Nguồn vốn vay nhỏ hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình nho đen chất lượng cao

PV
06/11/2022 - 11:43
Nguồn vốn vay nhỏ hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình nho đen chất lượng cao

Khách quốc tế và trong nước đến thăm mô hình trồng nho của gia đình chị Nguyễn Thị Nhài

Từ nguồn vốn vay nhỏ của TYM (thuộc TƯ Hội LHPN Việt Nam), chị Nguyễn Thị Nhài mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình trồng nho đen áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng cung ứng hàng hoá ra cả khu vực miền Bắc, tạo được niềm tin vững chắc của người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Nhài, SN 1984, ở thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), kể lại hồi năm 2019 mới bắt đầu nghiên cứu, bước đầu đầu tư vào dự án trồng nho sạch. Quả nho đen không hạt là sản phẩm rất tốt cho sức khỏe và mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, lại rất phù hợp với vùng đất nơi đây. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho quả nho to, chùm lớn và có thể cho năng suất lên đến 20 tấn/ha mở ra hướng phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên vẫn là câu chuyện bí bách nguồn vốn để chị đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hạ tầng theo tiêu chuẩn, áp dụng quy trình VietGAP để phát triển bền vững. Để khắc phục khó khăn này, sau khi được chị em trong thôn giới thiệu về Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương - TYM (thuộc TƯ Hội LHPN Việt Nam), chị đã tham gia để vừa vay vốn và gửi tiết kiệm. Với mức vốn vay ban đầu là 30 triệu đồng, chị đã bước đầu xây dựng ý tưởng và lên kế hoạch đi học tập nghiên cứu các mô hình trồng nho đen trong nước. Với từng bước như vậy đến nay chị đã có một mô hình trồng nho hiện đại với 4.300 gốc nho được trồng trên diện tích 10.000 m2. Hỗ trợ công ăn việc làm cho 6 nhân công thường xuyên và 10 nhân công thời vụ với thu nhập bình quân 250.000 đồng/1nhân công/ngày.

Chị chia sẻ: Ngay từ đầu, gia đình tôi đã đầu tư một cách khoa học, sử dụng hệ thống nhà giàn có mái che, hệ thống bón phân tự động, tưới nước nhỏ giọt, quy trình trồng và chăm sóc đều đảm bảo theo quy chuẩn VietGAP ngay từ giai đoạn ươm cây giống, không sử dụng các chất hóa học gây ảnh hưởng, tác động đến môi trường. Qua các năm tham gia TYM, chị đã ngày càng mạnh dạn hơn, tự tin hơn, không chỉ sử dụng vốn của TYM tối đa mức vốn 100 triệu đồng mà chị còn được tham gia các lớp đào tạo công nghệ số để giúp chị cải thiện hơn trong kĩ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện công nghệ hiện đại.

Trong những bước đầu thực hiện dự án, chị Nhài cho biết: Chúng tôi đã dần tiếp cận thị trường, bán lẻ, chào bán sản phẩm ở những cửa hàng nông sản sạch quanh khu vực địa phương, khi nhận được nhiều đơn đặt hàng và phản hồi tích cực, chúng tôi nâng dần sản lượng và tiếp tục mang sản phẩm đến với các thị trường lớn hơn như các gian hàng nông sản tại các siêu thị trên toàn khu vực miền Bắc. 

Trong quá trình này, "chúng tôi luôn lắng nghe phản hồi từ phía các đầu mối về phản hồi của khách hàng nhằm liên tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được niềm tin vững chắc của người tiêu dùng", chị Nhài kể.

Nguồn vốn vay nhỏ hỗ trợ phụ nữ phát triển mô hình nho đen chất lượng cao - Ảnh 1.

Mô hình trồng nho của chị Nguyễn Thị Nhài áp dụng quy trình VietGAP để phát triển bền vững

Tạo thuận lợi cho hộ kinh tế, hợp tác xã liên kết, tham gia thị trường

Theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược "Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đền năm 2045", trong đó nêu rõ, phát triển thương mại trong nước gắn với phát triển đa dạng về chế độ sở hữu, loại hình tổ chức và phương thức hoạt động của các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế. Quan tâm phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh tế cá thể và hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân liên kết tham gia thị trường.

Đồng thời Quyết định cũng nêu nhiệm vụ, giải pháp; trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm