Nhạc sĩ Đinh Phương Anh: Thấy tủi thân vì ‘định kiến giới’ trong âm nhạc

05/03/2019 - 20:30
Đôi khi nữ nhạc sĩ không được những người thân của mình ủng hộ bởi định kiến giới, hay bởi sự khó khăn của nghề…” – Đinh Phương Anh – một trong những nữ nhạc sĩ hiếm hoi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ.

Năm 2018 vừa qua là một năm hoạt động âm nhạc khá sôi động với nhạc sĩ – ca sĩ Đinh Phương Anh với những chuyến lưu diễn, biểu diễn trong và ngoài nước, với công tác đào tạo giảng dạy âm nhạc. Tuy vậy, gần như tháng nào Phương Anh cũng có những sáng tác mới thuộc nhiều mảng khác nhau như dân ca dân tộc thiểu số, cho đến nhạc đỏ, nhạc trữ tình, nhạc Bolero, nhạc thiếu nhi… Trong đó, có thể kể đến các ca khúc: Về Na Rì hôm nay, Em là mùa xuân của anh, Hãy chọn Đức Thuận, Món quà của anh, Duyên phận, Xanh như bầu trời, Yêu em bốn mùa, Bắc cầu yêu thương…

PNVN đã có dịp trò chuyện với nhạc sĩ Đinh Phương Anh:

3.jpg
Đinh Phương Anh là nữ nhạc sĩ hiếm hoi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam
 

PV: Chị đã có một năm bận rộn với âm nhạc như vậy, nhưng tại sao vẫn tiếp tục thử sức ở lĩnh vực mới?

Đinh Phương Anh: Sự thật là nhạc sĩ thành danh đã là rất khó, rất ít, nhưng thành danh rồi sống được bằng nghề  cũng lại còn khó hơn. Vì thế đa số các nhạc sĩ muốn được làm nghề thì thường lại phải mở thêm một công việc khác để có nguồn thu đặng còn duy trì được những đam mê và khát vọng của mình và Phương Anh cũng nằm trong số các nhạc sĩ này.

PV: Chị có thể cho biết những khó khăn vất vả của những nhạc sĩ “hai tay” này?

Đinh Phương Anh: Công việc của nhạc sĩ sáng tác thường đã là công việc khá khó khăn rồi. Sáng tác âm nhạc luôn đòi hỏi yếu tố mới để tránh rập khuôn, lại còn phải khắc họa được cuộc sống muôn màu, muôn vẻ. Nếu như họa sĩ có thể có cả dải mầu hàng triệu mức khác nhau và cũng có thể có độ phân dải hàng triệu điểm ảnh thì với nhạc sĩ, chúng tôi chỉ có 7 điểm, 7 nốt nhạc mà phải gói gém được tất cả cá cung bậc sắc thái của tình cảm con người: yêu thương, giận hờn, buồn vui, bi tráng, hào sảng… Trong khi đó, các cung bậc của tình cảm vốn dĩ lại hết sức là trừu tượng, khó nắm bắt.

Nhưng đó mới chỉ là khó khăn ban đầu. Khi đứa con tinh thần được viết thành những bản nhạc, nhạc sĩ phải tốn nhiều công sức nữa để nuôi dưỡng nó, thuê làm nhạc ít cũng từ 3 đến 15 triệu. Nếu muốn được các ca sĩ có tên tuổi thể hiện thì cũng phải đầu tư từ 20 cho đến cả 100 triệu chỉ để thu hát một ca khúc…

Khó khăn cuối cùng là làm sao cho đứa con của mình được sống trong lòng khán giả. Ngày này câu chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” không hoàn toàn đúng nữa, bởi bây giờ với sự bùng nổ của internet thì hương sắc đã có quá nhiều và cái “nhiên hương” đó dễ dàng bị nhấn chìm trong biển thông tin của mạng xã hội và media. Muốn một điều gì đó lan tỏa thông thường phải có cả một chiến dịch truyền thông, và chiến dịch như vậy thì có khi cả tiền tỷ đôi khi cũng chỉ như muối bỏ bể.

PV: Thế còn đối với các nữ nhạc sĩ, họ có những khó khăn gì thêm khi làm nghề?

Đinh Phương Anh: Bên cạnh những khó khăn vất vả như đã kể trên thì những nữ nhạc sĩ cũng có những khó khăn đặc thù của mình. Trước hết đó là thiên chức của phụ nữ, là chợ búa cơm nước, là chăm sóc mọi việc lớn nhỏ cho gia đình, cho con cái… Những việc này tiêu tốn khá nhiều thời gian sức lực của họ, và nhiều khi nó làm các dòng chảy âm nhạc, các dòng cảm xúc bị đứt mạch bởi phải ngắt giữa chừng để làm các công việc khác. Tiếp theo là người phụ nữ, không phải ai cũng dám quyết liệt, dốc hết những gì mình có để đầu tư cho một dự án đam mê nào đó như các nam nhạc sĩ. Và nữa, đôi khi nữ nhạc sĩ còn không được những người thân của mình ủng hộ bởi định kiến giới, hay bởi sự khó khăn của nghề…

4.jpg
Cùng với sáng tác, Đinh Phương Anh còn sở hữu giọng hát ngọt ngào
 

PV: Khó khăn vất vả là vậy, sao chị vẫn không từ bỏ con đường của mình?

Đinh Phương Anh: Với tôi, âm nhạc là duyên và phận. Nó đã theo tôi từ lúc 5 tuổi, đi với tôi trong phần lớn cuộc sống, tôi cũng trải nghiệm với nó rất nhiều, từ đàn, hát, sáng tác và giảng dạy… Tôi không thể ngừng nghỉ vì âm nhạc chính là hơi thở, là cuộc sống của mình.

PV: Dự định tiếp theo của chị trong con đường âm nhạc của mình là gì?

Đinh Phương Anh: Là nhạc sĩ ai cũng muốn sống được bằng nghề, và những đứa con tinh thần của mình được sống mãi trong công chúng, những giai điệu của mình còn được vang mãi trong lòng khán giả.

Còn dự định trước mắt, tôi sẽ tập trung vào mảng ca khúc cho thiếu niên, thiếu nhi. Hiện nay đang rất thiếu những ca khúc cho lứa tuổi này, các bài hát hay thì đa số đều đã cũ vài chục năm và đôi khi nó không còn được phù hợp với hơi thở cuộc sống hôm nay. Tiếp theo tôi sẽ có dự định in tuyển tập ca khúc và một đêm nhạc của riêng mình trong thời gian không xa.

Cảm ơn chị đã tham gia chia sẻ những suy nghĩ của mình với độc giả và chúc chị nhân ngày 8/3 luôn xinh đẹp, thành công và hạnh phúc.  

Đinh Phương Anh là một trong những nữ nhạc sĩ hiếm hoi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Chị từng giành nhiều giải thưởng về sáng tác ca khúc, trong đó có giải C của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016 với ca khúc Hà Nội trong mơ. Cùng với khả năng sáng tác, chị có thể chơi nhiều nhạc cụ như piano, guitar, organ, violon, đàn tơ-rưng… Bên cạnh đó, chị còn sở hữu giọng ca ngọt ngào, từng giành HCV cuộc thi Tiếng hát Học sinh - Sinh viên toàn quốc năm 1994. Vì thế, chị thường là người thể hiện các ca khúc do chính mình sáng tác trên sóng truyền hình hay ở các sân khấu lớn nhỏ.

Nghe ca khúc "Chỉ còn tiếng yêu" do Đinh Phương Anh sáng tác và thể hiện:

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm