Lao động nghèo ở Hà Nội: "Chỉ khi nào hết dịch mới là Tết"

LAO ĐỘNG NGHÈO Ở HÀ NỘI: "CHỈ KHI NÀO HẾT DỊCH MỚI LÀ TẾT"

Những ngày này, xóm trọ nghèo phía sau chợ Long Biên, phường Phúc Xá (Q.Ba Đình, Hà Nội) vắng vẻ, đìu hiu hơn so với ngày thường, do nhiều người đã về quê vì không có việc, một phần cũng là để tránh dịch. Những người bám trụ lại đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn hơn khiến họ không thể nghỉ làm quá sớm.

"Cố gắng giữ gìn để không bị mắc Covid-19"

"Mấy ngày gần đây, thấy mọi người trong xóm lần lượt khăn gói về quê, tôi cũng sốt ruột lắm nhưng khổ nỗi trong người không còn đồng nào, không thể về được. Cố gắng bám trụ lại đây kiếm được đồng nào hay đồng đấy", bà Nguyễn Thị Hiền (51 tuổi, quê Bắc Giang - người đã ở xóm trọ nghèo sau chợ Long Biên hơn 20 năm) chia sẻ với PV Báo PNVN.

Bà Hiền cho biết, trước đây bà làm phu xe, chuyên kéo hàng cho các tiểu thương ở chợ Long Biên. Thế nhưng mấy tháng nay việc ít nên người ta thuê "có chọn lọc", chỉ những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn thì mới được thuê. Còn người như bà Hiền thì đành phải đi tìm việc khác.

"Nghỉ kéo xe hàng, tôi chuyển sang phục vụ quán ăn. Thế nhưng làm chưa được 1 tháng thì hàng quán chỉ được bán mang về, gần như không có khách nên chủ quán cũng cho tôi nghỉ. Mấy hôm nay tôi bắt đầu đi thu mua, nhặt ve chai về để bán. Giờ có việc gì làm ra tiền thì mình làm thôi, ở thành phố này, một ngày không có tiền thì khốn khổ trăm bề", bà Hiền tâm sự.

Khi chợ Long Biên hoạt động trở lại sau quãng thời gian dài thực hiện cách ly và giãn cách xã hội, các mặt hàng buôn bán tại chợ đã giảm đi nhiều so với trước đây khiến nhiều người mưu sinh bằng việc bốc vác, kéo xe hàng thuê cho các tiểu thương tại chợ Long Biên bị ảnh hưởng. Nhiều người đã bị mất việc do các tiểu thương không còn nhiều nhu cầu như trước nữa.

"Gần Tết Nguyên đán rồi nhưng bây giờ trong tâm trí tôi chẳng có suy nghĩ gì về Tết cả. Điều tôi mong muốn nhất lúc này đó là mọi người được khỏe mạnh, cố gắng giữ gìn để không ai bị mắc Covid-19. Chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, cuộc sống trở lại như bình thường thì đó mới là Tết", bà Hiền tâm sự.

Lao động nghèo ở Hà Nội: "Chỉ khi nào hết dịch mới là Tết" - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hiền đang phân loại phế liệu để mang bán

"Không thể sống nhờ vào tiền trợ cấp mãi được"

Xóm trọ sau chợ Long Biên có khoảng gần 200 người sinh sống, họ đến từ nhiều tỉnh/thành khác nhau như: Hưng Yên, Nam Định, Bắc Giang, Hải Dương… nhưng có một điểm chung là đều nghèo. Tất cả người dân trong xóm trọ này đều làm thuê các công việc trong chợ Long Biên, số tiền ít ỏi kiếm được chỉ đủ đóng tiền nhà và ăn tiêu hàng ngày. Thế nên khi có biến cố xảy ra, họ gần như không cầm cự được lâu.

Thời điểm chợ Long Biên phải tạm dừng hoạt động do có nhiều ca mắc Covid-19, những người lao động tại đây cũng đã được chính quyền địa phương, các đoàn từ thiện quan tâm, tặng quà. Đó là điều đáng quý, song cũng phải bất đắc dĩ lắm họ mới nhận.

"Chúng tôi ai nấy đều vẫn khỏe mạnh, vẫn có thể kiếm sống nhưng vì dịch Covid-19 khiến mấy tháng trời chúng tôi không đi làm được. Nếu không nhận tiền và lương thực hỗ trợ thì cũng chẳng biết sống thế nào", chị Nguyễn Thị Huyền (37 tuổi, quê Hưng Yên) chia sẻ.

Chị Huyền cho biết, dịch bệnh xảy ra không ai mong muốn, bản thân chị và những người trong xóm ai cũng hoàn cảnh nhưng vẫn trong độ tuổi lao động. Việc được nhận hỗ trợ từ nhà nước trong hoàn cảnh này là điều chị không hề mong muốn.

"Không thể sống nhờ vào tiền trợ cấp mãi được. Chúng tôi vẫn khỏe mạnh và mong muốn được đi làm. Gần 2 năm qua, người lao động tự do như chúng tôi đã quá khổ rồi, điều chúng tôi mong muốn nhất vào lúc này là dịch bệnh được kiểm soát để mọi hoạt động sản xuất trở lại như bình thường", chị Huyền bày tỏ.

Chị Huyền cho biết, mấy tháng nay chị chỉ đi làm nửa buổi vì không có việc và cũng mấy tháng rồi chị chưa gửi tiền về cho ông bà nội chăm sóc 3 đứa con nhỏ. Giờ không làm ra tiền nên mọi chi tiêu đều phải tiết kiệm, chiếc găng tay chị đi bốc hàng cũng phải dùng đi dùng lại mấy lần mới bỏ. Trước kia, chị thường chỉ dùng găng 1 lần.

Gần 2 năm qua, dịch bệnh khiến người dân cả nước nói chung và người dân ở xóm trọ nghèo sau chợ Long Biên nói riêng phải gồng mình chống chọi. Tuy nhiên, so với thời điểm ban đầu mới xuất hiện dịch, nhiều người giờ đây đã không còn quá lo lắng.

Lao động nghèo ở Hà Nội: "Chỉ khi nào hết dịch mới là Tết" - Ảnh 2.

Chưa năm nào gần Tết Nguyên đán mà chị Hà nhàn rỗi như năm nay

"Bây giờ hầu hết mọi người đã đều được tiêm vaccine ngừa Covid-19 rồi nên nếu chẳng may có nhiễm bệnh thì cũng không nguy hiểm như thời điểm chưa tiêm. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các cơ quan chuyên môn, tôi tin rằng Covid-19 sẽ không còn là mối nguy hiểm cho chúng ta được bao lâu nữa", chị Lê Thị Hà (35 tuổi, quê Nam Định) nhận định.

Chị Hà cho biết, chị làm công việc kéo xe hàng ở chợ Long Biên gần 10 năm, chưa năm nào gần Tết Nguyên đán mà chị nhàn rỗi như năm nay. Những năm trước, vào thời điểm này mỗi ngày chị chỉ ngủ 3 tiếng, còn lại thời gian là đi làm. Song, năm nay thì chỉ làm 1-2 tiếng rồi ngủ trừ bữa.

Có lẽ ngoài những điều mong ước cho bản thân và gia đình, chưa bao giờ người dân khắp mọi miền cả nước nói chung và người dân ở xóm trọ sau chợ Long Biên nói riêng lại có chung một mong ước như hiện nay đó là: mong đại dịch Covid-19 sớm được khống chế để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Ai nấy đều hy vọng bước sang năm mới 2022 sẽ gặp nhiều điều tốt lành, may mắn hơn!

Thực hiện: Nguyễn Long - Trường Lê