pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những chuyện rơi nước mắt về các "thiên sứ trọc đầu" chống dịch covid-19
Cách đây hơn nửa tháng, mẩu tin với tiêu đề "Các nữ nhân viên y tế hỗ trợ Vũ Hán cạo đầu tập thể" khi tham gia chống covid-19 đã tạo ra một làn sóng dư luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Có những lời khen ngợi và cả những bình luận phản đối, không ít người cảm động nhưng cũng không ít người hoài nghi.
Trước những lời bình luận từ bên ngoài, Ngưu Viên không quan tâm. Cô chỉ quan tâm xem liệu mình trông có xấu quá không sau khi cạo trọc đầu. Cô gõ từ khóa "sao nữ cạo trọc đầu" trên mạng để tìm một vài bức ảnh tham khảo.
Ngồi trước màn hình, Ngưu Viên cảm thấy cạo trọc đầu cũng không phải là không thể chấp nhận. "Thật tình cờ lúc đó đồng nghiệp mang máy hớt tóc đến. Tôi đã là người đầu tiên cạo trọc đầu. Nhưng cũng rất thất vọng, trông tôi không hề giống với những nữ diễn viên trong ảnh!".
Ngưu Viên là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Giao thông Tây An.
Vào ngày 9/2, bệnh viện đã cử một đội ngũ y tế quốc gia gồm 134 thành viên tới viện trợ Hồ Bắc, đóng quân tại khu phía đông của Bệnh viện Nhân dân thuộc Đại học Vũ Hán, chịu trách nhiệm tiếp quản bảy hoặc tám phường. Ngưu Viên là thành viên số 1/137 này.
Cơn bão cạo trọc
"Tôi thấy một người nào đó trên mạng nói rằng các nữ bác sĩ cạo trọc đầu để câu view. Tôi rất buồn", Mao Gia Nguyệt nói thêm rằng, mái tóc là khuôn mặt thứ hai của người phụ nữ, nếu không thật sự cần thiết, ai sẽ chịu "hủy dung" để được nổi tiếng?
Mao Gia Nguyệt sau khi cạo trọc đầu
Mao Gia Nguyệt, một y tá phẫu thuật mạch máu vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 25 của mình tại Vũ Hán. "Hai ngày đầu tiên sau khi chúng tôi đến, chúng tôi đã được huấn luyện cách mặc và cởi quần áo bảo hộ, tuy nhiên tóc vẫn bị lộ ra ngoài."
Một vài cô gái bảo hãy cạo trọc đi là tốt nhất. Mao Gia Nguyệt nói lúc đó cô chỉ nghĩ là một câu nói đùa. Nhưng câu nói đùa này nhanh chóng trở thành một chủ đề thảo luận nghiêm túc - vì virus dễ dàng ẩn trú trên tóc, làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Mặc dù quy định không được để lộ tóc ra ngoài đồ bảo hộ, "tuy nhiên vẫn không tránh khỏi có những sợi tóc vương ra ngoài". Hơn nữa, khi ra khỏi khu cách ly và cởi bỏ đồ bảo hộ, thường những mái tóc dài sẽ khó làm sạch và khử trùng hơn, điều đó cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Để tiết kiệm thời gian và an toàn cho bản thân, Mao Gia Nguyệt nhìn thấy các đồng nghiệp quanh mình thực sự đã có người cạo trọc. Cô cũng có động lực hơn nên đã cùng một vài người nữa quyết định xuống tóc. Khi đến lượt Mao Gia Nguyệt vào cạo trọc, là lúc cô đang gọi video call với bạn trai. Cô chỉ nói đơn giản rằng mình cần phải đi cạo đầu, rồi quả quyết đặt điện thoại xuống. Khi Gia Nguyệt quay lại, cô ngạc nhiên khi thấy bạn trai ở bên kia màn hình cũng đã cạo trọc như mình. "Anh sẽ đợi tóc mọc dài ra cùng với em" Mao Gia Nguyệt lúc cạo tóc không khóc, nhưng khi nhìn và nghe bạn trai nói câu đó, cô lại khóc.
Mao Gia Nguyệt chat cùng bạn trai
Mao Gia Nguyệt cho biết khi trở về, cô sẽ chụp ảnh cưới cùng bạn trai. "Lúc đó để kiểu tóc này chụp cũng khá là thú vị!". Cô nói rằng phía ảnh viện cũng đồng ý chụp cho vài bức trong bộ đồng phục y tá để kỷ niệm những trải nghiệm đặc biệt này.
Vì bệnh nhân, tôi cảm thấy xứng đáng
"Khi tôi đến buồng bệnh số 4, ngay khi vừa gõ cửa tôi liền nghe thấy bệnh nhân bên trong nói: ‘Đợi một chút, chờ tôi đeo khẩu trang, các cô đến đây để cứu chúng tôi, là ân nhân của chúng tôi, chúng tôi phải bảo vệ các cô’."- y tá Hà Nãi Ninh kể lại.
Hà Nãi Ninh sau khi cạo trọc
Hà Nãi Ninh là y tá trưởng khoa bệnh nặng. Với tuổi đời 43, cô là chị cả của các nữ nhân viên y tế trong viện. Khu bệnh số 7 và 8 vừa tiếp nhận 64 bệnh nhân với tình trạng nặng và nguy kịch. Hà Nãi Ninh, người đầu tiên đến Vũ Hán, đã cảm thấy khối lượng công việc và áp lực tâm lý cao gấp nhiều lần so với bình thường.
"Nhiều bệnh nhân chúng tôi tiếp quản chỉ có thể đi tiểu trên giường và cần kiên nhẫn, chăm sóc cẩn thận", Hà Nãi Ninh nói. Ngoài ra, cô cũng cần chú ý đến các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân mọi lúc, tiêm, phát thuốc, lấy máu xét nghiệm... theo đúng phác đồ điều trị.
Ngoài công việc của y tá, họ còn làm nhân viên vệ sinh và điều dưỡng, đun sôi nước cho bệnh nhân, đổ nước, cắt móng tay và vứt rác. "Tôi rất vui khi thấy tình trạng của bệnh nhân ngày càng tốt hơn."
"Mỗi ngày, lời nói mà chúng tôi nghe thấy nhiều nhất trong phòng bệnh là lời cảm ơn." – Hà Nãi Ninh cho biết, cô có thể cảm nhận được những lời cảm ơn đó phát ra từ trái tim của bệnh nhân. "Chúng tôi làm những gì chúng tôi nên làm, vì bọn họ, tôi cảm thấy xứng đáng."
Sau khi cạo trọc, nhân viên y tế tiết kiệm được nhiều thời gian mặc đồ
"Đây không phải là một sự xấu hổ, đó là yêu cầu công việc và đảm bảo an toàn." – Hà Nãi Ninh vừa nói vừa lấy tay xoa đầu. "Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ chấm dứt sớm, và cũng mong tóc sẽ dài ra nhanh hơn. Nói thế nào đi nữa, một người phụ nữ cạo trọc trông vẫn không được đẹp cho lắm."
Vũ Hán ơi, chúng tôi sẽ còn trở lại
Trong nhóm "bác sĩ đầu trọc" này, ngoài người chị cả Hà Nãi Ninh, còn có những thế hệ sau năm 1995, có những cô gái đang yêu như Mao Gia Nguyệt và những cô dâu tương lai đã hoãn đăng ký đám cưới để tham gia vào cuộc chiến.
Hầu hết họ đều có sự ủng hộ của gia đình, cũng có những người giấu người nhà tham chiến. Một số người rất nhanh chấp nhận hình ảnh mới của mình, những cũng có một vài người không dám gọi video call với người nhà…
Các nhân viên y tế ngồi xe buýt đi làm
Y tá huyết học Trương Oánh nói rằng đến Vũ Hán không phải là một hành trình nói đi là đi. Đối với một nhân viên y tế, đây là một sự khảo nghiệm đối với gia đình của họ. "Bạn trai tôi cũng học ngành y. Anh ấy từng nói với tôi rằng, với tư cách là đồng nghiệp, anh đặc biệt ủng hộ em tới Vũ Hán, nhưng đứng trên phương diện là bạn trai, anh thật sự không muốn em đi." Trương Oánh nói. "Nhưng chúng tôi đã quyết định đi, và chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng."
Trước khi chia tay nhóm thiên sứ đầu trọc này, nhiếp ảnh gia đã đề nghị chụp một bức ảnh mỗi người để kỷ niệm chuyến đi Vũ Hán. Khi những bức ảnh được đăng tải trên chuyên mục "Những anh hùng phàm trần", một cuộc tranh luận đã nổ ra. Có những lời khen, có sự cảm động, nhưng cũng không ít lời phản đối và nghi vấn. Nhưng bỏ qua tất cả, Vũ Hán đã thực sự nợ họ một tấm chân tình!
Phàn Lệ Á, chủ nhiệm Khoa miễn dịch và nội tiết, Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Giao thông Tây An
Lý Hiểu Đình, Y tá khoa gan mật, Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Giao thông Tây An
Lưu Hoan Phong, y tá Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Giao thông Tây An
La Thính, Y tá khoa tim mạch, Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Giao thông Tây An
Tôn Na, Y tá khoa hô hấp, Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Giao thông Tây An
Tôn Hân Hoàn, Y tá khoa tiêuhóa, Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Giao thông Tây An
Ngụy Tôn Anh, Y tá đa khoa, Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Giao thông Tây An
Trương Bội Dung, Y tá khoa huyết học, Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Giao thông Tây An
Trương Dương, Y tá khoa thần kinh, Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Giao thông Tây An
Trương Oánh, Y tá khoa huyết học, Bệnh viện liên kết số 1 của Đại học Giao thông Tây An