Nhiều lao động nữ “chạy đua” nghỉ hưu trước 2018

05/12/2017 - 07:05
Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về việc có giãn hay không thời gian áp dụng giảm tỷ lệ được hưởng lương hưu của lao động nữ từ 3% xuống 2%. Nhưng những ngày gần đây hàng loạt lao động nữ làm thủ tục “chạy đua” nghỉ hưu sớm trước ngày 1/1/2018.
Chị Nguyễn Thị H., ngụ tại quận Thủ Đức, TPHCM, từng làm việc hơn 20 năm cho một số doanh nghiệp và hiện là một trong những người có tay nghề cao tại một công ty may ở thị xã Dĩ An, Bình Dương. Ở tuổi ngoài 50, chị từng cố gắng “bám trụ” để vài năm nữa được hưởng chế độ hưu trí khi đến tuổi.

Thế nhưng, hiện giờ chị lại đang ráo riết “chạy đua” với thời gian để hoàn tất thủ tục nghỉ hưu sớm trước ngày 1/1/2018.

anh-trang-1.jpg
Người dân làm thủ tục Bảo hiểm xã hội tại TPHCM.

Chị cho biết: “Theo tính toán trước đây, khi nghỉ hưu, tôi sẽ được nhận khoảng 4 triệu đồng lương hưu mỗi tháng. Nếu chịu khó làm ăn để có thêm một khoản thu nhập thì cuộc sống cũng tạm ổn. Khi có thông tin lao động nữ nghỉ hưu sau ngày 1/1/2018 sẽ bị giảm lương hưu đến 10%, tôi thực sự lo lắng. 

Tôi có hỏi một số người am hiểu về chính sách bảo hiểm xã hội và được biết,  với cách tính lương hưu theo quy định mới, mỗi tháng lương hưu của tôi sẽ bị giảm khoảng 350.000 đồng so với quy định hiện hành.

Với nhiều người khác, khoản tiền đó không lớn nhưng với những lao động nghèo về hưu như chúng tôi, đó là cả một vấn đề - ít gì cũng bằng chi phí cho một tuần ăn uống, sinh hoạt. Vì vậy, tôi buộc phải quyết định xin nghỉ hưu sớm để “né” chính sách mới”.

Ông Phan Văn Đại, phụ trách nhân sự tại một doanh nghiệp ở quận 12, cho biết, ở công ty của ông có khoảng 70 lao động nữ, trong đó gần 10 người ở độ tuổi trên dưới 50, thời gian gần đây cũng đồng loạt xin nghỉ hưu, người thì viện lý do sức khỏe, người bảo do hoàn cảnh gia đình.

“Mấy tháng trước có thấy ai nói gì đâu, giờ lại cùng lúc xin nghỉ hết như vậy”, ông Đại băn khoăn. Việc nhiều lao động nữ có thâm niên cùng đồng loạt xin nghỉ hưu sớm khiến công ty lâm vào thế khó, bởi trước mắt họ chưa có lực lượng kế cận thay thế. Việc tuyển nhân sự mới vào thời điểm cuối năm lại càng khó.

“Thông thường, lao động nữ khó “trụ” được qua tuổi trên dưới 40, nên những người đã gắn bó tới khoảng 50 tuổi đều là những người có năng lực và sức khỏe, lại không thiếu tâm huyết.

Vì vậy, công ty cũng dự định sẽ sử dụng họ đến tuổi nghỉ hưu, thậm chí có thể ký tiếp hợp đồng sau khi họ “đến tuổi” nhưng bây giờ họ có nguyện vọng nghỉ hưu sớm, chúng tôi cũng buộc phải tạo điều kiện tốt nhất”, ông Đại chia sẻ.

Theo thông tin từ một số cơ quan chức năng, những ngày gần đây đã xuất hiện tình trạng gia tăng đột biến số người đi giám định sức khỏe để xin nghỉ hưu sớm. Có địa phương tăng gấp 3 lần so với thời gian trước đó. Qua tìm hiểu thực tế tại một số doanh nghiệp ở khu vực TPHCM và miền Đông Nam bộ, thông tin trên là có cơ sở.

Nghỉ hưu rồi lấy đâu ra tiền để tiếp tục đóng BHXH?

Theo quy định trước đây, lao động nữ đủ 55 tuổi, đóng BHXH được 25 năm khi về hưu sẽ được hưởng đủ 75%. Theo Điều 56, luật Bảo hiểm Xã hội 2014 quy định từ ngày 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 25 năm hưởng tối đa 69%, thay vì 75% như hiện nay.

anh-minh-hoa.jpg
Hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức về việc có giãn hay không thời gian áp dụng giảm tỷ lệ được hưởng lương hưu của lao động nữ từ 3% xuống 2%.  Ảnh minh họa

Như vậy, muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, lao động nữ phải đóng BHXH thêm 5 năm, nâng tổng số năm đóng BHXH là 30 năm. Do đó, người lao động nghỉ hưu trong năm 2018 mà chưa đủ 30 năm đóng BHXH sẽ bị giảm 4%-10% lương hưu so với cách tính cũ.

 
Chị Trần Thị Mai, 54 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM, đã đóng BHXH gần đủ 25 năm, nếu áp dụng theo quy đinh cũ thì sang năm 2018 chị về hưu và được hưởng 75% lương cơ bản. Thế nhưng, quy định mới buộc chị phải đóng thêm 5 năm nữa mới được hưởng lương hưu bằng 75%, còn nếu nghỉ hưu và không tiếp tục đóng BHXH thì chỉ được hưởng 69%.

“Khi mình đã nghỉ hưu, lấy đâu ra tiền để tiếp tục đóng BHXH? Vì thế, chỉ còn cách nghỉ hưu trước khi luật mới có hiệu lực, mình mới đỡ thiệt thòi”, chị Mai thở dài khi đã sang đầu tháng 12 mà thủ tục nghỉ hưu của chị vẫn chưa hoàn tất dù chị đã có hồ sơ sức khỏe.

Thiệt thòi hơn là những người sắp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng đã đóng vượt 25 năm BHXH. Đơn cử là trường hợp của chị Đoàn Thị Hồng, ngụ tại quận 2, TPHCM. Năm nay, chị Hồng 54 tuổi, đã có 28 năm đóng BHXH liên tục.

“Lẽ ra, sang năm mình được nghỉ hưu hưởng 75% lương cơ bản, thêm 3 năm thâm niên “dư” thì mỗi năm được hưởng thêm 1 tháng lương. Nhưng bây giờ hóa ra mình còn thiếu 2 năm”, chị lý giải về quyết định xin nghỉ hưu sớm của mình.

Không ít lao động nữ thắc mắc, theo quy định mới, lao động nam cũng bị nâng thời gian đóng BHXH lên 35 năm để được hưởng mức lương hưu 75% như lao động nữ, tuy nhiên được giãn lộ trình theo từng năm.

Theo đó, muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm đủ 31 năm (nếu nghỉ hưu năm 2018), đủ 32 năm (nếu nghỉ hưu năm 2019), đủ 35 năm (nếu nghỉ hưu năm 2022). Nhưng với lao động nữ, quy định này áp dụng ngay từ ngày 1/1/2018, không có lộ trình như với lao động nam.

Một số lao động nữ đang “chạy” hồ sơ nghỉ hưu sớm hoặc nhận chế độ BHXH “một cục” cho biết, họ dự tính sẽ “khởi nghiệp” bằng số tiền ít ỏi để tiếp tục sử dụng phần sức lực còn lại tự lo cho tuổi già.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết, chỉ có khoảng 5% khởi nghiệp ở độ tuổi này thành công. Số còn lại hoặc bị mất hết vốn, hoặc mất phương hướng, cuộc sống trở nên hết sức khó khăn.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu đã đề xuất lùi thời gian áp dụng giảm tỷ lệ được hưởng lương hưu của phụ nữ từ 3% xuống 2% từ ngày 1/1/2018 sang thời gian phù hợp để phụ nữ đỡ thiệt thòi so với nam giới. Tuy nhiên, kỳ họp đã kết thúc và vấn đề thay đổi này vẫn chưa có quyết định chính thức.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm