Nhớ Bác những vần thơ Tết

TS. Nguyễn Thị Hoa, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
10/02/2024 - 09:16
Nhớ Bác những vần thơ Tết

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch năm 1957. (Ảnh tư liệu).

Những di sản về tư tưởng, đạo đức, phong cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam, non sông đất nước Việt Nam là vô giá. Một trong những hình thức độc đáo, riêng có ở Người để truyền tải những nội dung di sản ấy là những vần thơ chúc Tết của Bác, từ bài thơ Tết Nhâm Tý (1942) đến Xuân Kỷ Dậu (1969).

Xuân Giáp Thìn (2024) này, tròn 55 năm sau những vần thơ Xuân cuối cùng (Kỷ Dậu - 1969) của Bác, chúng ta lại đong đầy cảm xúc, tình yêu và ý chí để chiêm ngẫm bao tình cảm và mong mỏi của Người. 

Những vần thơ mộc mạc, giản dị của hơn 20 bài thơ Xuân, bao trùm hết thảy là những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng chan chứa tình cảm gần gũi, yêu thương của vị Cha già dân tộc. Ở đây, chúng ta có thể điểm vài nét chấm phá trong những tư tưởng đồ sộ ấy. 

Nhớ Bác những vần thơ Tết- Ảnh 1.

Chân dung Bác Hồ được nghệ nhân Lê Văn Nghĩa (xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò,Đồng Tháp) làm từ lá sen và gân sen.

Trước hết, đó là lời kêu gọi, hiệu triệu đoàn kết - một trong những giá trị, truyền thống quý báu và sức mạnh vĩnh cửu của dân tộc ta. Đoàn kết vừa là động lực to lớn, vừa là mục tiêu của Cách mạng: 

"Toàn dân đại đoàn kết 

Cả nước dốc một lòng" 

(Xuân Mậu Tý - 1948) 

"Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng, 

Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng" 

(Xuân Bính Ngọ - 1966) 

Trong tư tưởng của Người, đoàn kết là sức mạnh, là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định mọi thành công. 

Bởi vậy, tư tưởng này cũng đã được thể hiện xuyên suốt trong hầu hết các bài thơ chúc Tết của Người. Đoàn kết là giá trị truyền thống lớn lao được định hình và phát huy trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 

Từ đó, đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế đã trở thành nguyên tắc và chân lý bền vững của Cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. 

Lời kêu gọi đoàn kết được vang lên từ trái tim của Người, đã quy tụ các thế hệ người Việt, không phân biệt già trẻ, gái trai, nghề nghiệp, địa lý…, chung lưng đấu cật, đồng sức đồng lòng, vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy và đã vươn lên mạnh mẽ để giành được những chiến công hiển hách. 

Đồng thời, toát lên từ những câu thơ Xuân ngắn gọn ấy là mục tiêu, khát vọng to lớn của Người, cũng là của cả dân tộc về độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội: 

"Quyết chí, bền gan phấn đấu 

Hòa bình, thống nhất thành công" 

(Xuân Bính Thân - 1956) 

"Chúc hòa bình thống nhất thành công! 

Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!" 

(Xuân Tân Sửu - 1961) 

Độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân là "ham muốn tột bậc" của Bác. 

Đó cũng là động lực, là mục tiêu, là khát vọng ngàn đời của cả dân tộc, đó là giá trị bền bỉ để quy tụ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, đó là Mùa Xuân tươi đẹp nhất mà con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam hàng ngày, hàng giờ đấu tranh, vun đắp và xây dựng. 

Những khát vọng ấy, ở Hồ Chí Minh, không chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam, mà đó là khát vọng chung cho năm châu bốn bể, là tình cảm của chủ nghĩa quốc tế vô sản, cho một thế giới chung hòa bình, dân chủ, là những giá trị và mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ: "Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông" (Xuân Giáp Ngọ - 1954). 

Và đặc biệt, những lời thơ Xuân giản dị và ngắn gọn ấy là lời hiệu triệu vang vọng từ ngàn năm, hừng hực quyết tâm và tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng. Hai bài thơ của Xuân năm Thìn (Nhâm Thìn 1952 và Giáp Thìn 1964) đã thể hiện được sự tiêu biểu ấy.

 Với khí thế "Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua" đã được Bác kêu gọi từ những mùa xuân trước, đến Xuân Nhâm Thìn 1952, tinh thần ấy lại được vang lên và thúc giục vào những giờ phút chuyển giao linh thiêng của đất trời: 

"Chiến sĩ thi đua giết giặc 

Đồng bào thi đua tăng gia 

Năm mới thi đua mới" 

Để rồi, toàn thể dân tộc Việt Nam, từ những chiến sĩ nơi mặt trận đến những người nông dân trên cánh đồng…, đều nhất tề dốc sức đồng lòng, quyết tâm kháng chiến và hăng say lao động sản xuất, đã tạc nên một chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Hòa bình và thống nhất đất nước là khát khao, là ước vọng mãnh liệt của toàn thể dân tộc, là niềm trăn trở đau đáu nhưng cũng là niềm tin mãnh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khát vọng ấy đã được nhen lên trong những câu thơ của Xuân Giáp Thìn 1964: 

"Bắc Nam như cội với cành, 

Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng. 

Rồi đây thống nhất thành công, 

Bắc Nam ta lại vui chung một nhà" 

Những câu thơ ngắn gọn nhưng mang nặng nghĩa tình ấm áp của vị Cha già dân tộc, là lời hiệu triệu của non sông, là khát vọng lớn lao của dân tộc về thống nhất Nam-Bắc một nhà và là niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi tất yếu không gì ngăn cản được của một dân tộc anh hùng. Vần thơ mộc mạc, "thân ái nôm na" ấy "vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân", như vẫn vang vọng nguyên đây những giá trị bền vững của nó. 

Một mùa Xuân mới lại về, tròn 55 năm sau ngày Bác đi xa, đất nước đã được độc lập, thống nhất và đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay" sau gần 40 năm của sự nghiệp đổi mới. 

Hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ vẫn đang là những giá trị và khát vọng của dân tộc, của nhân loại; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội tiếp tục là mục tiêu kiên định của đất nước ta. 

Toàn bộ di sản về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã, đang và sẽ là kim chỉ nam, là nguồn động lực tinh thần vô giá, tiếp tục hiệu triệu toàn thể dân tộc Việt Nam tiếp tục hăng hái thi đua, đoàn kết một lòng, khơi dậy khát vọng và niềm tin, sự kiên định vào thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

 Đó cũng là ước vọng, là mục tiêu và hoạt động bền bỉ của vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm