Ngày 15/8, BS Nguyễn Đình Đính, Giám đốc BV Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, BV vừa cứu sống sản phụ L.T.H (29 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội) bị sốt xuất huyết (SXH). Trước đó, chị H. được chuyển lên từ BV Đa khoa Ba Vì trong tình trạng mang thai 37 tuần, chuyển dạ, giảm tiểu cầu và bị SXH. Tiếp nhận bệnh nhân, BV đã chỉ định phẫu thuật gấp để cứu mẹ con thai phụ.
Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân có diễn biến không tốt, mất máu, huyết âm đạo ra nhiều, tiên lượng khó bảo tồn tử cung. BV đã quyết định cắt tử cung bán phần, để lại hai phần phụ. Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, đảm bảo an toàn cho sản phụ và con. Hiện tại bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại phòng hậu phẫu của BV.
Còn tại BV Bạch Mai, ngày 15/8, bác sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm của BV cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị sảy thai do SXH.
Theo đó, bệnh nhân 26 tuổi (quận Đống Đa, Hà Nội) mang thai 4 tuần tuổi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao ngày thứ 2. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân đã bị sảy thai. Hiện bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc và điều trị tại BV.
Theo thống kê của khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) trong 3 tháng trở lại đây có khoảng 40 thai phụ nhập viện do SXH. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên bị sảy thai ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Hiện nay, phụ nữ có thai mắc SXH đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm chiếm 15% đến 20% số bệnh nhân SXH điều trị nội trú.
“Việc điều trị cho phụ nữ có thai bị SXH rất khó tiên lượng, cần phải theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa khác cùng phối hợp như sản, huyết học, hồi sức... để kịp thời xử trí khi có biến chứng xảy ra”, bác sĩ Cường nói.
Theo các chuyên gia, trong thời kỳ mang thai, sức đề kháng của các mẹ sẽ giảm xuống. Vì vậy, các thai phụ dễ mắc một số bệnh, trong đó có SXH.
Cụ thể, trong thai kỳ, nếu bị SXH nhưng không được điều trị kịp thời thì có thế gây sảy thai, sinh non, thai nhẹ cân, tỷ lệ rất nhỏ mẹ có thể truyền virus sang thai; thai phụ có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hóa do tình trạng giảm tiểu cầu. Trường hợp diễn tiến nặng hơn có thể bị tăng men gan, tràn dịch ổ bụng hay màng phổi, màng tim hoặc sốc giảm thể tích máu, dễ dẫn đến nhau bong non, thai chết lưu trong tử cung hay thậm chí mẹ tử vong.
Để hạn chế mắc SXH khi mang thai, chị em nên phòng tránh bệnh ngay từ những tháng thai kì đầu. Theo đó, gia đình và thai phụ nên dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như phát quang bụi rậm, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, thoáng. Không để ao tù, nước đọng trong chum, thùng; tránh muỗi đốt bằng cách nằm ngủ hay sinh hoạt trong mùng/màn; uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả có nhiều vitamin C, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân. Thai phụ nên đi khám ngay khi có các triệu trứng nghi ngờ như sốt, chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay đau cơ, đau khớp, đau họng, viêm long, xuất tiết. Trường hợp nghi ngờ bị SXH phải nhập viện để được theo dõi và điều trị.