pnvnonline@phunuvietnam.vn
TYM tích cực góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
Ngày 22/01/2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để hiểu rõ hơn về vai trò của TCVM, đặc biệt vai trò của TYM trong việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Báo Phụ nữ Việt Nam đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Giám đốc TYM.
PV: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bà có thể cho biết vai trò của TCVM trong Chiến lược này là gì? Là một tổ chức TCVM chính thức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động đã được gần 30 năm, sự tham gia của TYM vào Chiến lược này ra sao?
TCVM không phải là dịch vụ tài chính đơn thuần và thực tế đã chứng minh TCVM là hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc và đóng vai trò không nhỏ trong việc thực hiện tài chính toàn diện quốc gia. Trong nội dung Chiến lược, vai trò quan trọng này được đề cập trực tiếp và việc "Xây dựng và phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, mở rộng sự tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ, các doanh nghiệp siêu nhỏ" được xác định là một trong những giải pháp chủ yếu để đạt được mục tiêu đề ra của Chiến lược.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia: Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025: Ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; Ít nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% -25% hàng năm; Dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%....
Đối với TYM, sự tham gia vào Chiến lược này được thể hiện bằng việc TYM cung cấp có trách nhiệm, theo phương thức thuận tiện các sản phẩm tín dụng, tiết kiệm tới phụ nữ nghèo, cận nghèo, yếu thế, phụ nữ có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn và bán đô thị. TYM đồng thời hỗ trợ nâng cao hiểu biết tài chính cho phụ nữ thông qua các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực đa dạng và phù hợp. Tôi tin rằng trong các chỉ số về dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn, dư nợ tiết kiệm của người trưởng thành, hiểu biết và năng lực tài chính… mà Chiến lược hướng tới đều có sự đóng góp của TCVM nói chung và TYM nói riêng.
Đến 30/9/2021, địa bàn hoạt động của TYM gồm 751 xã thuộc 78 huyện tại 12 tỉnh/thành phố. Số lượng khách hàng đạt gần 180.000; dư nợ vốn đạt 2.007 tỷ đồng; dư tiết kiệm đạt 1.852 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả đạt trên 99,9%.
PV: Như bà mới đề cập, đối tượng phục vụ của TYM chủ yếu là phụ nữ, trong đó TYM đặc biệt quan tâm tới nhóm phụ nữ nghèo, yếu thế ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bà có thể chia sẻ về những nỗ lực của TYM trong việc hỗ trợ các nhóm này phát triển trong suốt gần 30 năm qua?
Trải qua gần 3 thập kỷ, TYM vẫn luôn kiên định với sứ mệnh đồng hành cùng sự phát triển của phụ nữ Việt Nam thông qua việc cung cấp các sản phẩm TCVM phù hợp, an toàn, thuận tiện và có trách nhiệm.100% khách hàng của TYM là phụ nữ, được chia thành các nhóm, gồm (i) khách hàng yếu thế gồm phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nhiễm HIV hoặc có người thân nhiễm HIV, (ii) khách hàng cận nghèo, (iii) khách hàng thu nhập thấp, và (iv) khách hàng doanh nghiệp vi mô.
Các sản phẩm tín dụng của TYM theo đó được thiết kế đa dạng phù hợp với từng nhóm. Với đặc thù của đối tượng khách hàng mục tiêu, TYM thực hiện mô hình phục vụ tận nơi, đồng thời áp dụng hình thức hoàn trả dần định kỳ hàng tháng, hàng tuần phù hợp với dòng tiền của từng nhóm. Các khoản vay của TYM đều không yêu cầu tài sản thế chấp, từ đó khách hàng có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Với nhóm phụ nữ yếu thế, TYM thiết kế sản phẩm với lãi suất vay ưu đãi, đồng thời quan tâm tới việc nâng cao năng lực và ưu tiên hỗ trợ các chương trình an sinh. Nhóm khách hàng doanh nghiệp vi mô thì được tiếp cận vốn với mức lên tới 100 triệu đồng. Bên cạnh sản phẩm vốn vay, sản phẩm tiết kiệm cũng được TYM thiết kế linh hoạt và phù hợp, cho phép gửi từ khoản tiền rất nhỏ (5.000đ/lần) giúp khách hàng xây dựng thói quen tiết kiệm đồng thời góp phần tích luỹ tài sản cho gia đình. Cùng với đó, các hoạt động gia tăng giá trị cho khách hàng và cộng đồng được TYM thực hiện thường xuyên và là công cụ quan trọng hỗ trợ khách hàng phát triển một cách toàn diện.
Qua gần 30 năm hoạt động, TYM đã hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ thoát nghèo bền vững và trở thành doanh nhân vi mô, trong đó có 93 chị được trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi-Việt Nam, 01 chị được trao giải Doanh nhân vi mô toàn cầu. Trong 2 năm gần đây, TYM tăng cường hỗ trợ các khách hàng tham gia cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025". Kết quả đạt được, trong 2 năm 2020 và 2021, đã có 45 thành viên được TYM hỗ trợ tham gia, trong đó 7 thành viên đã đạt giải với tổng giá trị giải thưởng lên tới 730 triệu đồng.
Thứ nhất, lợi thế và là điểm khác biệt lớn nhất mà TYM có được đó là TYM là đơn vị trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, do đó TYM nhận được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp ở địa phương nơi có TYM hoạt động. Vì thế, hoạt động của TYM được triển khai chặt chẽ, bài bản, đảm bảo được sự an toàn và đặc biệt nhận được sự tin tưởng của chị em nói riêng và nhân dân nói chung.
Thứ hai, TYM có bề dày lịch sử trong gần 30 năm hoạt động, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, tạo dựng được uy tín và vị thế của mình trong ngành TCVM.
Thứ ba, TYM có tài sản vô giá là đội ngũ gần 600 cán bộ giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, tận tâm và trung thành với sự mệnh của tổ chức.
Về khó khăn, khó khăn lớn nhất là vấn đề về nguồn lực tài chính và trình độ năng lực của tổ chức trong việc mở rộng tiếp cận khách hàng thông qua các kênh phân phối dựa trên công nghệ. TYM cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ trong nước, nên hạn chế về nguồn vốn hoạt động. Đặc biệt, việc mở rộng đối tượng khách hàng của TYM cũng là một thách thức khi khái niệm "cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp" quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng chưa được quy định cụ thể tại các văn bản hướng dẫn thi hành.
PV:Bà có thể cho biết, từ thời điểm chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được phê duyệt, TYM đã có kế hoạch như thế nào để góp phần thực hiện chiến lược?
TYM đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, TYM đã triển khai một số hoạt động lớn.
Hiện tại TYM đã hoàn thành việc triển khai phần mềm ngân hàng lõi. Với dấu ấn này, TYM trở thành tổ chức TCVM đầu tiên tại Việt Nam thực hiện xây dựng và triển khai phần mềm ngân hàng lõi, tạo tiền đề tiến tới ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong tương lai gần. Nhằm giúp khách hàng sớm tiếp cận với dịch vụ tài chính số, trong năm 2020-2021, TYM đã chú trọng đào tạo cho khách hàng biết và sử dụng một số ứng dụng công nghệ số đơn giản, cung cấp các thông tin về dịch vụ tài chính số và định hướng dần cho chị em sử dụng các dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ.
Bên cạnh đó, TYM không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hiện có và nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ mới nhằm hỗ trợ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu từng nhóm khách hàng. Mới đây nhất trong tháng 9/2021 TYM đưa ra 2 sản phẩm mới gồm vốn hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và vốn tạo việc làm với nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ chị em phục hồi sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
PV: Để phát huy vai trò của TYM trong việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, TYM có đề xuất gì với các cơ quan ban hành chính sách?
Để các tổ chức TCVM nói chung và TYM nói riêng đóng góp tích cực hơn nữa vào Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các tổ chức, chương trình, dự án TCVM hoạt động và phát triển một cách thuận lợi. Thứ nhất, chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét việc sửa đổi Thông tư 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 quy định về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô theo hướng mở rộng đối tượng khách hàng TCVM đã được xác định trong Luật các tổ chức tín dụng, tức là có bao gồm nhóm khách hàng cá nhân, hộ gia đình thu nhập thấp. Thứ hai, chúng tôi tha thiết đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và cho phép các tổ chức TCVM đủ điều kiện được phép thực hiện nghiệp vụ mở tài khoản thanh toán cho khách hàng. Thứ ba, chúng tôi hi vọng Chính phủ sớm có cơ chế để các tổ chức, chương trình, dự án TCVM được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ trong nước đúng như giải pháp đã được nêu tại Chiến lược.
Chúng tôi tin tưởng rằng với khung luật pháp, chính sách tạo điều kiện cho sự phát triển của TCVM và với sự quyết tâm, nỗ lực, năng động của tổ chức, các tổ chức TCVM nói chung và TYM nói riêng sẽ phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
PV: Xin cám ơn bà về những chia sẻ này!