Nhật Bản: Nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển nữ sinh trong lĩnh vực STEM

Kim Ngọc
08/07/2024 - 15:03
Nhật Bản: Nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển nữ sinh trong lĩnh vực STEM

Ảnh minh họa

Các viên chức của Đại học Công nghệ Niigata và Đại học Miyazaki cho biết, việc áp dụng chính sách tuyển sinh mới cũng xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng đối với các nhà nghiên cứu là nữ và tuyển dụng chuyên gia công nghệ là nữ.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới trong tuyển sinh

Theo nghiên cứu do Quỹ Yamada Shintaro D&I thực hiện, có 40 trường đại học Nhật Bản đã đặt chỉ tiêu tuyển sinh viên nữ trong lĩnh vực STEM, với 700 chỉ tiêu. Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn đại diện của 24 trường đại học và phát hiện rằng, 16 trường đã đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh viên nữ cho năm học mới vào tháng 4 này. Ngoài ra, có 7 trường đã áp dụng chỉ tiêu trước đó. 

Một trong những trường lần đầu tiên thực hiện chính sách này trong năm nay là Đại học Công nghệ Tokyo. Tổng cộng có 143 chỉ tiêu sẽ được dành cho sinh viên nữ, tương đương khoảng 14% tổng số sinh viên của trường. Trong những năm qua, Đại học Công nghệ Tokyo đã tổ chức các buổi diễn thuyết và cử nhân viên đến nhiều trường trung học để thu hút học sinh nữ và thu hẹp khoảng cách giới trong tuyển sinh. Nhưng nỗ lực này không đạt được kết quả như mong đợi. Theo Jun-ichi Imura, Phó Chủ tịch điều hành Đại học Công nghệ Tokyo, tỷ lệ nữ sinh vẫn giữ nguyên như trước.

Sự gia tăng số trường đại học áp dụng chỉ tiêu về giới tính trong công tác tuyển sinh được cho là thực hiện hướng dẫn tuyển sinh của Bộ Giáo dục nước này năm 2023. Trong đó nhấn mạnh việc "bao gồm những sinh viên có nền tảng đa dạng", đặc biệt chú trọng đến sự tham gia của nữ giới trong các lĩnh vực STEM.

Đại diện đến từ Đại học Công nghệ Kitami ở Hokkaido và Đại học Công nghệ Shibaura ở Tokyo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự đa dạng vì sự tiến bộ xã hội. Các viên chức của Đại học Công nghệ Niigata và Đại học Miyazaki cho biết, việc áp dụng chính sách tuyển sinh mới cũng xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng đối với các nhà nghiên cứu là nữ và tuyển dụng chuyên gia công nghệ là nữ.

Vẫn còn định kiến giới trong STEM

Theo thống kê trong năm tài chính 2023, nữ sinh chiếm 46% tổng số sinh viên đại học ở Nhật Bản. Tuy nhiên, trong ngành khoa học, tỷ lệ này chỉ là 28% và ngành kỹ thuật là 16%. Việc thiếu phụ nữ trong lĩnh vực khoa học là một vấn đề phổ biến ở Nhật Bản. Năm 2019, quốc gia này có tỷ lệ nữ sinh tốt nghiệp các lĩnh vực STEM thấp nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích các trường đại học tuyển sinh thêm sinh viên nữ ở các lĩnh vực STEM. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 5/2022, Hội đồng Sáng tạo Giáo dục Tương lai, do Thủ tướng Fumio Kishida làm Chủ tịch, đã kêu gọi phấn đấu tăng tỷ lệ nữ sinh viên ngành khoa học lên khoảng 30% vào năm 2032.

Akiko Morozumi, giáo sư tại Đại học Tokyo, cho biết: "Các trường đại học đã nỗ lực tăng số lượng sinh viên nữ bằng cách thiết kế lớp học và cung cấp chương trình học bổng nhưng những nỗ lực này không mang lại kết quả tương xứng. Đó là lý do tại sao họ đang có những hành động quyết liệt hơn".

Các chuyên gia cho rằng, sự thiếu đại diện của phụ nữ Nhật Bản trong lĩnh vực khoa học là do định kiến năng lực của phụ nữ trong lĩnh vực này kém hơn nam giới, dẫn đến nhiều người chán nản, không muốn theo đuổi. Tuy nhiên, một báo cáo năm 2016 của Ngân hàng Phát triển Nhật Bản cho thấy, bằng sáng chế do các nhóm có thành viên nữ phát triển thì có giá trị kinh tế gấp khoảng 1,4 lần so với các bằng sáng chế do các nhóm toàn nam giới phát triển. Ngoài ra, khảo sát vào năm 2022 của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của OECD dành cho học sinh 15 tuổi trên thế giới cho thấy, điểm trung bình môn Toán và Khoa học của nữ sinh Nhật Bản cao hơn nam sinh ở Anh và Mỹ. 

Bên cạnh đó, trẻ em gái Nhật Bản cũng đạt thành tích tốt trong học tập như trẻ em trai. "Những sinh viên nữ muốn theo đuổi lĩnh vực khoa học phải đối mặt với nhiều điều gây nản lòng ngay từ đầu. Điều các em cần là sự hỗ trợ để trở nên tự tin về mục tiêu học tập của mình", Hiromi Yokoyama, Giáo sư khoa học giao tiếp tại Đại học Tokyo, nói.

Nguồn: Japan Times, Asahi, Times Higher Education
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm