Nhiều mô hình kinh tế tập thể giúp phụ nữ "đổi đời"

Đình Nguyên
11/08/2021 - 09:32
Nhiều mô hình kinh tế tập thể giúp phụ nữ "đổi đời"

Sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông sản do phụ nữ làm chủ ở xã Đông Văn (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa)

Chị Lê Thị Nhân, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), cho biết, những năm qua, việc triển khai mô hình trồng cà gai leo ở thôn 3 đã tạo cơ hội cho người dân nơi đây phát triển sản xuất, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, yên tâm vì có đầu ra ổn định.

Từ phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ ở huyện Đông Sơn đã được thành lập và phát huy hiệu quả.

Phủ xanh đồi hoang

Cách trung tâm huyện hàng chục km, thôn 3, xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nhiều năm trước chủ yếu là đồi hoang. Một số hộ trồng sắn nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, những đồi hoang này đã được phủ xanh bằng mô hình cà gai leo.

Thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hòa (thôn 3, xã Đông Hoàng), chúng tôi được biết, cuối năm 2014, gia đình chị tiến hành trồng 3 sào cà gai leo. Trong quá trình triển khai mô hình, Hội LHPN xã đã phối hợp với Công ty Tuệ Linh hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời, Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho gia đình chị Hòa vay 20 triệu đồng đầu tư phát triển mô hình. Do chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, bước đầu cây cà gai leo đã cho thu hoạch, với sản lượng 2 tạ/sào, được Công ty Tuệ Linh đến tận ruộng thu mua với giá 30.000 đồng/kg.

Hiện nay, gia đình chị Hòa đã nhân rộng gần 2ha cây cà gai leo. Theo chị Hoà, cây cà gai leo dễ trồng, thích hợp ở những nơi đất cằn cỗi, không tốn nhiều công chăm sóc, từ khi trồng lứa đầu tiên đến khi thu hoạch là 3 tháng. Lứa thứ 2 sau 2 tháng có thể thu hoạch, sản lượng 2 tạ/sào, với giá bán 30.000đ/kg. Như vậy trừ chi phí, ước tính gia đình chị thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Chị Lê Thị Nhân, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Hoàng, cho biết, những năm qua, việc triển khai mô hình trồng cà gai leo ở thôn 3 đã tạo cơ hội cho người dân nơi đây phát triển sản xuất, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, yên tâm vì có đầu ra ổn định. Hiện nay, nhiều hội viên có nguyện vọng được tham gia mô hình này nên Hội LHPN xã tiếp tục vận động thực hiện chuyển đổi cây trồng, trong đó ưu tiên cây cà gai leo.

"Cây dược liệu là loại cây trồng mới, mở ra hướng làm giàu cho nhiều hội viên. Tại Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" năm 2020 do Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tổ chức, sản phẩm cao cà gai leo của Hợp tác xã trồng và chế biến cây dược liệu thân thiện với môi trường do phụ nữ làm chủ xã Đông Hoàng đã đoạt giải "Liên kết sáng tạo, gia tăng giá trị cho cộng đồng". Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ 300 triệu đồng cho Hợp tác xã mua trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất cao cà gai leo. Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội tiếp tục tuyên truyền cho hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng; duy trì 2 năm một lần chương trình "Phụ nữ sáng tạo", tạo sân chơi để các sản phẩm do phụ nữ làm ra có cơ hội quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ", Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Hoàng Lê Thị Nhân chia sẻ.

Tăng cường hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm

Tại thôn Văn Châu (xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông sản do phụ nữ làm chủ được thành lập năm 2020 với 31 thành viên. Sau 1 năm hoạt động, số thành viên của Hợp tác xã đã tăng lên 49 người. Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã chế biến khoảng 6 tấn gạo, làm ra các sản phẩm như miến, bánh đa, bánh đa nem...

Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, khi tham gia Hợp tác xã, các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư máy móc, chú trọng tem nhãn truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Hiện nay, sản phẩm của Hợp tác xã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành.

Tổ hợp tác chăn nuôi và tiêu thụ gia cầm xã Đông Ninh được thành lập năm 2014. Từ việc được hỗ trợ ban đầu mỗi hộ 50 con giống gà ri, đến nay 25 thành viên đã phát triển chăn nuôi nhiều loại gia cầm. Hàng năm, mỗi hộ thường nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa 300-500 con, ngoài ra còn nuôi thêm ngan, vịt... Nhờ đó, các thành viên trong tổ hợp tác đều có kinh tế khá.

"Ngoài hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện còn tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hiện nay, huyện Đông Sơn có 9 hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản. Việc phát triển kinh tế tập thể đã giúp hội viên phụ nữ khẳng định vai trò của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn", chị Lê Thị Vui, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Sơn, cho biết.

Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 1.800 hộ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập mới 480 doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm