"Nhảy việc" sau Tết: Bài 1 - Doanh nghiệp gặp khó vì thiếu nhân lực

Hoàng Sa
01/03/2024 - 22:28
"Nhảy việc" sau Tết: Bài 1 - Doanh nghiệp gặp khó vì thiếu nhân lực

Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp “đau đầu” vì tình trạng nhân viên "nhảy việc” ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh.

Công nhân "nhảy việc" khiến doanh nghiệp gặp khó

Hàng năm, cứ sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp lại gặp phải tình trạng hao hụt nhân sự, nguyên nhân được cho là do nhân viên, người lao động “nhảy việc” đi làm ở chỗ khác. Điều này gây ảnh hưởng đáng kể tới quy trình vận hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chị Ngô Thị Huyền, quản lý một cơ sở sản xuất may mặc ở Thái Bình, chia sẻ: “Mới đầu năm đã nhận được tin xin nghỉ việc của 4 nhân viên, tôi rất nản với kiểu này, năm nào cũng vậy. Họ nghỉ việc sau Tết gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ sở sản xuất của chúng tôi, vì nó ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất. Giờ tìm người mới về thì lại phải mất thời gian để họ quen với dây chuyền và ekip làm việc”.

“Nhảy việc” sau Tết: Bài 1 -  Câu chuyện “đứng núi nọ trông núi kia” 
- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Còn bà Nguyễn Thị Miền, chủ 1 cơ sở sản xuất bao bì ở Hưng Yên, cho biết: “Tháng đầu năm nay, nhà tôi bị chậm hàng, chắc chắn sẽ bị đối tác phạt, điều này là do một số nhân công nghỉ việc, sau khi về ăn Tết họ không trở lại làm việc nữa. Trong khi đó, đơn hàng thì mình đã ký từ trong năm, giờ không kịp số lượng là bị phạt và còn ảnh hưởng đến uy tín công ty nữa".

"Một số công ty phải giữ lương của công nhân để chắc chắn rằng sau Tết họ sẽ quay trở lại làm việc tiếp, song chúng tôi không làm như thế, nên họ nghỉ việc cũng chỉ báo cho mình qua tin nhắn thôi. Việc xin nghỉ việc sau Tết Nguyên đán cũng diễn ra khá phổ biến nhưng năm nay thì cơ sở nhà tôi có tới 5 người nghỉ, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, bà Miền cho hay.

Công ty kinh doanh nội thất của chị Dương Thị Bình, ở Hà Nội, cũng gặp phải tình trạng “nhảy việc” đầu năm, đó là trường hợp nhân viên thiết kế và thợ kỹ thuật cùng rủ nhau nghỉ việc, khiến cho chị trở tay không kịp, bởi những công trình đang làm dang dở, giờ thiếu cả người thiết kế và nhân viên kỹ thuật cứng.

Chị Bình chia sẻ: “Năm qua làm ăn khá khó khăn nhưng công ty vẫn cố gắng lo thưởng Tết cho anh em, tuy không nhiều như mọi năm nhưng cũng có thể nói là đầy đủ. Thế mà mới mùng 6 Tết, tôi đã nhận tin nhắn xin nghỉ việc, khiến công ty bị ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ sản xuất kinh doanh”.

"Đứng núi này trông núi nọ”

Câu chuyện “nhảy việc” đầu năm diễn ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh và thường là diễn ra ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Phóng viên Báo PNVN đã đi tìm hiểu nguyên nhân về tình trạng này.

Chị Hoàng Thị Xuyến, nhân viên công ty may mặc ở Hưng Yên, cho biết: “Công nhân hay “nhảy việc” đầu năm, thường là khi về nghỉ Tết, họ gặp bạn bè rồi nói chuyện với nhau, so kè nơi này làm việc tốt, chế độ cao, lương cao, rồi rủ rê nhau. Thế là xin nghỉ để đi làm chỗ mới thôi. Kiểu "đứng núi nọ trông núi kia" nhưng khi đến nơi mới làm thì chưa chắc đã tốt hơn nơi cũ”.

"Có năm, công ty tôi có tới hàng chục người xin nghỉ việc ngay sau Tết, sau tìm hiểu ra thì mới biết họ đi làm cho công ty cùng lĩnh vực như chúng tôi, họ chuyển sang đấy là do bạn bè lôi kéo, được mấy tháng thì lại có người xin quay lại công ty tôi làm việc. Nên tình trạng nhân công cứ nhảy việc theo cảm tính như vậy, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó", chị Xuyến kể thêm.

“Nhảy việc” sau Tết: Bài 1 -  Câu chuyện “đứng núi nọ trông núi kia” 
- Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp phải tuyển dụng đầu năm vì tình trạng người lao động "nhảy việc" - Ảnh minh họa

Anh Đặng Văn Bình, chủ trang trại ở Hòa Bình, chia sẻ: “Nhiều người đi làm không xác định lâu dài, có khi về ăn Tết thấy bạn bè rủ đi làm chỗ nọ chỗ kia là lập tức nghỉ việc bên mình để đi làm theo bạn, lúc thấy không khả quan hơn thì xin quay lại. Có khi mình tìm đủ người rồi nên không thể nhận lại họ nữa, vậy nên tình trạng so sánh nơi làm việc, rồi “nhảy việc” đôi khi cũng khiến họ bị thiệt thòi, chứ không riêng gì doanh nghiệp”.

Nguyên nhân người lao động “nhảy việc” đầu năm, bởi thời điểm này thuận lợi để xin việc mới, còn nếu nghỉ việc vào dịp cuối năm thì họ sẽ mất hết thưởng Tết.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm