pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những ai nên tiêm kháng thể đơn dòng phòng Covid-19?
Nhân viên y tế khám sàng lọc cho các đối tượng nguy cơ trước khi tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 2% dân số toàn cầu thuộc nhóm dễ tổn thương trước Covid-19 do suy giảm chức năng miễn dịch vừa và nặng. Không những thế, hiệu quả vaccine Covid-19 ở nhóm đối tượng này bị suy giảm dù đã tiêm đủ liều. Ngược lại, phần lớn người có sức khỏe bình thường đều đáp ứng tốt với vaccine Covid-19.
Các chuyên gia cho rằng, nhờ tiêm vaccine nên nhiều người có đủ kháng thể để bảo vệ bản thân trước SARS-CoV-2 như bệnh nhẹ, ít trở nặng, giảm nguy cơ nhập viện, hay rơi vào cơn bão cytokine và tử vong, nhất là người có bệnh nền trên 60 tuổi.
Thế nhưng, một nhóm người dù đã tiêm vaccine, cơ thể vẫn không tạo đủ kháng thể chống lại SARS-CoV-2, đó chính là nhóm người bệnh suy giảm miễn dịch, người không thể tiêm được các loại vaccine phòng Covid-19.
Về vấn đề này, bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn, cố vấn chuyên môn BV đa khoa Tâm Anh cho biết, bản chất của việc tiêm vaccine Covid-19 là đưa các thành phần cấu tạo đặc trưng của SARS-CoV-2 vào trong cơ thể. Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể chống lại các kháng nguyên là SARS-CoV-2. Vì vậy, việc sử dụng vaccine Covid-19 chính là cách thức buộc cơ thể người được tiêm vaccine sẽ tự tạo ra kháng thể chống lại Covid-19. Đây được gọi là phương thức gây đáp ứng miễn dịch chủ động, có nghĩa là cơ thể chủ động tự sinh ra kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Để làm được điều này một cách tốt nhất, đòi hỏi người được tiêm vaccine Covid-19 phải có hệ miễn dịch khỏe mạnh thì mới đủ khả năng sinh ra kháng thể chống lại Covid-19.
Tuy nhiên, trong cộng đồng có một nhóm lớn là những người có hệ miễn dịch đang bị suy giảm do bệnh lý (như HIV), hoặc do thuốc điều trị gây ức chế hệ miễn dịch (ung thư đang thực hiện hóa trị, xạ trị) hoặc người đã được ghép tạng như ghép thận, ghép gan… hàng ngày phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép. Vì vậy, những người này khi được tiêm vaccine Covid-19 thì hệ miễn dịch của cơ thể họ sẽ không đủ khả năng sinh ra kháng thể chống lại Covid-19. Nếu các đối tượng này mắc Covid-19, bệnh dễ có nguy cơ tiến triển nặng hoặc tử vong.
Để bảo vệ "nhóm người yếu thế", mới đây các nhà khoa học đã tạo ra các kháng thể kháng Covid-19. Đó chính là các kháng thể đơn dòng từ bên ngoài và sau đó đưa các kháng thể này vào cơ thể người giúp bảo vệ cơ thể chống lại Covid-19, đây được gọi là phương thức gây đáp ứng miễn dịch thụ động.
Theo đó, ngày 8/12/2021, Evusheld - kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới chính thức được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép cho điều trị dự phòng trước phơi nhiễm SARS-CoV-2. Evusheld đặc biệt hiệu quả trên nhóm người suy giảm miễn dịch, nhóm người không có khả năng sinh kháng thể dù đã được tiêm đủ liều vaccine phòng bệnh.
Theo các chuyên gia, Evusheld không thay thế vaccine cho cộng đồng nhưng chính thức đã tạo thêm lá chắn mới cho "người bệnh yếu thế". Nhiều quốc gia đã cấp phép và tiêm ngừa cho người dân kháng thể đơn dòng Evusheld. Ví như, Mỹ đã đặt mua 1,7 triệu liều Evusheld từ hãng dược phẩm AstraZeneca.
Tại khu vực Đông Nam Á, sau Singapore thì Việt Nam là quốc gia thứ 2 đặt mua thành công kháng thể đơn dòng Evusheld. Kháng thể đơn dòng Evusheld ngừa Covid-19 Bộ Y tế cũng đã cấp phép và loại kháng thể này sẽ sớm về Việt Nam để tiêm cho các đối tượng phù hợp.