Nhận diện những đối tượng có thể hành hung bác sĩ

27/09/2017 - 17:33
Ba đối tượng có thể gây bạo hành với cán bộ y tế là chính bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các băng nhóm có xảy ra mâu thuẫn, xô xát, rồi cùng đưa vào BV để chữa, bác sĩ Trần Ngọc Cường chia sẻ.
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ hành hung nhân viên y tế, thậm chí một bảo vệ của BV đã bị hành hung đến tử vong khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, trong số các vụ việc trên, chỉ có một vụ hành hung bác sĩ ở BV Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) bị đưa ra xử lý.

Bác sĩ Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông cho biết, tại BV, khoa Cấp cứu là điểm nóng nhất. Tại đây, mỗi ca trực nhân viên y tế phải tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân và người nhà. Hầu hết trường hợp đưa vào khoa đều nặng nên ai cũng muốn được quan tâm. Vì thế, đa phần vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra tại khu vực này. Từ thực tiễn, bác sĩ Cường cho rằng, có ba đối tượng có thể gây bạo hành với cán bộ y tế là chính bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các băng nhóm có xảy ra mâu thuẫn, xô xát, rồi cùng đưa vào BV để chữa.

Cũng theo bác sĩ Cường, việc bạo hành thường xảy ra với một số y, bác sĩ còn thiếu kinh nghiệm ứng xử, chưa tinh tế để thuyết phục người nhà bệnh nhân… Như BV Đa khoa Hà Đông là bệnh viện tuyến thành phố nhưng lại gần BV TƯ. Vì vậy, nhiều trường hợp vào vào đến nơi đã đòi chuyển viện. Nhưng không phải trường hợp nào cũng chuyển viện được, vì BV đã được phân cấp để điều trị. Nhiều người vì thế cũng bức xúc.

bacsibihanhhunggpbx-1493366985.jpg
Liên tục xảy ra các vụ nhân viên y tế bị hành hung

Bác sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho rằng, bạo hành y tế là vấn đề toàn cầu và có nhiều nguyên nhân. Ví như tình trạng thiếu nhân lực, một bác sĩ phải khám và điều trị cho vài chục người bệnh một ngày. Tiếp nữa là thủ tục khám rườm rà của bảo hiểm y tế, chính cán bộ y tế lại là người phải hứng chịu những vấn đề thuộc về lỗi này.

Còn theo bác sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, nguyên nhân dẫn đến bạo hành y tế là nhận thức và văn hóa ứng xử của cả nhân viên y tế và người nhà là không đẹp. Ngoài ra, cơ sở vật chất của các cơ sở y tế vẫn còn khó khăn, trong khi đó mong muốn của người bệnh là được điều trị nhanh hơn. Đối tượng phục vụ của nhân viên y tế hết sức đa dạng. Nhân viên y tế phải làm quá sức, thêm giờ, nên hết sức mệt mỏi. Khi xảy ra những vụ việc như vậy, nhân viên y tế là người yếu thế, họ chẳng có gì trong tay. Hơn nữa, hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có những chế tài đủ sức để răn đe. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, để tạo ra dư luận lên án mạnh mẽ hành vi chưa đúng.

Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng   

Để hạn chế tình trạng bạo hành nhân viên y tế, bác sĩ Trần Ngọc Cường cho rằng, trong quá trình hành nghề, ngoài việc khám chữa bệnh cứu giúp người bệnh thì đội ngũ cán bộ y tế còn phải có những chương trình học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Đội ngũ cán bộ y tế cũng phải luôn trau dồi kiến thức, chuyên môn, để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp, như xây dựng kế hoạch hợp tác với Bộ Công an; Bộ cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần có những kế hoạch cụ thể, để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý trường hợp bạo hành nhân viên y tế. Bộ Y tế cũng đang xây dựng hướng dẫn cho nhân viên y tế trong việc phòng và xử trí các nguy cơ bị bạo hành; xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự trong BV.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị các BV lắp đặt hệ thống camera an ninh báo động khẩn cấp. Đối với lực lượng bảo vệ BV, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an trang bị công cụ hỗ trợ…

Bác sĩ Thái cũng cho rằng, nhân viên y tế và bác sĩ, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định, phải trau rồi nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật. Bên cạnh đó, y bác sĩ phải rèn luyện, trau rồi kỹ năng thái độ ứng xử phù hợp, chuyên nghiệp đối với người nhà bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Đức Mục, nếu chỉ có ngành y tế vào cuộc, thay đổi một chiều hành vi của cán bộ y tế, chắc chắn việc ngăn chặn bạo hành y tế sẽ không thành công. Ngay cả những quốc gia có hệ thống pháp lý đầy đủ để phòng chống bạo hành y tế, điều này cũng vẫn xảy ra. Vì thế, cần sự vào cuộc của các ban ngành chức năng và cộng đồng. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm