pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguyễn Linh Na - cô gái Mường tạo nên những kỳ tích ở môn điền kinh
Vận động viên 7 môn phối hợp Nguyễn Linh Na
Trong thành tích chung, đóng góp của các vận động viên (VĐV) người dân tộc thiểu số là rất lớn với nhiều lần mang về vinh quang cho thể thao Việt Nam, trong đó phải nói đến các tuyển thủ điền kinh người dân tộc Mường. Người Mường dường như có tốc độ tốt hơn bởi rất nhiều vận động viên có thành tích cao trong điền kinh là người dân tộc Mường, chẳng hạn như Quách Công Lịch, Quách Thị Lan. Nguyễn Linh Na cũng là một người con của bản Mường, với một tinh thần, ý chí tuyệt vời.
Nữ vận động viên sinh năm 1997 là người Mường, quê gốc tại tỉnh Hòa Bình. Hiện Linh Na đang thi đấu cho đoàn Quân đội, cô cũng đã là quân nhân với quân hàm trung úy. Linh Na đến với điền kinh năm cô 14 tuổi, với những bước chạy đầu tiên trên những con đèo dốc gần nhà. Những bước chân ấy là khởi đầu cho một kỳ tích của thể thao Việt Nam về sau.
Trong các nội dung thi đấu điền kinh, 10 môn phối hợp dành cho VĐV nam và 7 môn phối hợp dành cho VĐV nữ là 2 nội dung được mệnh danh là khắc nghiệt nhất. Với nội dung 7 môn phối hợp, nữ VĐV sẽ phải trải qua 7 nội dung thi rồi tính điểm cộng, bao gồm các nội dung 100 mét rào, nhảy cao, đẩy tạ, chạy 200m, nhảy xa, ném lao và chạy 800m. Do vô cùng khắc nghiệt trong thi đấu nên các VĐV phải rèn luyện vất vả, có thể lực, sức chịu đựng tốt và cả tâm lý vững vàng. Những tấm huy chương ở nội dung 7 và 10 môn phối hợp luôn được coi là danh giá nhất trong điền kinh.
SEA Games 31 năm 2022 trên sân nhà, sau những bước chạy mạnh mẽ cuối cùng của Nguyễn Linh Na trên sân Mỹ Đình được hoàn tất, khi nữ VĐV này cầm cờ chạy quanh sân ăn mừng, toàn bộ đồng đội của cô, các phóng viên, đông đảo người hâm mộ cổ vũ trực tiếp lẫn xem qua các nền tảng truyền thông đều vỡ òa cảm xúc. Bố mẹ của Linh Na đã đến sân cổ vũ cho con gái mình, và những giọt nước mắt đã rơi.
Tấm huy chương vàng 7 môn phối hợp của tuyển thủ Linh Na được coi như 1 cơn địa chấn. Linh Na không phải người dẫn đầu ở tất cả các nội dung, nhưng thi đấu ổn định nhất và có tổng số điểm cao nhất, đánh bại 2 đối thủ rất mạnh ở nội dung này người Philippines và Malaysia.
Tấm huy chương vàng 7 môn phối hợp của Nguyễn Linh Na là niềm tự hào lớn, điền kinh Việt Nam luôn có vị trí cao ở các đại hội thể thao khu vực nhưng hiếm khi có HCV ở nội dung này. Người thầy của Linh Na là VĐV Vũ Văn Huyện - người được coi là kỷ lục gia Việt Nam ở nội dung 10 môn phối hợp. HLV Vũ Văn Huyện cũng phải bất ngờ với thành tích mà học trò đã giành được. Năm 2020, Linh Na từng bị hoại tử chân và phải mổ. Để trở lại được và giành được tấm HCV SEA Games là hành trình đầy mạnh mẽ của Linh Na.
Nếu như tấm huy chương vàng SEA Games 31 của Linh Na được coi là "cơn địa chấn", và điều tuyệt vời đó lại được cô gái Mường lặp lại 1 lần nữa ở SEA Games 32. 7 môn phối hợp vẫn tiếp tục là sự cạnh tranh khắc nghiệt, và nữ tuyển thủ điền kinh Việt Nam lại là người có số điểm cao nhất.
Để tập trung cho mục tiêu bảo vệ thành tích, Linh Na đã hoãn làm đám cưới. Bạn trai của cô cũng là 1 quân nhân. Hai người đã có một tình yêu đẹp và bền bỉ, luôn bên cạnh động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. "Bông hồng thép của điền kinh Việt Nam" là biệt danh của nữ VĐV này.
Mạnh mẽ trên đường chạy, ngoài đời, cô gái xứ Mường vẫn đầy duyên dáng. Tinh thần, ý chí, những nỗ lực của Nguyễn Linh Na khiến cô rất được cộng đồng người hâm mộ thể thao yêu mến. Hiện đang tập luyện, Nguyễn Linh Na chia sẻ: "Tôi luôn cố gắng luyện tập để có được những thành tích tốt nhất. Hiện nay, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được cải thiện rất nhiều về mọi mặt.
Điều tôi mong muốn là ngoài việc có điều kiện học tập tốt, vươn lên trong học tập, các em nhỏ ở khắp mọi miền, trong đó có các em nhỏ miền núi sẽ có điều kiện luyện tập thể thao nhiều hơn, mạnh khỏe hơn. Đặc biệt là các em bé gái, sẽ mạnh mẽ để vươn đến những ước mơ của cuộc đời mình".