pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những bé gái 14 tuổi bị bán làm dâu ở Mexico
Những đứa trẻ người thiểu số thuộc bang Guerrero, Mexico. Nguồn ảnh: memesita.com
Khi mới 14 tuổi, Eloina Feliciano cầu xin mẹ đừng bán cô cho gia đình khác làm dâu nhưng lời cầu xin của cô đều vô ích. "Tôi không muốn bị bán", cô nhớ lại lời đã nói với mẹ mình tại ngôi nhà ở vùng núi bang Guerrero.
Eloina Feliciano trở thành một trong số nhiều cô gái từ cộng đồng Mixtec ở miền nam Mexico phải chịu hủ tục trên. Theo nhận xét từ các nhà hoạt động xã hội, điều này sẽ đẩy phụ nữ vào tình cảnh bị lạm dụng. Trong khi đó, gia đình chú rễ dễ đối mặt với nghèo khó do phải trả tiền mua cô dâu cho nhà gái.
Theo thông tin từ một người dân trong khu vực, các khoản thanh toán mà cha mẹ cô dâu yêu cầu dao động từ 2.000 đến 18.000 USD (khoảng 47,5 đến 415 triệu đồng). Thường thì cha mẹ cô gái sẽ chỉ nhắm đến nam giới trong khu vực gần nhà.
Cho đến nay, những thỏa thuận như vậy vẫn được thực hiện trong hàng chục cộng đồng ở bang Guerrero (Tây Nam Mexico). Thế nhưng ngày càng có nhiều lời kêu gọi chấm dứt hủ tục bán con gái.
Trẻ em gái không phải hàng hóa
Feliciano, hiện 23 tuổi, sống tại khu đô thị Metlatonoc, một trong những khu vực nghèo nhất Mexico, chia sẻ: "Chúng tôi không phải động vật để bị bán đi như thế".
Nhà nhân chủng học Abel Barrera, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Núi Tlachinollan, Mexico, cho biết: "Các bé gái là người dễ bị tổn thương. Gia đình mới sẽ ép họ làm nô lệ để phục vụ các công việc gia đình và đồng áng".
Ông nói thêm, do sự bấp bênh ngày càng tăng của các cộng đồng này, nghi lễ của tổ tiên bản địa về việc cho đi các thiếu nữ để đổi lấy của hồi môn từ kỳ kinh nguyệt đầu tiên của họ đã bị biến tướng. Do đó, các bé gái hiện đang bị biến thành hàng hóa.
Theo số liệu chính thức, người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 10% dân số Mexico với 12,6 triệu người và gần 70% sống trong cảnh nghèo đói.
Maurilia Julio, một nữ hộ sinh 61 tuổi, cũng bị bán khi còn nhỏ. Bà cho biết sẽ đảm bảo không để những đứa con gái của mình rơi vào tình cảnh tương tự.
"Gia đình chồng khiến bạn đau khổ vì thực tế đơn giản là vì họ mua bạn bằng tiền", bà nói.
"Nhiều phụ nữ nói "Tôi sẽ bán con gái mình với giá 110.000 - 120.000 peso (khoảng 53 - 57,5 triệu đồng) vì tôi muốn có tiền". Khi nghe điều đó tôi cảm thấy rất buồn vì dù gì chúng cũng là con của họ", bà Julio kể lại.
Một người phụ nữ giấu tên vì lo sợ hàng xóm trả thù cho biết: "Phụ nữ thậm chí còn bị bán để chăm sóc bố chồng. Họ nói rằng họ đã mua cô dâu và có thể làm bất cứ điều gì họ muốn". Người này hiện cũng là một người mẹ của hai đứa con gái ở tuổi vị thành niên, bà sợ rằng chồng mình sẽ lặp lại truyền thống.
Một số tín hiệu lạc quan từ cộng đồng
Theo số liệu chính thức, hơn 3.000 bé gái trong độ tuổi từ 9 đến 17 đã sinh con ở Guerrero vào năm ngoái, một trong số đó là sau khi bị bán cho nhà chồng. Victor Moreno, một cư dân 29 tuổi, cho biết: "Chúng tôi muốn thay đổi điều này nhưng mọi người lại phản bác rằng: "Tôi làm điều tôi muốn. Đó là con gái của tôi, và quyền quyết định thuộc về tôi".
"Chúng tôi muốn ai đó giúp đỡ, thông qua luật pháp để thay đổi điều này", ông nói thêm.
Moreno một người cũng kết hôn theo cách sắp đặt tương tự. Mặc dù không ngược đãi vợ nhưng anh phản đối hủ tục này vì phải chuyển đến miền bắc Mexico làm thuê để trả nợ. "Ở đây chúng tôi là những người nghèo. Chúng tôi không đủ tiền mua con dâu cho con trai mình, chúng tôi phải vật lộn với cuộc sống để trả tiền số tiền đó", ông bố của hai đứa trẻ nói.
Benito Mendoza, một thành viên của tổ chức phi chính phủ 'Yo quiero, Yo puedo' (Tạm dịch 'Tôi muốn, tôi có thể'), đã tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức của người dân. Theo đó, cha mẹ cô dâu yêu cầu tiền "vì họ tin rằng họ phải lấy lại những gì đã bỏ ra cho việc nuôi dạy con gái", ông nói. Cho đến nay chỉ có khoảng 300 người trong khu vực đồng ý ngừng thực hiện hủ tục này, theo một lãnh đạo cộng đồng. "Hầu hết vẫn sẽ tiếp tục bán con gái của họ", Feliciano nói.