Nguy kịch do gà mổ vào đầu gối, lợn đạp vào chân

16/10/2017 - 19:20
Trong lúc cho gà ăn, bệnh nhân bị gà mổ vào đầu gối. Sau 10 ngày, bệnh nhân bị co giât, co cứng cơ thể. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván.
Ngày 16/10, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết, BV đang điều trị cho bệnh nhân N.V.M 48 tuổi ở Hải Dương bị gà mổ dẫn đến uốn ván.

Bệnh nhân cho biết, trước đó có vào chuồng cho gà ăn. Bất ngờ, một con gà mổ vào đầu gối bệnh nhân. Sau 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm tăng dần rồi co cứng toàn thân. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị co giật nên gia đình nhanh chóng đưa đến BV Đa khoa Hải Dương. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị uốn ván nên chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi tại BV.

images.jpg
Trực khuẩn uốn ván
Cũng tại khoa Cấp cứu của BV, các bác sĩ đang đang điều trị cho bệnh nhân L.V.N. (47 tuổi, ở Bắc Ninh) bị uốn ván do lợn đạp vào chân. Trước đó, bệnh nhân vào chuồng chăm lợn. Trong lúc không để ý, một con lợn đạp vào chân bệnh nhân gây xước da nhỏ. Vết thương nhiễm trùng sưng nề, chảy mủ vài ngày rồi tự lành sẹo.

Tuy nhiên, sau 10 ngày, bệnh nhân bị co giật, co cứng toàn thân nên được gia đình đưa đến cơ sở y tế cấp cứu rồi chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới TƯ.

Theo bác sĩ Cấp, bệnh nhân được chuyển tới trong tình trạng co cứng, co giật toàn thân, phải mổ mở khí quản thở máy, dùng thuốc chống co giật liều cao.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, uốn ván là một bệnh cấp tính do khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Trực khẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là trong ruột các đại gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò... Trực khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn.
 
Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 21 ngày, cũng có thể lên tới vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí của vết thương.

Khi bị uốn ván, bệnh nhân có các triệu chứng là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và cơ thân. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng như tắc đường thở; ứ nước tiểu và táo bón, suy tim. Trường hợp cấp cứu mượn sẽ dẫn tới tử vong.

Cũng theo ông Phu, bệnh hoàn toàn có thể phòng được bằng miễn dịch chủ động. Theo đó, tiêm chủng cho trẻ em vaccine: Bạch hầu, ho gà, uốn ván (DTP). Đối với người lớn, chưa tiêm phòng lúc trẻ, cần tiêm phòng giảm độc tố uốn ván 2 liều cách nhau 4 - 5 tuần và nhắc lại một liều sau 6 đến 12 tháng. Các liều nhắc lại về sau là 10 năm/lần hoặc khi bị thương mà chưa được tiêm nhắc lại trên 5 năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm