pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhờ được chia sẻ thông tin, kiến thức, nhiều phụ nữ vùng cao Bắc Giang đã thoát nghèo

Chị Lục Thị Hương trở thành tấm gương thoát nghèo, làm giàu tiêu biểu ở huyện Sơn Động (Bắc Giang)
Luôn ở tâm thế khởi nghiệp
Vốn là chỗ quen biết lâu năm, chị Đinh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Động (Bắc Giang) nhắn tôi, vùng cao Sơn Động có nhiều tấm gương đồng bào dân tộc rất thú vị. Tò mò với lời nhắn ấy, cuối tuần, tôi rong ruổi gần trăm cây số lên xã Tuấn Đạo. Qua con đường núi trải nhựa vòng vèo, chị Tuyết đưa tôi đến một nhà hàng mới mở. "Chủ nhà hàng này là chị Lục Thị Hương. Ở huyện Sơn Động, chị Hương là một phụ nữ dân tộc nổi tiếng", chị Tuyết mở đầu câu chuyện.
Chị Hương là một người phụ nữ nhỏ nhắn, tháo vát. Chị vừa trò chuyện, vừa điều hành công việc kinh doanh. Thỉnh thoảng, chị dừng cuộc nói chuyện để tiếp khách hàng đến làm việc. Chị cứ luôn tay chân với công việc. Mới 40 tuổi nhưng chị Hương đã sở hữu cơ ngơi đáng nể ở vùng đất khó của tỉnh Bắc Giang.

Chị Lục Thị Hương ở vườn vải của gia đình
Chị Hương kể, chị là người dân tộc Nùng. Năm 2004, chị lấy chồng. Bố mẹ cho vợ chồng chị ở riêng. Lúc này, vợ chồng chị làm tạm ngôi nhà tường đất để lấy chỗ ở. Vợ chồng mới sinh con nhỏ, cuộc sống lúc đó khó khăn trăm bề. "Lúc ấy, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng tôi tìm cách thoát nghèo. Ở quê tôi, chủ yếu là đất đồi núi. Hai vợ chồng khởi nghiệp từ làm vườn cây ăn quả. Nhưng cái khó là thiếu vốn làm ăn", chị Hương chia sẻ.
Năm 2009, bước ngoặt đến với chị Hương. Thời điểm đó, Hội LHPN xã Tuấn Đạo có giới thiệu về chương trình nguồn vốn vay ưu đãi cho chị em phụ nữ thuộc diện hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn, do Hội đứng ra bảo lãnh. Chị Hương thấy được cơ hội thay đổi cuộc sống khi có thể tiếp cận nguồn vốn này để đầu tư phát triển mô hình kinh tế vườn cây ăn quả và trồng cây keo, bạch đàn. Chị Hương mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn với lãi suất ưu đãi từ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Tuấn Đạo. Có đồng vốn trong tay, chị mạnh dạn đầu tư vào vườn vải thiều và trồng rừng keo. Dần dần, vợ chồng chị tích cóp được chút vốn để làm ăn.
Có tiền, chị Hương và chồng lại mở rộng thêm ngành nghề làm ăn. Đón bắt được nhu cầu của người dân địa phương, chị mua thêm xe ô tô tải và máy xúc để phục vụ người dân vận chuyện và san lấp mặt bằng xây dựng. Tuy là phụ nữ nhưng chị Hương không ngại việc gì. Khi chồng bận công việc, chị lái máy xúc làm việc thay chồng. "Thấy tôi lái máy xúc, nhiều chị em trong xã ngạc nhiên. Nhưng tôi nghĩ, mình lúc nào cũng ở tâm thế khởi nghiệp, làm giàu nên không ngại vất vả", chị Hương tâm sự.
Chịu khó làm ăn, lại năng động nắm bắt xu hướng phát triển ở địa phương, bởi vậy, tính toán làm kinh tế của chị Hương đều "trúng" thời điểm. Kinh tế gia đình chị ngày càng phát triển. Chị thoát nghèo, vươn lên trở thành người làm kinh tế giỏi ở địa phương. Có tiền, chị tiếp tục đầu tư mua thêm đất đồi trồng keo và bạch đàn. Đến nay, chị Hương có khoảng 7ha đất đồi trồng keo và bạch đàn, đến kỳ thu hoạch có thể mang về tiền tỷ.
Chưa dừng lại, mới đây, chị Hương lại bước vào lĩnh vực làm kinh tế mới. Vợ chồng chị mua đất gần đường liên xã, rồi xây dựng nhà hàng ăn uống. Chị Hương và chồng vẫn duy trì mô hình kinh tế vườn, trồng keo và bạch đàn, xe tô tô vận tải và máy xúc. Chị nhẩm tính, trừ chi phí, mỗi năm, chị thu được khoảng 700 triệu đồng. "Tôi từng sống trong cảnh nghèo nên muốn làm điều gì đó cho các chị em đồng bào dân tộc đang hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, tôi phải vươn lên làm giàu mới có điều kiện giúp các chị em thoát nghèo", chị Hương chia sẻ.
Giúp nhiều chị em thoát nghèo

Chị Lục Thị Nhàn (bên trái) đã thoát nghèo từ sự hỗ trợ của chị Lục Thị Hương.
Hành trình nỗ lực vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó, làm giàu trên mảnh đất quê hương của chị Lục Thị Hương đã truyền cảm hứng, tạo động lực "kích thích" nhiều chị em khác ở xã Tuấn Đạo vượt qua khó khăn để có cuộc sống khá giả hơn. Thấu hiểu được hoàn cảnh của nhiều chị em đồng bào dân tộc thuộc diện hộ nghèo, chị Hương đã không ngần ngại giúp các chị em cùng vươn lên trong cuộc sống. "Tôi từng là hộ nghèo, nên tôi hiểu chị em cần gì để thoát nghèo. Điều chị em cần nhất là vốn và cách để làm các mô hình kinh tế. Bởi vậy, tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các chị em vay vốn, chia sẻ thông tin", chị Hương cho biết.
Chị Trần Thị Huệ, người dân tộc Nùng, ở thôn Đồng Tâm, xã Tuấn Đạo đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của chị Hương. Chị Huệ vừa đi làm vườn về, tạm nghỉ tay pha trà tiếp khách. Bên ấm trà nóng, chị Huệ thủng thẳng kể, trước chị cũng thuộc diện hộ nghèo. Thấy vậy, chị Hương có đặt vấn đề giúp chị Huệ thoát nghèo. "Chị Hương bảo tôi cần vốn thì cứ sang chị ấy cho vay để làm kinh tế, không lấy lãi, đến khi nào làm ra tiền thì trả. Vậy là tôi nghĩ đến việc mở rộng vườn đồi trồng vải thiều và cây keo, bạch đàn", chị Huệ nhớ lại.
Có lúc chị Huệ vay 20 - 30 triệu đồng, lúc khác cần vốn, chị Huệ lại sang nhà chị Hương vay thêm khoảng 50 triệu đồng. Tổng số tiền chị Hương cho chị Huệ vay hơn 150 triệu đồng. Có tiền, chị Huệ mua cây giống, diện tích trồng cây ăn quả tăng lên. Dần dần, chị Huệ có được nguồn thu từ vườn cây ăn quả và trồng cây keo, bạch đàn. Đến nay, gia đình chị Huệ đã thoát nghèo và bắt đầu có của ăn của để. Mỗi năm, trừ chi phí, vườn cây ăn quả và đồi trồng cây keo, bạch đàn giúp chị Huệ bỏ túi khoảng 200 triệu đồng.
Chị Lục Thị Nhàn ở xã Tuấn Đạo cũng được chị Hương hỗ trợ tiền vốn làm ăn. Năm 2018, chị Hương cho chị Nhàn vay 120 triệu đồng làm vốn, khi nào có tiền thì trả lại sau. Từ tiền vay đó, chị Nhàn đầu tư nuôi lợn, rồi nuôi gà. Mô hình chăn nuôi đã giúp chị Nhàn thoát nghèo. "Tôi thấy chị Hương năng động, dám làm nên học theo chị ấy, mạnh dạn làm kinh tế. Nhờ vậy, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà kinh tế ngày càng khá giả", chị Nhàn cho hay.
Chị Lã Thị Mỹ, Chủ tịch Hội LHPN xã Tuấn Đạo cho biết, không chỉ chị Nhàn, chị Huệ mà còn nhiều chị em khác ở xã Tuấn Đạo được chị Hương hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Nhiều chị em trong xã có hoàn cảnh khó khăn, khi gia đình có việc cần ô tô tải vận chuyển hay sử dụng máy xúc, chị Hương đều giúp đỡ trước và cho nợ tiền công đến khi nào có trả sau. "Chị Lục Thị Hương hỗ trợ chị em trong xã có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, chia sẻ thông tin đã góp phần giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu", chị Mỹ chia sẻ.
Chị Đinh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Động, đánh giá, Sơn Động là vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Giang, bởi vậy, chị Lục Thị Hương hỗ trợ nhiều chị em vượt khó, làm giàu góp phần giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.