ 1 - 3 triệu đồng/chậu. Đặc biệt với loại đào thế nhiều năm tuổi thì có mức giá cao hơn từ 8 -12 triệu đồng/chậu. Tuy nhiên với loại đào thế thì chủ vườn thường sẽ cho thuê nhiều hơn là bán vì để chăm được một gốc đào thế đẹp sẽ mất từ 15-30 năm.

Những cây quất bonsai được tạo dáng, trồng trong chậu theo mô tuýp "hổ vàng ôm quất bonsai" - Ảnh: Quang Hùng

Ảnh: Quang Hùng

Còn theo là Lý (phường Tứ Liên), năm nay, dòng quất mini, quất bonsai đặt bàn vẫn đắt khách, có giá bán ra dao động trong khoảng từ 150.000 - 250.000 đồng/chậu. Với dòng quất chum, quất lọ giá dao động trong khoảng từ 400.000 - 800.000 - 1.200.000 đồng/chum tùy dáng thế, độ to của cây. "Giá đào, quất năm nay vẫn ổn định như các năm trước. Thông thường các năm trước, mỗi năm giá sẽ nhích lên một chút. Nói năm nay không giảm giá nhưng thực chất đã giảm bởi giữ giá là người trồng đã phải chịu thiệt phần trượt giá rồi" - bà Lý nói.

Chuyên gia tiêu dùng Nguyễn Thuý Anh, Công ty truyền thông Ideal Media, nhận định: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, sức mua có thể giảm. Đơn cử như một lượng khách là chủ các nhà hàng, quán bia vẫn đang đóng cửa, không có nhu cầu trang trí. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, người dân yêu, mê cây cảnh, hoa đào, quất vẫn sẽ tìm mua với mong muốn có không khí vui tươi, đầm ấm của ngày Tết. Nhất là năm nay, diễn biến dịch Covid-19 có thể sẽ khiến người dân nghỉ ngơi ở nhà nhiều hơn là ra ngoài vui chơi, nên họ sẽ vẫn chăm chút cho việc sắm cây cảnh chơi Tết".

Dự báo thời tiết dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Về thời tiết giai đoạn cận Tết Âm lịch, ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn - cho biết, xu thế các tỉnh miền Bắc có khả năng xuất hiện các đợt rét đậm ngắn ngày từ 2 - 3 ngày nhưng nhiệt độ không giảm sâu. Trong những ngày Tết âm lịch, miền Bắc xu thế chủ đạo là trời khô ráo nhưng rét.

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia - cho biết thêm, dịp nghỉ Tết Âm lịch rơi vào khoảng thời gian cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2022 - vẫn trong giai đoạn chính đông ở Việt Nam. Vì thế, thời tiết chủ đạo ở Bắc bộ vẫn là rét kèm theo mưa nhỏ, mưa phùn, một số ngày có rét đậm. Như vậy là thời tiết này sẽ không quá ảnh hưởng đến việc ra hoa, kết trái của đào, quất năm nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm