pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều cần biết trong điều trị u nang vú
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hương (trái) điều trị cho một ca bệnh
Khoảng tháng 11/2023 chị Lê Hoài Thương (45 tuổi, ở Hà Nội) tự sờ thấy khối nang ở vú trái. Khối nang này tăng kích thước nhanh trong vòng 1 tháng. Khi chị Thương đi khám, kết quả siêu âm cho thấy vú trái vị trí 12h cách núm vú 4cm có nang kích thước 34x21x34cm, thành mỏng, dịch trong.
Sau đó, chị được chỉ định điều trị bằng phương pháp diệt nang tiêm cồn tuyến vú trái dưới hướng dẫn của siêu âm. Dịch nang sau khi chọc hút được chuyển xuống khoa Giải phẫu bệnh để xét nghiệm, kết quả không thấy tế bào ác tính. Sau 2 tuần điều trị, kích thước nang vú trái của chị Thương sau diệt chỉ còn 9x44mm.
Chị Trần Minh Hương (22 tuổi, ở Cao Bằng) cũng có nang tuyến vú cách vú trái 2cm hướng 5h, với kích thước 29x21mm. Chị Hương phát hiện có nang từ khi 17 tuổi và có theo dõi, khám định kỳ 6 tháng 1 lần. Nhưng gần đây, chị thấy đau nhức, khó chịu ở ngực. Chị Hương đã được xử lý nang bằng phương pháp diệt nang tiêm cồn dưới hướng dẫn của siêu âm. Tuy nhiên, chị Hương vẫn lo ngại chưa diệt được triệt để.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Cố vấn chuyên môn Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, cho biết, nang tuyến vú là tổn thương lành tính, thường không gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cũng không tiến triển thành tổn thương ung thư. Do vậy, thông thường, với những nang tuyến vú nhỏ và không có triệu chứng thì không cần điều trị.
Tuy nhiên, trong những trường hợp nang tuyến vú to lên, gây đau, chảy máu hoặc nhiễm trùng trong nang, thì vấn đề điều trị cần phải đặt ra. Dưới hướng dẫn của siêu âm, dịch nang sẽ được hút ra gần như hoàn toàn, sau đó bác sĩ sẽ tiêm chất diệt nang - thường là cồn tuyệt đối - với thể tích khoảng 90%, đợi một thời gian rồi rút ra hoàn toàn.
Người bệnh sẽ được theo dõi sau điều trị. Phương pháp này an toàn và thường có tỷ lệ thành công khoảng 80% các trường hợp. Còn với phương pháp hút dịch thông thường, tỷ lệ tái phát dịch của nang sau hút dịch thường là 80%.
Nhiều người cũng băn khoăn về nguyên nhân gây nang tuyến vú, bác sĩ Thu Hương cho biết, mỗi bên ngực chứa các thùy tuyến vú, được sắp xếp giống như cánh hoa cúc. Các thùy được chia thành các tiểu thùy nhỏ hơn để sản xuất sữa khi mang thai và cho con bú.
Mô nâng đỡ tạo nên hình dạng của vú được tạo thành từ mô mỡ và mô liên kết sợi. Nang vú phát triển do sự tích tụ chất dịch bên trong các tuyến ở vú. Hiện tại chưa rõ nguyên nhân gây nang vú, có thể hình thành do sự thay đổi nội tiết tố mỗi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
Đó là lý do tại sao nang vú phổ biến nhất ở những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ nang vú xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh.
Nang vú không làm tăng nguy cơ ung thư vú nhưng bị nang vú có thể gây khó phát hiện khối u mới ở vú hoặc những thay đổi khác mà bác sĩ có thể cần đánh giá. Thực tế, u nang vú là một trong những khối u vú phổ biến ở phụ nữ và có khoảng 1% trở thành ung thư vú. Khi phát hiện có u nang vú, bác sĩ thường khuyến nghị phụ nữ thực hiện kiểm tra vú thường xuyên để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường của ung thư vú.
Để phòng ngừa nang vú, phụ nữ nên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trong quá trình kiểm tra sức khỏe, người trong cuộc có thể yêu cầu kiểm tra tuyến vú để phát hiện các dấu hiệu của u nang tuyến vú.
Cùng với đó là điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn, kiểm soát cân nặng, hạn chế uống rượu, tránh hút thuốc lá và tránh sử dụng hormone nội tiết khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng hormone nội tiết như thuốc tránh thai có thể tăng nguy cơ mắc u nang tuyến vú.