Nhà mạng không đủ 70% thuê bao chuyển mạng thành công sẽ không đạt chỉ tiêu kỹ thuật

20/09/2019 - 13:21
Theo thống kê từ Cục Viễn thông, trong nửa đầu tháng 9/2019, tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công giữa các nhà mạng chỉ đạt từ 50 - 60%.
Cụ thể, số liệu thống kê từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) vừa công bố cho thấy, từ ngày 1 đến 16/9/2019, số thuê bao chuyển đến thành công của nhà mạng Mobifone đạt 50,3%, nhà mạng VinaPhone đạt 50,2%, nhà mạng Viettel đạt 61%, trong khi số thuê bao chuyển đi thành công của nhà mạng Mobifone đạt 55,8%, mạng VinaPhone đạt 68,4%, nhà mạng Viettel chỉ đạt 45,4%.
 
Tính cả giai đoạn (từ khi thực hiện dịch vụ chuyển mạng giữ số - tháng 11/2018 đến nay), trong 3 nhà mạng lớn gồm VinaPhone, Viettel, Mobifone, thì nhà mạng Viettel có số thuê bao chuyển đến nhiều nhất nhưng cũng là nhà mạng có số thuê bao chuyển đi nhiều nhất (thuê bao chuyển đến: 487.628, thuê bao chuyển đi: 464.693). Tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công đạt 78,3%, thuê bao chuyển đi thành công đạt 84,8%.
 
 
add2.jpg
Trong nửa đầu tháng 9/2019, tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công giữa các nhà mạng chỉ đạt từ 50 - 60%.

 

Nhà mạng Mobifone có thuê bao chuyển đến ít nhất (175.261), nhưng có thuê bao chuyển đi ít nhất trong 3 nhà mạng (205.680). Tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công đạt 83,7%, thuê bao chuyển đi thành công đạt 75,4%.
 
Tính đến hết tháng 6/2019, Việt Nam có khoảng 134,5 triệu thuê bao di động, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018.
 
Theo đánh giá của Cục Viễn thông, việc triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số lúc đầu gặp nhiều khó khăn, do thời gian chuyển mạng kéo dài, nhiều thuê bao yêu cầu chuyển nhiều lần nhưng không được, điều kiện chuyển mạng chưa rõ ràng, doanh nghiệp gây khó dễ cho chủ các thuê bao đăng ký chuyển mạng. Đặc biệt, chính sách khoán và giảm lương nhân viên nếu để mất thuê bao đã dẫn đến tình trạng nhân viên của một số nhà mạng phải chịu áp lực và gây khó dễ cho các thuê bao chuyển đi.
 
Trước tình trạng này, Bộ TT&TT đã quy định chỉ tiêu kỹ thuật về chuyển mạng giữ số là 70% yêu cầu chuyển mạng phải được thực hiện thành công. Nhà mạng nào không đủ 70% thuê bao chuyển mạng thành công sẽ không đạt chỉ tiêu kỹ thuật. Khi đó, Bộ sẽ tiến hành thanh tra doanh nghiệp.
 
Hiện nay, tỷ lệ chuyển mạng thành công của các nhà mạng đã đạt trên 70%. Riêng nhà mạng Vietnamobile (1 trong 4 nhà mạng thực hiện dịch vụ chuyển mạng giữ số) có tỷ lệ chuyển mạng thành công vẫn ở mức rất thấp (khoảng 20% thuê bao chuyển đến, 60,5% thuê bao chuyển đi).
 
Trước đó, cũng theo báo cáo của Cục Viễn thông, 3 nhà mạng VNPT, Mobifone, Viettel đều giải quyết được 100% các khiếu nại liên quan đến chuyển mạng giữ số. Tuy nhiên, tỷ lệ này với Vietnamobile chỉ đạt 77%.
 
Đối với khách hàng, việc cho phép các mạng di động trong nước triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số mang lại nhiều lợi ích. Khách hàng có quyền lựa chọn nhà mạng mình muốn mà không bị ràng buộc bởi việc phải giữ số điện thoại.
 
Trong khi đó các nhà mạng lại phải cạnh tranh về gói cước, chất lượng dịch vụ. Cuộc đua giữ khách cũ và thu hút thêm thuê bao từ mạng khác đã nóng từ những ngày cung cấp dịch vụ đầu tiên.
 
Không ít thuê bao trong những ngày đầu tiên của chuyển mạng giữ số đã bị nhà mạng mình đang sử dụng từ chối chuyển đi vì một lý do “khó hiểu” nào đó. Sau khi từ chối chuyển đi, thuê bao thường được nhà mạng của mình gọi điện tìm hiểu lý do vì sao muốn chuyển đi và đề nghị cung cấp cho khách hàng gói cước hấp dẫn hơn của nhà mạng kia.
 
Sau khi khách hàng chấp nhận gói cước, thuê bao của khách thường mặc định tham gia chương trình khuyến mại gói với thời gian cam kết sử dụng tới vài năm. Như vậy, trong vài năm sau, muốn chuyển đi cũng không được chấp nhận theo quy định.
 
Còn khách hàng cũng hiểu được mục tiêu cần giữ khách cũ của nhà mạng nên đã xuất hiện nhiều trường hợp khách hàng chủ động gọi điện lên tổng đài của mạng, chủ động yêu cầu cung cấp gói cước nếu không sẽ chuyển đi. Khi đó nhà mạng thường chấp nhận yêu cầu.
 
Việt Nam đang có gần 134 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Việc có thêm thuê bao mới đang ngày một khó với các nhà mạng và làm thế nào để giữ được thuê bao đang hoạt động sẽ khiến các mạng cạnh tranh gay gắt hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm