pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những căn bệnh lạ khiến giới y học "đau đầu" vì chưa thể tìm ra cách chữa
Căn bệnh lạ gây viêm não
Nhân loại từng chứng kiến nhiều loại bệnh khủng khiếp nhưng có lẽ ít có căn bệnh nào như Encephalitis lethargica (E.lethargica). Nó xuất hiện lần đầu vào năm 1916 và lan rộng những năm 20 ở thế kỷ trước. Bệnh có triệu chứng như run rẩy, rối loạn tâm thần, buồn ngủ và nặng có thể gây chết người. Đây là thủ phạm làm cho trên 1 triệu người thiệt mạng. 20% người mắc bệnh sống sót bị tàn tật suốt đời, chỉ có 14% phục hồi hoàn toàn. Đến nay, khoa học mới chỉ lý giải căn bệnh này tấn công não (E. lethargica có nghĩa "viêm não làm cho người bệnh trở nên mệt mỏi"). Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi khoa học chưa biết nó có nguồn gốc từ đâu và làm thế nào để phòng tránh.
Vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước, căn bệnh này bỗng dưng biến mất trước khi tái xuất vào năm 1993. Thời gian này, 3 bác sĩ là John Oxford, Andrew Church và Russell Dale đã khám phá nhiều điều mới lạ: Các bệnh nhân thường bắt đầu bị đau họng, do một chủng hiếm gặp streptococcus gây ra. Vi khuẩn này liên tục biến đổi và làm cho hệ miễn dịch tấn công não bộ. Với phát hiện trên, các nhà nghiên cứu đã rà soát lại những đợt bùng phát diễn ra trong những năm 1920, phát hiện thấy, nhiều bệnh nhân bị đau họng và thủ phạm chính là streptococcus. Đến nay, người ta đã tìm ra thủ phạm song vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm căn bệnh trên.
Phát bệnh hàng loạt vì thiên thạch
Vào một đêm tháng 9/2007, một thiên thạch rơi xuống Trái đất gần biên giới Peru với Bolivia. Nó được đặt theo tên của thị trấn Carancas, nơi thiên thạch rơi xuống. Một người đàn ông đã bị văng khỏi xe đạp sau khi bị thiên thạch va vào, trong khi đó những người ở xa lại nhìn thấy vệt lửa cao 1.000 mét phía sau thiên thạch. Khi mọi thứ qua, không một ai bị tổn thương theo đúng nghĩa đen nhưng nỗi sợ từ thiên thạch này lại có thực. Hàng trăm người dân ở thị trấn Carancas bị ảnh hưởng và chỉ trong vòng vài ngày, có đến 200 người ở đây bị ốm. Các triệu chứng phổ biến như đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy... lan nhanh đến nỗi các bác sĩ địa phương phải xây dựng lều dã chiến ngay tại thị trấn để điều trị cho bệnh nhân.
Sau một thời gian làm việc khẩn trương, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các bác sĩ vẫn không tìm được nguyên nhân hoặc nguồn gốc của căn bệnh mà người dân mắc. Một số nhà khoa học nổi tiếng của Peru cho rằng, các chất đi theo thiên thạch Carancas, có cả hơi nước, asen và khí độc... đã gây ô nhiễm bầu không khí nên đã phát sinh ra dịch bệnh.
Căn bệnh khiến hơn 1.000 người "cười không dứt"
Theo trang tin Howstuffworks, năm 1962, tại vùng Bukoba, Tanganyika (nay thuộc Tanzania), 3 nữ sinh bỗng dưng mắc chứng cười không dứt. Sau đó, bệnh lan rộng khiến hơn 1.000 người rơi vào tình trạng tương tự. Bệnh bắt đầu vào ngày 30/1/1962 tại trường nữ sinh Kashasha ở Bukoba. Ban đầu, giáo viên cho rằng nhóm học sinh này không nghiêm túc và yêu cầu các em phải viết kiểm điểm. Nhưng sự lo lắng dần xuất hiện khi tiếng cười như một loại virus lan rộng khắp nơi. Bất kỳ ai nếu tiếp xúc với người nhiễm đều cười ngay lập tức. Bệnh kéo dài 16 ngày, khiến trường phải đóng cửa vào tháng 3, với 95/159 học sinh bị nhiễm bệnh. Thậm chí, ngay cả các bậc phụ huynh đến đón con cũng mắc bệnh và cười sau khi tiếp xúc với người đã nhiễm.
Chưa hết, 10 ngày sau khi ngôi trường đóng cửa, "virus cười" còn xuất hiện ở một ngôi làng cách đó gần 900km với 127 dân cư trong làng cười suốt ngày đêm. Thậm chí còn lan sang nước láng giềng Uganda khiến số người mắc bệnh tăng vọt lên hơn 1.000 người, khiến 14 trường học bị ảnh hưởng và phải đóng cửa trong nhiều tháng.
Căn bệnh còn tái phát nhiều năm sau đó, khiến các nhà nghiên cứu phải vào cuộc. Các chuyên gia ở Đại học Campinas (Brazil), cho rằng, dịch cười ở Tanganyikan có thể bắt nguồn từ virus. Rất có thể những người mắc "bệnh cười" hàng loạt ở đây là do não bị tổn thương vì một loại virus viêm não gây ra. Cũng có giả thiết cho rằng, đây là do ngộ độc thực phẩm hay do bệnh hysteria mass. Hysteria mass về cơ bản là phản ứng trước sự căng thẳng, phổ biến với nhóm người cảm thấy bất lực.
Ngày nay, Hysteria mass được biết đến với tên gọi rối loạn phân ly, thuật ngữ dùng để mô tả trường hợp một số đông người cùng biểu hiện các triệu chứng cuồng loạn về thể chất và tâm thần.