pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhiều rào cản với phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao quyền năng kinh tế

Phụ nữ dân tộc thiểu số đang nỗ lực vượt qua những rào cản để tham gia làm kinh tế
Những lợi thế của nữ lao động dân tộc thiểu số
Khai thác tri thức địa phương, phát huy yếu tố văn hóa truyền thống trong phát triển sản phẩm là một cơ hội "vượt trội" của chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) so với các vùng khác.
Tri thức địa phương trong trường hợp này được hiểu là những kiến thức liên quan đến sản xuất, sinh kế của cộng đồng có sẵn, tồn tại, được biết đến và được sử dụng bởi cộng đồng trong một khoảng thời gian dài.
Sử dụng tri thức địa phương để khác biệt hóa sản phẩm, lựa chọn các chuỗi giá trị có yếu tố tri thức địa phương có thể nói là những yếu tố tạo nên sự thành công của các mô hình chuỗi giá trị ở vùng DTTS&MN.
DATO, doanh nghiệp điển hình ở Kon Tum, tạo ra các sản phẩm từ sâm dây Ngọc Linh, khổ qua rừng... bằng cách liên kết với đồng bào Xê Đăng trồng dược liệu dưới tán rừng Ngọc Linh. Phương pháp canh tác này đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, bảo tồn dược liệu quý, đồng thời giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững từ rừng.
Như vậy, lợi thế so sánh của các vùng đồng bào DTTS&MN trong phát triển chuỗi giá trị thường là ở những sản phẩm có tính đặc trưng trên địa bàn và tri thức địa phương về các sản phẩm đó chính là nền tảng quan trọng cần khai thác để tìm ra thị trường thông qua khác biệt hóa sản phẩm.
Điều này có nhiều hàm ý đối với các chính sách và dự án hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia vào chuỗi giá trị. Đặc biệt, phụ nữ DTTS có thể tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng với vai trò nhà cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống, hướng dẫn, vận chuyển, tổ chức hoạt động du lịch…, đáp ứng xu hướng phát triển mạnh ở Việt Nam hiện nay.
Thương mại điện tử mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho phụ nữ DTTS trong thời đại số. Nhờ internet, họ vượt qua rào cản địa lý, tận dụng Shopee, Lazada, Tiki... để quảng bá sản phẩm địa phương độc đáo như thổ cẩm, đồ thủ công, nông sản sạch. Điều này không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Một vài con số tuy chưa đầy đủ nhưng đáng chú ý như: tỷ lệ sử dụng internet trong cộng đồng DTTS đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, đạt khoảng 50% vào năm 2022. Phụ nữ DTTS tham gia bán hàng trực tuyến có thu nhập cao hơn so với những người không tham gia.

Ảnh minh họa
Khả năng tiếp cận công nghệ của họ tương đương phụ nữ Kinh, và họ đang tận dụng cơ hội này để cải thiện thu nhập. Nhiều tổ chức cũng triển khai dự án hỗ trợ phụ nữ DTTS tiếp cận thương mại điện tử.
Thách thức còn hiện hữu
Thống kê từ Ủy ban Dân tộc cho thấy: Nhìn chung đa số người đồng bào DTTS ủng hộ quan điểm: "Trong gia đình người chồng nên được tạo điều kiện để phát triển nghề nghiệp hơn người vợ", mặc định rằng vấn đề việc làm kiếm thu nhập bên ngoài của người đàn ông cần được coi trọng hơn. Quan niệm này hầu như không có khác biệt giữa nam và nữ và chỉ khác biệt ít giữa các nhóm tuổi.
So sánh theo khu vực ở, đồng bào DTTS ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ có tỷ lệ ủng hộ quan niệm thiên vị cho nam giới cao hơn so với các DTTS ở Tây Nguyên, tuy nhiên lại thấp hơn so với đồng bào DTTS ở Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều đó cho thấy những đặc thù phát triển kinh tế ở khu vực này đã tác động đến quan niệm của người dân Đối với câu hỏi "ông/bà có cho rằng, trong gia đình người chồng nên được tạo điều kiện để phát triển nghề nghiệp hơn người vợ", có 54,4% ý kiến đồng ý với nhận định này và có 28,4% ý kiến không đồng ý trong khi hơn 17,2% ý kiến còn lưỡng lự.
Không có sự chênh lệch tỷ lệ nam và nữ cũng như các nhóm tuổi ở cả 3 nhóm ý kiến, nhưng nhóm có học vấn cao có tỷ lệ phản đối nhiều hơn. Kết quả này cho thấy, những nhóm dân cư có khả năng tiếp cận kiến thức xã hội, chính sách nhiều hơn thì có xu hướng nhận thức bình đẳng giới cao hơn trong giáo dục và đào tạo.

Ảnh minh họa
Nữ DTTS có xu hướng tham gia lao động rất sớm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người DTTS từ 15 tuổi trở lên là 83,3% (nam 87,2% và nữ 79,4%), cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của cả nước là 76,2% (nam 81,1% và nữ 71,4%).
Có 9/53 DTTS có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao, từ 90% trở lên như Cơ Lao 94,8% (nam 94,4% và nữ 95,2%), Lự 94,1% (nam 95,4% và nữ 92,8%), Cống 91,9% (nam 92,5% và nữ 91,4%) (Ủy ban Dân tộc - Tổng cục Thống kê, 2019).
Các DTTS này cũng có đặc điểm chung là tỷ lệ việc làm trong nông nghiệp và lâm nghiệp rất cao. Người dân thường bắt đầu tham gia sản xuất cùng gia đình từ khi còn đang học trung học cơ sở và có xu hướng tiếp tục làm việc ngay cả khi đã qua độ tuổi lao động thông thường.
Công việc của lao động nữ DTTS so với lao động nữ người Kinh và so với lao động nam DTTS thường không ổn định và dễ bị tổn thương. Có tới 76,4% việc làm của lao động nữ DTTS trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, cao hơn gần 6 điểm % so với lao động nam DTTS (70,5%) và cao gấp đôi so với lao động nữ cả nước (35,9%).
Có 24/53 DTTS có tỷ trọng việc làm của lao động nữ trong nông, lâm nghiệp chiếm trên 90% (Tổng cục Thống kê, 2019) Về vị thế trong công việc, tỷ lệ lao động nữ DTTS làm các công việc "Lao động gia đình không hưởng lương" là 52,0%, cao gấp gần 2 lần so với tỷ lệ này của lao động nam DTTS là 26,6% và cao gấp hơn 2,5 lần so với lao động nữ cả nước là 19,4% (Tổng cục Thống kê, 2019).
Nhóm công việc của lao động nữ DTTS có điều kiện làm việc kém so với các nhóm khác, thường thiếu tính ổn định, các phúc lợi như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc hầu như không tham gia.
Tại các địa bàn DTTS, tỷ lệ lao động làm nông nghiệp còn cao (như vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên). Có sự chênh lệch đáng kể giữa lao động nam và nữ ở các khu vực phi nông nghiệp. Việc tiếp cận thị trường lao động mới, làm công ăn lương thì lao động nữ vẫn luôn bị hạn chế so với lao động nam, nhất là khi nam giới có học vấn cao.
Sự hạn chế của lao động nữ trong việc tiếp cận thị trường lao động mới và công việc lương cao, đặc biệt khi so sánh với nam giới có trình độ, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân phức tạp.
Định kiến giới vẫn tồn tại mạnh mẽ, coi phụ nữ là người nội trợ chính và hạn chế cơ hội thăng tiến của họ. Các nhà tuyển dụng thường ưu tiên nam giới do lo ngại về gián đoạn sự nghiệp liên quan đến sinh nở và chăm sóc con cái.
Thiếu hụt dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng cũng góp phần vào khó khăn này. Bên cạnh đó, phụ nữ, đặc biệt ở vùng DTTS, thường gặp khó khăn trong tiếp cận giáo dục chất lượng, dẫn đến trình độ thấp hơn. Mạng lưới quan hệ hạn chế và việc thực thi chính sách bình đẳng giới chưa hiệu quả cũng là những yếu tố cản trở đáng kể.
Lao động nữ DTTS gặp nhiều khó khăn khi muốn làm công ăn lương tại các nhà máy, khu công nghiệp tại địa phương, trong nước, đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài hoặc dịch chuyển việc làm ra khỏi nông, lâm nghiệp.
Những khó khăn mà lao động nữ DTTS gặp phải đều do vấn đề định kiến của xã hội về giới, vai trò giới trong xã hội.
Vì vậy phụ nữ DTTS thường gắn với công việc nội trợ và chăm sóc gia đình, việc lao động xuất khẩu hay đi làm ăn xa dễ bị dị nghị, tình trạng mù chữ hay tái mù chữ vẫn còn phổ biến khiến họ khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông, khó khăn trong học tập nghề nghiệp, học hỏi các kỹ năng, hiểu biết về các quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của cá nhân và xã hội.